Học tập đạo đức HCM

Mô hình nhỏ cũng cho hiệu quả lớn!

Thứ sáu - 26/01/2018 08:41
Nói tới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều người thường liên tưởng ngay tới những mô hình quy mô lớn, được đầu tư bài bản, hiện đại... Nhưng trên địa bàn thành phố, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ và vừa mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng nói hơn, những mô hình này còn dễ nhân rộng, là hướng phát triển phù hợp với nông nghiệp Thủ đô khi không có lợi thế về diện tích đất canh tác như các tỉnh, thành phố khác.

 

Chăm sóc rau thủy canh tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt

Hiệu quả kinh tế cao

Gia đình bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) có 3ha trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Trên diện tích 3ha, bà Cuối trồng nhiều loại rau, trong đó chủ lực là măng tây xanh, su hào hoa và súp lơ tí hon. Các khâu làm đất, hệ thống tưới,... đều áp dụng công nghệ cao, tự động. Rau được đóng trong bao bì có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng... Dù mới hoạt động được gần 1 năm nhưng mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, bán chạy. Hiện, toàn bộ rau của gia đình được tiêu thụ tại các trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Đan Phượng. “Gia đình tôi trồng su hào giống Đài Loan, không ăn củ mà ăn lá và hoa. Trồng 1 lần có thể thu hoạch trong 7 tháng, nên ngày nào gia đình tôi cũng có rau bán. Ví như hôm nay, bán 130kg từ 6 sào su hào hoa, thu về gần 4 triệu đồng. Mỗi sào rau chăm sóc tốt, một năm có thể thu được 240 triệu đồng” - bà Cuối chia sẻ.

Tương tự, mô hình chăn nuôi lợn sinh học của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Dù chỉ rộng hơn 1ha, nuôi 2.000-3.000 con lợn và hơn 3.000 gà đẻ trứng nhưng chủ trang trại đã áp dụng các biện pháp sinh học trong chăn nuôi, như: Sử dụng đệm lót sinh học, hệ thống làm mát. Mỗi năm doanh thu của trang trại lên tới gần 10 tỷ đồng...

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 105 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, huyện Mê Linh có nhiều nhất (17 mô hình), tiếp đó là Thường Tín (14 mô hình), Gia Lâm (13 mô hình), Thanh Oai (9 mô hình), Phúc Thọ (8 mô hình), Đông Anh (8 mô hình)... Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện trong nhiều khâu: Đối với trồng rau là các nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm; với cây ăn quả, đưa cây giống chất lượng cao, giống nuôi cấy mô vào trồng trọt và công nghệ bao trái; trong chăn nuôi, sử dụng hầm biogas, chế phẩm xử lý môi trường, hệ thống làm mát... Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thành phố hiện nay tuy quy mô không lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đặt mục tiêu năm 2018, Hà Nội sẽ tập trung đưa ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, chè, chăn nuôi, thủy sản... Toàn thành phố phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt từ 2,0 đến 2,5%.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp... rất cần sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể của cơ quan nhà nước về cơ chế, chính sách, đặc biệt là từ chính quyền các địa phương. Đơn cử, tại huyện Đan Phượng, với mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của hộ bà Đặng Thị Cuối, Hợp tác xã Nông nghiệp Đan Phượng đã hỗ trợ gia đình thuê đất của 52 hộ khác trong xã để có đủ diện tích đầu tư. “Thời gian thuê đất theo hợp đồng là 5 năm. Tuy nhiên, do vốn hạn chế, nên tôi đã đề nghị hợp tác xã đứng ra bảo lãnh cho trả tiền thuê đất theo từng năm và người dân đã sẵn sàng hỗ trợ” - bà Cuối cho biết. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, huyện hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế rau và một số quy trình kỹ thuật, tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới, với những mô hình tương tự, nếu các hộ sản xuất và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn có nhu cầu, huyện Đan Phượng cũng sẵn sàng hỗ trợ để đẩy mạnh đưa công nghệ cao vào sản xuất.

Mới đây, khi thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ tại Hà Nội. Thứ trưởng nhận định, đây là những mô hình đầu tư thấp, quy trình đơn giản mà mức thu nhập lớn, có thể ứng dụng rộng rãi, dễ nhân rộng. Thứ trưởng khẳng định: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không nhất thiết phải có nhà lưới, nhà kính quá hiện đại, không nhất thiết phải có diện tích lớn, hộ nông dân nào cũng có thể triển khai sản xuất. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tạo điều kiện hơn để hỗ trợ sáng kiến của nông dân, góp phần nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Cần phấn đấu để Hà Nội trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết để bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản...”.

Theo Nguyễn Mai/hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập169
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại830,930
  • Tổng lượt truy cập92,004,659
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây