Chanh đào mới xuất hiện ở vùng Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây nhưng do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên giống cây phát triển khỏe mạnh, cho quả sai, mọng nước.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế làm giàu từ chanh đào, nổi bật là trường hợp của anh Vũ Văn Thiết, ở xã Quảng Thành. Anh cho biết, sau hai năm trồng giống cây này, anh thu lãi tới 800 triệu đồng từ việc bán chanh tươi và làm siro chanh đào. Khi được chính quyền huyện đẩy mạnh giới thiệu về hiệu quả kinh tế của giống cây và khuyến khích các hộ chuyển đổi sang canh tác chanh, bà con trong vùng mới bắt đầu để ý tới loại cây này.
Năm 2015, để giúp nông dân phát triển các vườn chanh trên đất đồi, Ủy ban huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây; đồng thời, hỗ trợ giống, vốn và cam kết bao tiêu toàn bộ chanh quả cho bà con. Bên cạnh đó, khi tham gia vào chính sách chuyển đổi từ các loại cây trồng lâu năm sang trồng chanh đào, các hội viên được tiếp cận nguồn cây giống chất lượng và được vay vốn 35 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân với lãi suất ưu đãi trong vòng 3 năm.
Cây chanh đào mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đất đồi Hải Hà. Ảnh: Văn Thiết. |
Tuổi thọ của chanh đào khá dài, từ 13 đến 15 năm mới phải thay lứa giống mới, tùy vào điều kiện chăm sóc và chất đất. Nếu trồng đúng kỹ thuật, cây chanh đào giống lớn sẽ cho quả ngay, còn những cây chanh giống nhỏ thì mất khoảng 2 đến 3 năm từ lúc trồng tới lúc cây ra hoa, bói quả. Vụ đầu tiên, mỗi gốc chanh cho 10 đến 15kg quả. Sang vụ thứ hai, bà con sẽ thu khoảng 20-25kg chanh trên một cây. Các năm tiếp theo, mỗi gốc có thể cho 80kg đến một tạ quả (hoặc hơn) tùy vào điều kiện thời tiết và quá trình chăm sóc. Do vậy, thu nhập của người trồng chanh cũng tăng lên nhiều lần.
Để duy trì và nhân rộng hiệu quả từ loại cây trồng này, chính quyền huyện Hải Hà đã quy hoạch vùng trồng cây có múi, trong đó có cây chanh đào tại địa bàn 2 xã Quảng Thịnh và Quảng Thành với diện tích khoảng 340 ha. Trong đó, định hướng cây chanh đào là cây trồng mũi nhọn, cho hiệu quả kinh tế chủ yếu. Huyện cũng xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chanh đào của địa phương.
Chanh đào vùng Hải Hà cho quả to, mọng nước, mùi thơm và vị đậm đà. Ngoài được sử dụng để chế biến thành thực phẩm ăn uống, loại quả này còn được dùng để làm siro chanh đào mật ong đặc trị bệnh ho, đau họng. Như vậy, cùng với việc xuất bán chanh tươi, bà con có thể làm siro chanh đào để tăng thu nhập.
Theo Sông Mã/VnExpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;