Bài 1: Hướng đi mới cho nông dân thành thị Nhằm giúp nông dân thành thị thích ứng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ “chóng mặt”, nhiều địa phương đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề về vốn, thúc đẩy nhà nông đổi mới tư duy sản xuất, góp phần tạo ra những bước phát triển tốt hơn cho nông nghiệp đô thị. Đổi mới tư duy sản xuất Dẫn chứng về mô hình trồng lan Mokara của ông Bùi Văn Sang tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), Phó Chủ tịch UBND phường Tân An Nguyễn Thanh Phượng cho biết, nhiều nông dân đã học hỏi và nhân rộng trồng lan trên địa bàn. Đến nay, tại phường có đến bảy cơ sở trồng các loại lan Mokara, Dendrobium… với diện tích bình quân 2.000 m2/cơ sở. Nhìn chung, các hộ này đều có thu nhập ổn định. Tận mắt tham quan vườn lan Mokara của ông Bùi Văn Sang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về một mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả. Với khoảnh vườn rộng 2.500 m2, trồng 10 nghìn gốc lan, trừ hết chi phí, bình quân mỗi tháng vườn lan của ông Sang cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. “So với một số loại cây trồng trước đây đã canh tác trên cùng diện tích này, không có loại cây trồng nào cho thu nhập cao như lan Mokara. Hơn nữa, đầu ra hiện rất ổn định, trồng lan lại không tốn nhiều công sức. Vườn lan của tôi chỉ cần hai người chăm sóc là đủ”, ông Sang chia sẻ. Cũng tại TP Thủ Dầu Một, cơ sở rau mầm Khải Yến ở phường Phú Mỹ chỉ có diện tích gần 1.000 m2 nhưng lợi nhuận mỗi năm đạt hơn ba tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho tám lao động với mức lương năm triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm rau mầm Khải Yến đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ tại thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trao đổi với chúng tôi, chủ cơ sở rau mầm Khải Yến Huỳnh Văn Khải cho biết: “Với kinh nghiệm tích lũy sau gần 20 năm gắn bó với cây rau mầm, tôi thường xuyên tham gia hướng dẫn, truyền đạt về kỹ thuật trồng rau cho nông dân địa phương và các đơn vị bạn. Ngoài ra, cơ sở còn cung cấp, tư vấn kỹ thuật cho bà con xa gần có nhu cầu”. Dù học ngành nghề khác, nhưng vì đam mê cá cảnh, anh Dương Gia Phong, ngụ phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) đã khởi nghiệp bằng mô hình nuôi cá La Hán King kamfa. Đây là loại cá có vẻ đẹp rực rỡ, đứng đầu về giá trị trong dòng cá La Hán trên thị trường hiện nay nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm bắt được kỹ thuật. Qua bốn năm, với sự học hỏi những người đi trước và kinh nghiệm tích lũy được, anh Phong hiện sử dụng diện tích khoảng 300 m2 để đầu tư hơn 300 hồ kính nuôi cá trưởng thành và 2.000 hũ nhựa để ươm cá bột, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 20 nghìn con cá La Hán từ cá bột (2 đến 3 tháng tuổi) đến cá hình (cá trưởng thành). Theo anh Phong, mô hình này đã giải quyết việc làm cho năm lao động trong gia đình. Trừ hết chi phí, mỗi năm cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Trước nhu cầu của thị trường, anh Phong đã đầu tư thêm gần 600 triệu đồng để mở rộng mô hình này tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Tại tỉnh Đồng Nai, mô hình nông nghiệp đô thị cũng hấp dẫn giới trẻ. Đang có việc làm với mức lương đáng mơ ước sau khi tốt nghiệp Học viện Hàng không, anh Tống Văn Tài ở xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh lại rẽ ngang trồng rau thủy canh sau một lần tham quan mô hình này trên sân thượng tại nhà người quen ở TP Hồ Chí Minh. Khởi nghiệp bằng tất cả đam mê, với diện tích 900 m2 đất của gia đình, anh Tài đầu tư dây chuyền sản xuất rau trong nhà lưới khép kín hoàn toàn, áp dụng kỹ thuật thủy canh và sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến từ châu Âu; môi trường nước có chứa đầy đủ dưỡng chất cho cây rau phát triển, người trồng tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và các chất độc hại. Theo anh Tài, với các loại rau được trồng như: Xà lách sồi đỏ, xà lách mỡ, cải ngọt, cải thìa và cải đuôi phụng được nhập hoàn toàn từ Hà Lan, Niu Di-lân kết hợp với phương pháp trồng không có côn trùng, sâu bọ gây hại, chất lượng rau luôn đồng đều, đạt năng suất cao. Sau một năm hoạt động, hiện vườn rau cung cấp ra thị trường khoảng bốn tấn sản phẩm/tháng, với giá bán 40 nghìn đến 45 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Tài thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Vốn yêu thích hoa lan, năm 2015, bà Vũ Thị Lan, một giáo viên ngụ khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai), quyết định dốc toàn lực trồng hoa lan trên diện tích gần 1.000 m2. Lúc đầu gặp khó về đầu ra, bà Lan phải đem từng bó hoa đi chào hàng khắp các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2016, nhu cầu hoa lan tại TP Biên Hòa lớn dần, hoa lan nội được người chơi ưa chuộng hơn, bà Lan tìm đến các cửa hàng hoa gần kề và thành công vượt mong đợi khi có hơn 10 cửa hàng nhận bao tiêu sản phẩm. “Vườn lan của tôi gần một sào nhưng mỗi tháng chỉ bón phân hai lần, mỗi lần khoảng 3 kg. Ngoài ra, tiền điện, nước phục vụ tưới không quá tốn kém. Chỉ phải tập trung chăm sóc và phát hiện bệnh sớm để phòng trừ. Với sản phẩm hoa cắt cành, vườn lan cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, mỗi năm, vườn lan còn cho thu lợi khoảng 300 triệu đồng từ bán cây giống…”, bà Lan cho hay. Giải pháp hiệu quả và bền vững Tại các địa phương, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị được nhân rộng, có sức lan tỏa nhanh. TP Hồ Chí Minh, với vai trò trung tâm và trụ cột chính của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thời gian qua, nông nghiệp đô thị đã phát triển mạnh mẽ. Theo Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 5 năm gần đây, Hội Nông dân các cấp ở thành phố đã vận động 27.565 nông hộ chuyển đổi hơn 17.365 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây, vật nuôi khác như trồng lan, cây kiểng, rau an toàn, cá kiểng, bò sữa, cá dứa… đạt hiệu quả kinh tế cao. Tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, Quỹ hỗ trợ nông dân đã cho vay hơn 395 tỷ đồng với hơn 19.600 lượt hộ vay, trợ vốn kịp thời cho nông dân sản xuất, kinh doanh; có 176.587 lượt hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ vì người nghèo, vốn khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp… Nhờ vậy, đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố trên 1 ha đến cuối năm 2017 đạt bình quân 450 triệu đồng/ha/năm… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bình Dương Phạm Văn Bông khẳng định: Một trong những giải pháp để khắc phục mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đó là phát triển nông nghiệp đô thị. Đây được xem là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả và bền vững. Chính vì vậy, nông nghiệp đô thị có bước phát triển khá nhanh nhất là các thành phố, thị xã vùng phía nam của tỉnh. Đến nay, tổng diện tích nông nghiệp đô thị của tỉnh được gần 172 ha, trong đó cây cảnh 78,7 ha; hoa lan 16,2 ha; nấm và rau mầm 3,8 ha; rau thủy canh và rau an toàn 73 ha. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 433 hộ chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp đô thị với số lượng hơn 247 nghìn con các loại. Theo Kỹ sư Hoàng Văn Bình, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Đồng Nai, so với sản xuất nông nghiệp thông thường thì lợi thế các mô hình ở đô thị sản xuất trên một diện tích nhỏ, tiết kiệm nhân công, nhưng năng suất cao hơn nhiều lần. Lợi thế khác là tính ổn định rất cao do không phụ thuộc vào thời tiết, sản phẩm từ các mô hình này bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Dự báo, xu thế thời gian tới, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở đô thị tại Đồng Nai sẽ phát triển mạnh hơn. Do đó, tỉnh Đồng Nai chủ trương khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không chỉ ở nông thôn mà ngay cả khu vực đô thị. Thời gian qua, ngành NN và PTNT tỉnh Đồng Nai đã tích cực tham mưu, chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo, hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp đô thị nói riêng. Ngành còn chủ động phối hợp với ngành công thương thực hiện công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. (Còn nữa) |
Bài và ảnh: HỒNG LÂM, TRỊNH BÌNH, THIÊN VƯƠNG/Báo Nhân Dân .vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã