Học tập đạo đức HCM

Quảng Ninh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thứ ba - 26/06/2018 19:12
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Quảng Ninh xác định là chiến lược quan trọng nhằm tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP đầu tư, xây dựng và thương mại 188 thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng tạo điều kiện để các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ nâng cao giá trị trên diện tích canh tác.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Evinco tại xã Hồng Thái Tây (thị xã Đông Triều) của Công ty TNHH VinEco, thuộc Tập đoàn Vingroup, là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh về nông nghiệp đang được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao và áp dụng quy trình VietGAP, quy trình sản xuất tự động hoàn toàn từ tưới nước, bón phân đến thu hoạch sản phẩm. Với 19 nhà sản xuất rau, trong đó có bốn nhà màng, chín nhà lưới cùng sáu khu nhà kính với công nghệ hiện đại của Việt Nam và I-xra-en hoàn toàn tự động từ độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ, các sản phẩm rau, củ trồng tại đây đạt hiệu quả cao và chất lượng theo tiêu chuẩn. Điển hình là công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (I-xra-en), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP (I-xra-en), trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen… Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của VinEco Đông Triều gồm khoảng 40 loại rau, củ, quả có nguồn gốc giống nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, I-xra-en, Thái-lan, Ấn Độ… Với tổng vốn đầu tư khoảng 138 tỷ đồng, công ty đang triển khai sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn công nghệ cao và bảo đảm việc làm ổn định cho gần 200 lao động là người địa phương với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Từ khi đi vào hoạt động tháng 10-2015 đến nay, VinEco Đông Triều đã xuất ra thị trường trung bình mỗi tháng từ 180 đến 200 tấn nông sản chất lượng cao. Hiện nay, công ty đang triển khai nâng cấp hệ thống quản lý lô, thửa, nhật ký đồng ruộng bằng phần mềm điện tử. Với hệ thống quản lý này, cán bộ, nhân viên của công ty mở thiết bị điện tử cầm tay ra là có thể biết lô đất nào trồng cái gì, tình trạng cây trồng trong từng lô, thửa ra sao, số nhân công, sản lượng, số lượng xuất bán hằng ngày.

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH VinEco Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: “VinEco hiện đang tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các quy trình, công nghệ canh tác tiên tiến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và sản lượng các sản phẩm nông nghiệp hiện có. Thời gian tới, VinEco sẽ bổ sung thêm nhóm sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các địa phương trong cả nước”.

Dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính được triển khai trên diện tích hơn 187 ha tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, công suất sản xuất tám tỷ con tôm giống/năm và 5.800 đến 17.400 tấn tôm thương phẩm/năm. Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng khu thuần dưỡng tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh; xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm trong nhà kính với công nghệ cao siêu thâm canh, bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... và tạo ra vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tôm giống chất lượng cao cho các hộ nuôi trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong khu vực.

Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Với chương trình chia sẻ hợp tác chiến lược, chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, quy mô dự án và tập trung thu hút, lan tỏa công nghệ, chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho người dân vùng dự án để phát triển nuôi tôm bền vững với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm lớn nhất miền bắc. Về phía địa phương, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để chủ đầu tư triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ đề ra”.

Những năm gần đây, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai ứng dụng nhiều mô hình thử nghiệm mới, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất và khai thác, như việc sử dụng đèn led cho tàu cá để nâng cao sản lượng khai thác, mô hình rau trái vụ, nuôi rươi, nhân rộng nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn. Gần đây nhất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành công trong việc trồng giống na dứa có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc). Đến nay, cây phát triển tốt, đã ra quả, chất lượng quả tương đương như trồng tại Đài Loan, ưu điểm là ít hạt, độ ngọt cao, trọng lượng quả lớn và thời gian thu hoạch gần vào dịp áp Tết Nguyên đán cho nên giá bán ra thị trường khá cao. Trung tâm cũng đang tiến hành ghép na dứa trên cây na xiêm theo công nghệ ghép hai lần nhằm nâng cao sức sống và thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây. Viện Công nghệ sinh học cũng đang lập quy hoạch trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. Đây là những tín hiệu vui góp phần thúc đẩy, nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh.

Vùng trồng hoa của huyện Hoành Bồ là một điển hình về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Từ một làng hoa truyền thống với các vườn hoa nhỏ lẻ, đến nay, huyện Hoành Bồ đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng hoa với các cơ sở liên kết sản xuất, tổ hợp tác của nông dân; các trang trại sản xuất hoa của các doanh nghiệp. Công nghệ sản xuất truyền thống cũng được thay thế bằng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới, hiện đại. Các khu sản xuất được đầu tư đồng bộ từ hệ thống nhà lưới màng kín, hệ thống quạt gió, máy tăng, giảm nhiệt độ cho đến các thiết bị điện, lọc nước tưới. Trang trại hoa của Công ty TNHH MTV Châu Thành đã mạnh dạn đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới và lắp đặt thiết bị hiện đại để thu nhận các thông số về độ ẩm, không khí, đất đai, nhiệt độ, nhu cầu dinh dưỡng để trồng hoa lan cao cấp. Công ty cổ phần Phát triển Agritech áp dụng công nghệ nhân giống vô tính từ ngồng hoa lan thay cho phương pháp gieo hạt hữu tính, ứng dụng quy trình công nghệ nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô với hệ số nhân tăng gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống. Đến nay, diện tích trồng hoa ở huyện Hoành Bồ đã được mở rộng lên đến hơn 80 ha, trong đó có 100 nghìn cây hoa lan, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 13 triệu bông hoa. Không dừng lại ở việc phát triển lợi thế của cây hoa, cuối năm 2015, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa đã đi đầu trong việc đưa dự án Khu du lịch sinh thái “Thiên đường hoa Quảng La” vào hoạt động. Dự án có quy mô 25 ha, trồng cây ăn quả kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán, xưởng sơ chế dược liệu, phát triển cánh đồng hoa đa sắc… Từ khi đi vào hoạt động đến nay, khu du lịch sinh thái “Thiên đường hoa Quảng La” đã đón hơn 30 nghìn lượt du khách đến tham quan.

Trưởng phòng NN và PTNT huyện Hoành Bồ Bùi Xuân Hưng cho biết: Địa chỉ “Thiên đường hoa Quảng La” đã trở thành điểm nhấn của du lịch huyện Hoành Bồ. Hiện, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa đang tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án theo hướng xây dựng trang trại hữu cơ, mục tiêu trở thành môi trường giáo dục hoàn toàn tự nhiên và an toàn kết hợp không gian vui chơi, học tập đa dạng cho trẻ em và cả gia đình. Với thế mạnh về du lịch, việc phát triển tua tuyến, điểm du lịch sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn và gia tăng được giá trị của các sản phẩm nông sản từ việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng được các khu sản xuất nông nghiệp tập trung: khu nông nghiệp công nghệ cao Evinco tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều; vùng trồng hoa cao cấp ở huyện Hoành Bồ; vùng nuôi tôm thương phẩm của Tập đoàn BIM và khu phức hợp sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm của Tập đoàn Việt Úc tại huyện Đầm Hà; mô hình trồng chè ở huyện Hải Hà; mô hình trồng na, vải ở thị xã Đông Triều và TP Uông Bí theo chương trình VietGAP, vùng trồng rau an toàn ở thị xã Quảng Yên.

Theo Quang Thọ/Báo Nhân Dân.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập127
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại933,134
  • Tổng lượt truy cập92,106,863
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây