Trên cánh đồng của xã thuần nông Thạch Ngọc (Thạch Hà), có một người nông dân, nhiều năm qua không quản ngại khó khăn, cần mẫn thu gom từng thửa ruộng, chắt chiu từng tấc đất, tạo cho mình một “cánh đồng mẫu” của gia đình để thoả chí phát triển sản xuất.
Vợ chồng nông dân Phan Danh Khanh trên cánh đồng lúa của mình |
Từ vốn đất ít ỏi ban đầu, hiện nay gia đình ông Phan Danh Khanh ở thôn Mỹ Châu, xã Thạch Ngọc đã gom được trên 4 ha đất ruộng, phần lớn là từ việc chuyển nhượng của những gia đình không có nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn xã.
Để tiện việc đầu tư thâm canh, vừa phát triển diện tích ông Khanh vừa thương lượng với các hộ gia đình khác thực hiện việc dồn điền đổi thửa, đồng thời tổ chức quy hoạch, cải tạo và đầu tư mua sắm đầy đủ các loại máy móc, nông cụ như máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy tuốt để phục vụ sản xuất. Với vốn đất của mình, bình quân mỗi năm 2 vụ sản xuất, gia đình ông Khanh thu được gần 50 tấn lúa, tổng thu nhập từ làm ruộng đạt hàng trăm triệu đồng.
“Ai cũng biết là làm ruộng thì thu nhập không cao. Tuy nhiên nếu có diện tích sản xuất đủ lớn và biết đầu tư thâm canh thì vẫn có được thu nhập khá” - ông Khanh tâm sự.
Còn ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ nhiệm HTX Thống nhất, xã Thạch Ngọc hết sức tâm đắc và thán phục bởi nghị lực, sự cần cù chịu khó và khả năng tổ chức sản xuất thâm canh của ông Khanh.
Ông Thanh khẳng định: “Trong điều kiện hiện nay, những người dám nghĩ dám làm như ông Khanh ở địa phương chưa nhiều, bởi làm ra hạt lúa là hết sức gian truân lại rủi ro cao; bản thân ông Khanh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên sự lựa chọn của ông Khanh là hoàn toàn đúng, phù hợp với quy luật phát triển. Hiện nay, xã đang tạo mọi điều kiện để những nông dân có ý chí như ông Khanh có điều kiện tích tụ ruộng đất làm ăn lớn, góp phần thực hiện chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương”.
Lâu nay, mọi người biết đến Tượng Sơn (Thạch Hà) là một địa phương đã xây dựng được mô hình sản xuất rau an toàn nổi tiếng trên toàn tỉnh.
Với 120 ha được quy hoạch cho sản xuất rau, củ, quả an toàn, Tượng Sơn đã phải tốn nhiều công sức để tận dụng, quy hoạch và chuyển đổi các thửa ruộng manh mún, vá víu, năng suất thấp trở thành những cánh đồng rau tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Những cánh đồng lúa manh mún, hiệu quả thấp của Tượng Sơn được thay thế bằng những cánh đồng rau cho thu nhập cao |
Ông Nguyễn Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết, những năm trước đây địa phương thường xuyên phải đau đầu để giải bài toán giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân, bởi diện tích đất khá dồi dào nhưng manh mún và không thích hợp với trồng lúa.
Không ít nông dân của Tượng Sơn đã xin bỏ ruộng để chuyển sang nghề khác mưu sinh. Kể từ khi mô hình sản xuất rau - củ - quả an toàn theo hướng VIETGAP được triển khai và phát triển, tiềm năng đất đai của xã được tận dụng và phát huy triệt để, người dân hoàn toàn yên tâm và gắn bó với ruộng đồng.
Trong bối cảnh điều kiện sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ có sự thuận lợi như hiện nay, thì ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh, tình trạng nông dân nộp đơn xin bỏ ruộng lại không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người dân coi đây là cơ hội tốt để thu gom và mở rộng diện tích sản xuất của mình.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nếu bỏ qua yếu tố khó khăn trước mắt của người nông dân, thì đây chính là sự manh nha và cũng là tín hiệu vui đối với sự hình thành của quá trình tích tụ ruộng đất, hướng tới một nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn.
Sản xuất hàng hoá tất yếu sẽ thay thế kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng thấp |
Và như vậy, tích tụ ruộng đất là một xu hướng tất yếu. Chúng ta không thể phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá với quy mô lớn, sức cạnh tranh cao nếu cứ tiếp tục giữ quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún; và cũng không thể xây dựng được thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh cao, nếu mỗi địa phương, mỗi hộ nông dân tự sản, tự tiêu trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình.
Những địa phương, những hộ nông dân mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết này, đã và đang bước những bước đi khó khăn nhưng đúng với xu thế phát triển của một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Ông Đào Nghĩa Nhuận - Phó chủ tịch Hội KHKT nông nghiệp Hà Tĩnh: Khởi điểm cho quá trình tích tụ ruộng đất, vấn đề “li nông” của người nông dân được diễn ra theo hai hướng: Thứ nhất là: một số hộ gia đình chủ động chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, trả lại ruộng đất để những nông dân khác có điều kiện tích tụ, đây là điều đáng mừng. Thứ hai là một số hộ, do sản xuất thua lỗ buộc phải trả (bớt) ruộng và lâm vào cảnh khó khăn; đây lại là điều đáng lo. Tuy nhiên, vấn đề tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn hợp quy luật và đúng định hướng. Sớm hay muộn, một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá tất yếu sẽ thay thế kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chất lượng thấp như hiện nay. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã