Anh Nguyễn Văn Thành, sống tại thôn 7B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước là một trong những thanh niên trẻ tuổi đã thành công từ mô hình chăn nuôi thỏ. Anh Thành cho biết: “Sau khi nghiên cứu các động vật nuôi như bò, heo, gà, thỏ…thì tôi thấy thỏ là động vật dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, nhưng thị trường tiêu thụ rộng và thuận lợi, nên tôi quyết định nuôi thỏ để phát triển kinh tế gia đình”. Để thuận lợi cho việc khởi nghiệp, anh Thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thỏ nhằm liên kết nhiều thanh niên trẻ có ý chí và quyết tâm trong vùng để phát triển nghề nuôi thỏ. Sau khi đã tìm hiểu thông tin trên báo, đài, internet và đi tham quan học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi thỏ, năm 2015 anh đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi 50 thỏ mẹ. Đến nay đàn thỏ đã phát triển lên 100 thỏ mẹ và 600 thỏ thương phẩm để xuất bán ra thị trường. Anh Thành chia sẻ: Nuôi thỏ rất dễ, quan trọng là cho thỏ ăn uống đầy đủ, chuồng trại, thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh và tránh ồn ào, có như vậy thỏ mới ít bị bệnh, lớn nhanh, không bị hao hụt và lãi cao.
Giống thỏ anh Thành chọn nuôi là giống thỏ lai Newzealand. Đây là giống thỏ tăng trọng nhanh và có thịt thơm ngon. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, anh sử dụng thức ăn tự phối trộn gồm hèm bia, cám gạo, bột cá; cho thỏ ăn ngày 3 bữa chính: sáng – trưa – chiều với lượng thức ăn tùy theo lứa tuổi: đối với thỏ mẹ và thỏ trưởng thành cho ăn 200 gram/con/ngày, đối với thỏ con, cho ăn từ 100 – 200 gram/con/ngày. Ngoài ra, anh Thành cho thỏ ăn thêm các loại cỏ và rau xanh để bổ sung chất xơ và vitamin giúp tăng cường sức đề kháng.Bên cạnh đó, chuồng nuôi thường xuyên được thu gom phân, sát trùng chuồng trại 1 lần/1 tuần nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho thỏ. Thời gian đầu anh Thành chỉ nhân giống để tăng số lượng giống bố mẹ, nhưng bây giờ anh kết hợp vừa nhân giống để cung cấp cho những hộ nuôi khác, vừa nuôi thỏ thương phẩm để bán cho nhà hàng, quán ăn. Thỏ nuôi từ 4-5 tháng bắt đầu sinh sản; thời gian mang thai của thỏ từ 30 -32 ngày; trước ngày thỏ đẻ phải lót ổ và che kín ổ đẻ, đến ngày thỏ tự đẻ; thỏ con đẻ ra từ 1 đến 30 ngày là thỏ mẹ tự chăm sóc và cho con bú; từ 30 ngày tuổi trở lên thỏ con tập ăn thức ăn cùng với thỏ mẹ. 1 thỏ mẹ có thể đẻ được 6 lứa/1 năm, mỗi lứa thỏ đẻ được 5-6 con. Thỏ thương phẩm nuôi đến 3 tháng tuổi, với trọng lượng từ 2 – 2,5 kg/con là có thể xuất bán. Với giá bán 120.000 đồng/kg thì sau khi trừ các khoản chi phí, anh Thành thu lãi bình quân là 100.000 đồng/con. Với quy mô 100 thỏ nái, anh Thành thu lãi từ 10 -12 triệu/tháng.
Như vậy, mô hình nuôi thỏ là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại các huyện trung du miền núi như huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, thời gian tới huyện Tiên Phước sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ để HTX xây dựng 1 lò giết mổ tập trung để đưa sản phẩm thịt thỏ vào tiêu thụ tại siêu thị Coopmart Tam Kỳ, khi đó nghề nuôi thỏ sẽ trở nên ổn định và bền vững. Đây là mô hình sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển chăn nuôi, kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, góp phần thực hiện tiêu chí về tăng thu nhập của chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới.
Theo Mai Thị Huyền Sanh/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã