Anh Nguyễn Văn Chiến, sinh năm 1985, sinh ra và lớn lên ở vùng đất xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn. Bôn ba ngược xuôi với đủ các nghề nhưng chưa tìm được công việc cho thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình là nỗi lo âu lớn của chàng trai trẻ.
Anh Chiến kể lại lý do bén duyên với nghề nuôi chim yến là trong một lần đi chơi ở xã bên cạnh, anh thấy ở một ngôi nhà có rất nhiều ô cửa nhỏ lỗ chỗ phát ra tiếng âm thanh lạ và thấy chim trời bay ra vào liên tục khiến anh rất tò mò. Hỏi ra mới biết là chủ nhà đang nuôi chim yến, loài chim trời làm tổ bằng chính thứ nước bọt của nó. Và cũng nghe người xung quanh nói rằng, tổ yến có giá bán rất cao, là nghề kiếm tiền tỷ nếu thành công. Có lẽ tôi có “duyên kiếp trước” với chim yến, nên khi nghe họ nói như vậy, tôi đã phải lòng chim yến ngay - anh Chiến tâm sự.
Anh Chiến đã thử liên lạc với chủ nhân của ngôi nhà nuôi chim yến kia nhưng không được chia sẻ kinh nghiệm nuôi nên anh quyết định tự tìm tòi thông qua mạng Internet. Ròng rã suốt 3 tháng trời, anh Chiến mò mẫm sách vở cùng với chiếc máy tính, tỉ mỉ nghiên cứu từ đặc tính giống chim, cách xây nhà và kỹ thuật nuôi. Tuy vậy, “trăm nghe không bằng một thấy”, anh quyết định Nam tiến, tìm đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm từ các nhà nuôi chim yến thành công ở đây.
Sau 6 tháng học việc, cuối năm 2015, anh Chiến trở về quê hương, bắt tay vào việc xây dựng nhà nuôi yến cho riêng mình. Anh kể lại: Để theo đuổi nghề nuôi chim yến, tôi đã phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để xây được một nhà nuôi yến cho riêng mình. Tổng mức đầu tư là hơn 600 triệu đồng để xây dựng nhà nuôi, mua thiết bị dẫn dụ, thiết bị cân bằng độ ẩm và chiếu sáng.
Trong đó, chi phí để xây dựng nhà nuôi là tốn kém nhất, nguyên nhân là do thiết kế của nhà nuôi chim yến khá đặc biệt, độ kiên cố còn hơn nhiều lần so với nhà ở thông thường. Giữa hai lớp tường gạch còn có những lớp xốp giữ nhiệt để đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè vẫn mát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chim yến sinh sống. Để dẫn dụ được chim yến đến, ngoài việc đầu tư vốn xây dựng nhà nuôi, tạo không gian cho yến trú ngụ và làm tổ, người nuôi còn phải đầu tư hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến.
Theo anh Chiến, người nuôi chim yến không tốn công chăm sóc. Chim yến là loài chim hoang dã, thức ăn của chúng sử dụng là các loại côn trùng bay, thêm vào đó là tập quán đi kiếm ăn nuôi con của chúng.
Và rồi tâm huyết của chàng trai 8X đã được đền đáp, sau 3 tháng đầu tiên, nhà nuôi bắt đầu có chim đến làm tổ và sinh sản. Đến nay, sau hơn 2 năm, ngôi nhà nuôi của anh Chiến đã thu hút được hơn 500 đôi chim yến đến sinh sống và trung bình khoảng 600 tổ chim.
Anh Chiến cho biết thêm: Thời gian để có thể thu hoạch một tổ là khoảng 3, 5 tháng, bắt đầu từ lúc cặp đôi chim bố và chim mẹ sinh sản, ấp trứng rồi đến khi chim non trưởng thành có thể tự lập và bay đi kiếm bạn tình. Đến khi đó người nuôi mới có thể thu hoạch tổ yến, nếu thu hoạch sai thời điểm có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Anh tâm sự, giác quan của chim yến rất nhạy cảm. Nếu thu hoạch tổ yến sớm, khi chim yến trở về không tìm được tổ của mình, nó sẽ cảm thấy nơi này không phải là nơi an toàn để tiếp tục sinh sống nữa, số lượng cặp chim yến sẽ giảm dần.
Đây là một trong những sai lầm mà nhiều người nuôi đã gặp phải. Còn nếu thu hoạch muộn, giá trị dinh dưỡng của tổ yến sẽ mất dần, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, thu hoạch tổ yến sao cho đúng thời điểm là điều tối quan trọng.
Hiện nay, nhà nuôi chim yến của anh Nguyễn Văn Chiến cho thu hoạch trung bình 12kg tổ yến mỗi năm, giá bán sản phẩm tổ yến thô là 25 triệu đồng/kg, tổ yến đã qua xử lý là 32 triệu đồng/kg. Ước tính mỗi năm gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng nhờ việc nuôi chim yến trong nhà. Anh cho biết, tổ yến là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhu cầu của thị trường còn rất lớn.
Chính việc nuôi chim yến trong nhà đã góp phần giảm giá thành và đa dạng các sản phẩm chế biến từ yến sào, phù hợp hơn với người dân. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích nhà nuôi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người có nhu cầu.
Thái Học
Nguồn: Báo Ninh Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã