Học tập đạo đức HCM

Nuôi lươn giống kiếm tiền tỉ

Thứ ba - 27/02/2018 08:03
Đang là giám đốc sản xuất một công ty may của Hàn Quốc với mức lương hơn 25 triệu đồng/tháng, nhưng vì đam mê nghề nuôi lươn nên anh Nguyễn Thanh Tân (37 tuổi, ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) xin nghỉ việc về quê mở trang trại sản xuất lươn giống thu tiền tỉ mỗi năm
Anh Tân đang cho lươn ăn ở một trang trại tại xã Bình Hòa Phước
Khởi đầu gần hết vốn
Sau 4 năm khởi nghiệp từ con lươn giống, đến nay, cơ sở của anh Tân đã mở rộng diện tích hơn 4.000 m2, với hơn 60 bể nuôi lớn nhỏ. Trong đó, có hơn 10.000 con lươn bố mẹ với kế hoạch sẽ sinh sản cho ra thị trường hơn 2 triệu con giống, giá trung bình 3.000 đồng/con, cơ sở của anh đạt doanh thu khoảng 6 tỉ đồng, trừ chi phí còn lời gần 3 tỉ đồng.
Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua quá trình gian khổ và gần như hết vốn ngay đợt đầu khởi nghiệp. Tốt nghiệp THPT, anh Tân lên thành phố tìm việc làm. Vào làm công nhân cho công ty may túi xách Hàn Quốc. Vừa làm vừa đi học đại học chuyên ngành kỹ thuật. Tốt nghiệp, dần dần anh được bố trí làm Giám đốc sản xuất với mức lương 25 triệu đồng/tháng chi nhánh tỉnh Bến Tre. Vừa làm việc, anh vừa xem trên mạng internet thấy có nhiều mô hình và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn. Qua nghiên cứu riết rồi đam mê nghề nuôi lươn.
Năm 2012, vừa làm giám đốc, anh Tân vừa thuê đất ở Bến Tre để nuôi lươn. Khởi nghiệp với 200kg lươn giống, sau 10 tháng nuôi lỗ khoảng 80 triệu đồng và gần như hết vốn. Từ thất bại này, anh đúc kết được các lý do là do con lươn giống không đạt chất lượng. Cụ thể, lươn giống mua thu gom ngoài chợ, chất lượng con giống không đảm bảo, cộng với kinh nghiệm chưa nhiều nên lươn chết hàng loạt.
“Khó nuôi nhất là con lươn giống mua về được người bán săn bắt ngoài tự nhiên, giống già, tập tính lươn còn hoang dã nên chưa thích nghi môi trường trong hồ nuôi. Kích cỡ, trọng lượng giống không đồng đều nên cũng khó chăm sóc. Hơn nữa, do lươn giống bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên con giống không đồng đều, tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi không cao”, anh Tân chia sẻ.
Không nản chí, sau thất bại này, năm 2013, anh Tân xin nghỉ việc về quê nhà ở xã Đồng Phú (H.Long Hồ) khởi nghiệp lần 2. Anh đến Trung tâm giống ở tỉnh An Giang để tham quan, được cán bộ nơi đây hướng dẫn quy trình sản xuất và nhân giống lươn. Đồng thời, anh tìm đến một số hộ nuôi và sản xuất lươn giống, được chuyển giao kỹ thuật. Anh Tân mua 3.000 con giống về tiếp tục nuôi trong bể, sau 10 tháng bán lươn thịt, có lời nhưng chưa nhiều. Trong quá trình nuôi lươn thịt, anh học hỏi qua mạng cách ép và ươm lươn giống. Từ nguồn lươn thương phẩm, anh Tân tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm bố mẹ. Nhưng lần đầu không thành công.
Nuôi lươn giống kiếm tiền tỉ - ảnh 1
Anh Tân tại bể ươm lươn giống
Hướng đến xuất khẩu và sản phẩm sạch
Năm 2014, anh Tân lại tiếp tục thực nghiệm lại quy trình cho lươn đẻ và qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, anh Tân tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ. Khi lươn đã đẻ trứng xong, anh tiến hành vớt trứng đưa sang bể ấp. Cuối cùng, anh Tân cũng thành công, nhưng đạt tỷ lệ chưa cao, chỉ khoảng 30-40%. Rồi tiếp tục, ngày càng có kinh nghiệm, năm 2015 tỷ lệ trứng nở đạt đến trên 70%. Và các năm tiếp theo đều đạt tỷ lệ như mong muốn. Năm 2017, anh Tân mở rộng cơ sở sản xuất diện tích 2.000m2, với 5.000 con lươn bố mẹ, cho sinh sản hơn 1 triệu con giống và bán ra thị trường trong nước, với giá trung bình khoảng 3.000 đồng/con, anh lãi hơn 1 tỉ đồng.
Với thành công mỹ mãn bước đầu, cuối năm 2017, anh Tân tiếp tục thuê đất mở rộng thêm cơ sở sản xuất lươn giống lên 4.000m2, với 10.000 con bố mẹ. Mỗi tháng cơ sở của anh Tân sản xuất và bán được khoảng 200.000 con giống.
Hiện anh Tân đang mở chi nhánh tại miền Bắc với diện tích 2.000m2 vừa nuôi lươn thương phẩm, vừa vận chuyển bán lươn giống và dự định sẽ sản xuất lươn giống tại miền Bắc để cho con lươn giống thích nghi với khí hậu bản địa giúp người dân dễ nuôi, đạt tỷ lệ cao hơn. Dự kiến đến tháng 2 âm lịch, chi nhánh miền Bắc sẽ chính thức hoạt động. Bên cạnh đó, anh Tân cũng đã lập trang trại sản xuất lươn giống Thanh Tân và mở website giới thiệu sản phẩm.
Anh Tân cho biết thêm, ước mơ của anh hướng đến thành lập công ty sản xuất cung cấp lươn giống và nuôi lươn thương phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, anh cũng nghiên cứu chế biến thịt lươn phi lê và các món chế biến từ thịt lươn xuất khẩu. “Khách hàng toàn quốc biết đến, đặt hàng qua website của cơ sở và các trang mạng xã hội chiếm khoảng 70% sản lượng, đây là dấu hiệu đáng mừng. Hiện lươn giống của cơ sở chỉ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch qua Lào. Hướng tới, tôi sẽ mở rộng thị trường lươn giống sang các nước láng giềng. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất thịt lươn xuất khẩu và các món ăn được chế biến sẵn từ thịt lươn”, anh Tân chia sẻ.
Bên cạnh việc sản xuất và bán con giống, anh Tân còn chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm cho người muốn nuôi lươn. Anh Tân cho biết nuôi lươn thịt trong bể không cần bùn, chỉ cần xây bể theo chiều ngang và dọc 2x3m, cao 60cm là có thể nuôi được và ốp lót gạch men hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước. Có thể tận dụng chuồng nuôi heo cũ, diện tích từ 2-4m2 là được, hoặc dùng vải bạt ni lon tạo thành bể, có gắn ống thoát để tiện cho việc thay nước. Đặc tính của lươn là thích thoáng mát, nguồn nước sạch, cho ăn đúng giờ, thức ăn đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt vài chùm dây nylon đen trên mặt nước làm ụ cho lươn chui vào trú ẩn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết cơ sở của anh Nguyễn Thanh Tân là mô hình sản xuất lươn giống rất có hiệu quả. Bên cạnh việc sản xuất và bán con giống, anh Tân còn chuyển giao công nghệ nuôi lươn thương phẩm cho bà con. Những hộ trong xã chưa có vốn anh Tân vừa hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng vừa hỗ trợ con giống. Cơ sở sản xuất lươn giống của anh Tân với quy mô và kỹ thuật có thể nói là nhất tỉnh hiện nay.
Theo Báo Thanh Niên.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay21,645
  • Tháng hiện tại43,441
  • Tổng lượt truy cập92,421,105
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây