Người mà nhiều người gán cho biệt danh “lão khùng” này là ông anh Phan Đức Tư, trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Đầu tháng 11 này, hàng chục giám đốc các hợp tác xã trên địa bàn “đổ bộ” về trai trạng mang tên Trảng Trầm của ông Tư để được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình và ông Tư truyền kiến thức để khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Sở dĩ các giám đốc HTX phải về đây vì trang trại của “lão khùng” Phan Đức Tư vừa hình thành được vài tháng và đang thực hiện mô hình dưa lưới, rau sạch công nghệ cao do huyện hỗ trợ.
Từ gần 3 tháng trước đây, “lão khùng” bắt đầu mày mò xây dựng trang trại trồng cây ăn quả và rau sạch. Trên diện tích 1.000m2 ban đầu, ông dành 500m2 để sản xuất rau bằng giá thể, 300m2 sản xuất rau hữu cơ, diện tích còn lại sản xuất rau thủy canh. Kinh phí đầu tư khoảng 850 triệu đồng, trong đó huyện Thăng Bình hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến nông.
Sau thời gian xây dựng nhà lưới, cơ sở hạ tầng… ông bắt đầu sản xuất lứa rau đầu tiên. Ở khu vườn sản xuất dưa lưới, hiện dây dưa đã bắt đầu bò lên giàn, phần trồng rau xà lách được gần 1 tháng cũng gần thu hoạch, còn phần trồng ra hữu cơ thì bắt đầu lên mầm.
Giữa một vùng cát trắng nắng nóng đi bỏng chân, nơi đây chỉ có cây dương liễu và một số cây chịu hạn khác mới có thể trụ nổi, vì sao ông lại bỏ số tiền lớn ra đầu tư trang trại trồng rau sạch ở vùng đất này? Lão khùng chia sẻ: “Tôi là người con của quê hương, tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nay tôi quay về đây lập trang trại để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao. Tôi về để trả ơn vùng đất này”.
Việc rẽ ngang của “lão khùng” cũng gây xôn xao trong hàng xóm, những người thân quen của ông. “Lão khùng” bảo, mấy tháng trước khi quyết định mở trang trại, ông đi khắp khơi học hỏi rất nhiều từ Đà Lạt, các tỉnh phía Bắc và nhờ chuyên gia tư vấn… Sau đó, ông về tự mày mò tìm hiểu trên mạng, thiết kế nhà lưới.
Sau đó ông làm đề án, chính quyền địa phương đồng ý cho anh thuê 7ha đất 50 năm, Quỹ khuyến nông huyện Thăng Bình hỗ trợ 400 triệu đồng, “lão khùng” bỏ thêm gần 500 triệu đồng… Thế là một nhà lưới rộng hàng trăm mét vuông đã hình thành. Ông dành vài trăm mét vuông trồng dưa lưới, một ít trồng xà lách và gieo cải. Đến đầu tháng 11 này, các loại rau và cây ăn quả bước đầu sinh trưởng tốt.
Để tạo đầu ra cho sản phẩm, ông tổ chức một đội ngũ tiếp thị rải khắp nơi, từ thành phố đến vùng quê của ông. Ông xây dựng trang web giới thiệu và địa chỉ email. Ông bảo: “Khi trang trại hình thành rồi, người dân chỉ việc nhắn tin hay gởi mail đến liệt kê những loại rau củ cần mua là tôi đáp ứng tận nhà, đầy đủ cho bữa ăn trong gia đình, những bà nội trợ không cần đi chợ nữa”.
Lão khùng cũng chia sẻ, bây giờ người tiêu dùng đi mua rau thịt ngoài chợ thì không yên tâm về chất lượng, nếu mình làm thật, làm sạch thì chắc chắn sẽ được thị trường ủng hộ.
Ông cũng chia sẻ, ở vùng cát trắng này, người dân bỏ vườn ra phố kiếm việc làm nhưng sắp tới, khi mô hình đạt hiệu quả ông sẽ tổ chức cho người dân địa phương làm rau sạch theo mô hình của ông, ông bao tiêu đầu ra. Ông hy vọng người dân sẽ bám trụ, không bỏ đất hoang, phát triển kinh tế vườn theo cách của ông để ổn định cuộc sống. Ông sẽ hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật…
Ở vùng nắng nóng bỏng da này, làm rau sạch sẽ rất khó khăn vùng rau phù hợp với vùng có khí hậu ẩm ướt và mát, ông nói mình đã tính toán đến việc này và thiết kế hệ thống nhà lưới có nhiệt độ thấp hơn bên ngoài. Ông cũng thuê kỹ sư nông nghiệp có tay nghề về phụ giúp ông phát triển
“Làm ăn là phải liều mạng mới thành công. Đầu ra cho rau sạch hiện còn rất lớn nên tôi hy vọng nghề trồng rau công nghệ cao của mình sẽ thành công”, ông khẳng định.
Nhiều người bảo ông là “khùng” khi tự nhiên rẽ ngang để khởi nghiệp một mô hình mới ở địa phương, ông cười lớn bảo: “Nhiều người cũng nói như thế nhưng tôi là người con của quê hương, đi lên từ vùng đất nghèo khó này, giờ mình quay về giúp bà con để vực dậy vùng quê nghèo này phát triển”.
Nói về mô hình rau sạch công nghệ cao và cây ăn trái rộng 7ha của trang trại này, ông Hồ Ngọc Quảng – Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình - cho biết, việc ông Tư đầu tư trang trại này được huyện ủng hộ và khuyến khích. Sau khi khảo sát, huyện cũng hỗ trợ gần 40% kinh phí để xây dựng.
Theo ông Quảng, sở dĩ huyện chọn mô hình này để hỗ trợ và nhân rộng ra vì đây là mô hình đầu tiên. Đầu tháng 11 này, huyện cũng đã tổ chức cho hàng chục giám đốc các HTX đến trang trại Trảng Trầm này để học hỏi về triển khai ở địa phương.
Ông Quảng cũng hy vọng mô hình này sẽ thành công và người nông dân trên địa bàn sẽ khởi nghiệp theo mô hình này để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao ở vùng cát trắng của huyện.
Công Bính/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;