Lợi thế ở chính sách
Là xã thuần nông, với 1039 hộ dân nhưng chỉ có vỏn vẹn 222 ha đất nông nghiệp trong đó chiếm 30 ha là đất đồng chiêm trũng vậy nên để kiếm kế sinh nhai nhiều người dân xã Tam Phúc vẫn phải bôn ba tứ xứ, ít gia đình được sinh sống yên bình, ổn định tại quê hương: Người đi xuất khẩu lao động, người thì buôn bán xa nhà, đặc biệt một bộ phận lớn đàn ông trong xã hành nghề thợ xây hoặc tự đứng ra cai thầu xây dựng.
Cuộc sống khó khăn khiến người nông dân trong xã buộc phải lăn lộn, trở nên năng động hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và đời sống của nhân dân Tam Phúc cũng bắt đầu khấm khá. Tuy nhiên, khác với các xã Vĩnh Thịnh, An Tường… lúc nào cũng người xe tấp nập, cái buồn rất đặc trưng của người dân Tam Phúc là: nhà vắng, ngõ vắng, đường vắng. Khu vực trung tâm xã Tam Phúc dù khang trang nhưng vẫn quạnh hiu không có bóng người. Cho thấy, làm giàu trên quê hương mới thực sự là điều đáng quý.
Để giúp người dân tạo dựng cuộc sống gắn bó với quê hương thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Phúc tập trung hướng dẫn nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tiềm năng lao động, đất đai, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; từng bước chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá; phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại...
Trang trại của ông Tiên mỗi năm thu lãi gần 2 tỉ
Xã đã lập quy hoạch đề án trình UBND huyện về việc triển khai xây dựng 3 vùng sản xuất hàng hóa. Trong đó quy hoạch 2 vùng trồng lúa chất lượng cao tại khu đồng Đảng và đồng Và với diện tích 40 ha; khu trồng rau hàng hoá tại xứ đồng Đống diện tích 18 ha. Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trên 40 ha tại xứ đồng Bèo. Khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây hàng hóa chất lượng cao như cà chua, rau xanh… Tạo điều kiện để nhân dân tự chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp cho nhau và khuyến khích các hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng các trang trại có quy mô sản xuất lớn. Định hướng bà con nông dân trong xã phát triển chăn nuôi bò lai sind, đầu tư chăn nuôi lợn nái và lợn siêu nạc, gia cầm, thủy sản theo hướng công nghiệp.
Cùng với sự hỗ trợ tích cực của xã, của huyện, phong trào phát triển kinh tế trang trại ở Tam Phúc bùng nổ. Các hộ dân lâu nay tích cóp được ít vốn liếng cũng gọi con em trở về đầu tư làm kinh tế tại gia đình. Trong thời gian ngắn, đã có trên 30 hộ gia đình ở Tam Phúc đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại tổng hợp có quy mô từ 1 ha trở lên. Trong đó, có trên 50% số trang trại đã đạt tiêu chí đang đề nghị tỉnh cấp giấy chứng nhận. Nhiều hộ có thu nhập hàng tỉ đồng/năm từ kinh tế trang trại và làm dịch vụ.
Phát triển mạnh nhất phải kể đến mô hình trang trại chăn nuôi thủy sản. Xã khuyến khích chuyển đổi 30 ha diện tích đồng chiêm trũng sang sản xuất lúa - cá nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã lên 80 ha. Chủ trương này được nhân dân hưởng ứng và lập tức hình thành 20 trang trại thủy sản. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh.
Bạc ở dưới ao, vàng từ trong đất
Theo bà Trần Thị Huệ - Chủ tịch xã Tam Phúc, khi xã tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại thì ở Tam Phúc có những kĩ sư nông nghiệp bỏ hẳn việc Nhà nước để về làm chăn nuôi vì đối với các hộ dân đầu tư trang trại thì chuyện thu nhập 30 - 40 triệu/tháng là bình thường. Trước đó một ngày trang trại của ông Lê Văn Tiên, ở thôn Quảng Cư vừa xuất bán lứa lợn 36 con. Mỗi con hơn 1 tạ với giá hiện tại là 46.000 đồng/kg tính ra sau khi trừ chi phí giống, thức ăn thì ông Tiên thu lãi hơn 1 triệu đồng/con. Hiện trong chuồng của ông vẫn còn trên 30 con vẫn còn khả năng tăng cân nên chưa bán nếu thanh lý hết thì đàn lợn này ông Tiên sẽ lãi 70 triệu đồng. Trung bình một năm 3 lứa, thu nhập từ đàn lợn của ông đã có 200 triệu.
Theo quảng cáo của Chủ tịch xã, chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi tổng hợp của hai ông Lê Văn Tiên mới thấy việc chăn nuôi lợn mới chỉ là một nguồn lợi “rất nhỏ” của gia đình ông. Trang trại của hai anh em ông Tiên đấu thầu nằm tại khu Đầm Vực có diện tích tới 8,8 ha mặt nước nên nguồn lợi chủ yếu được thu từ cá. Lợn, gà, vịt được chăn trên một rẻo đất bờ đầm là để tăng thu nhập và tận dụng nguồn phân thải làm thức ăn cho cá, tuy nhiên cũng đem lại hiệu quả tương đương với một trang trại quy mô nhỏ.
Ông Tiên cho biết, Đầm Vực được tạo lên từ dòng xoáy của trận vỡ đê cách đây 30 năm nên vừa rộng, vừa sâu, từ 15 - 18 m. Vì vậy mỗi năm gia đình ông thả xuống Đầm khoảng 8 tấn cá giống mà cảm giác vẫn lọt thỏm. Cũng do đầm quá rộng, ông Tiên chỉ nuôi theo phương thức quảng canh, cứ định kì đổ xuống vài xe phân tạo màu và để đàn cá tự kiếm ăn. Thế nhưng cá trong đầm lớn rất nhanh, loại chừng 4 - 5 kg thì lúc nào cũng sẵn mà lại nổi tiếng là thơm ngon. Mỗi năm ông Tiên chỉ đánh lưới 1 lần thu chừng 30 tấn cá. Đổ rẻ với giá 40.000 đồng/kg thì gia đình ông thu về ngót nghét 1,2 tỉ đồng. Chưa hết, cạnh đầm lớn còn một ao nhỏ được ông Tiên ngăn riêng biệt để nuôi thâm canh cá chép và cá rô đơn tính và thả vịt. Ao này tuy nhỏ nhưng đổi lại cứ 6 tháng lại được thu một vụ cá tính ra cũng bỏ túi được thêm vài trăm triệu nữa.
Tuy nhiên, ông Tiên vẫn chưa thực sự hài lòng với trang trại của mình bởi đầm còn quá rộng, còn nhiều khả năng khai thác nên nếu đầu tư xây thêm chuồng trại hơn nữa thì chắc chắn sẽ trúng lớn. Đến lúc này, để đầu tư thì anh em ông Tiên không thiếu tiền. Năm đầu tiên ra thầu gia đình ông cũng phải cắm sổ đỏ vay mượn ngân hàng lấy 500 triệu để cải tạo Đầm Vực nhưng chỉ một vụ thu ông đã trả bay số tiền vay ấy. Mấy năm qua làm trang trại khoản tích lũy cũng khá, tiếc rằng, cơ chế đấu thầu chỉ cho phép 5 năm 1 lần nên gia đình ông ngại, không dám đầu tư.
Nhìn hệ thống chuồng trại sơ sài, không ai nghĩ giá trị tài sản ở dưới mặt nước của ông Tiên trong trang trại lên tới hàng tỉ. Để bảo vệ, hàng đêm hai anh em ông Tiên phải xây chòi canh hai bờ đầm canh giữ.
Nam Phương
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;