"Vũ khí" tự nhiên
Có mặt tại trang trại của Dự án sản xuất và kinh doanh dịch vụ cung cấp gói thuê bao rau (Pfarm) ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, phóng viên thấy rất nhiều loại rau được trồng theo phương pháp hữu cơ. Qua quan sát, phóng viên nhận thấy một điểm khá lạ trong cách trồng rau nơi đây đó chính là việc một số loại rau được trồng xen kẽ với nhau chứ không trồng riêng rẽ từng loại như ở một số cơ sở khác. Đem thắc mắc này hỏi những người nông dân tại đây được biết, sở dĩ trồng xen kẽ các loại rau với nhau là thực hiện cơ chế xung khắc. Như khi trồng cải xen lẫn với hành là vì sâu ăn rau cải, nhưng sâu lại sợ hành nên khi trồng xen, sâu sẽ không dám tấn công rau cải.
Khi được hỏi về quy trình sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ có gì khác so với phương pháp thông thường, anh Phan Chí Nhân, chủ Dự án cho biết, quy trình sản xuất rau hữu cơ đều đảm bảo nguyên tác không được phép sử dụng chất hóa học tổng hợp trong các vật tư đầu vào. Thay vào đó là phân hữu cơ đã ủ, ngâm hoại mục. Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các vật liệu biến đổi gen.
Để tiến hành canh tác rau trên diện tích đất hiện có, những người thực hiện phải tiến hành khâu đầu tiên cải tạo đất, sau đó gửi mẫu đất, mẫu nước kiểm nghiệm chất lượng, khi các mẫu được gửi đi đạt chất lượng mới tiến hành gieo trồng. Khi gieo trồng điều tối quan trọng là khâu chọn giống. Giống được chọn tại những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, chọn giống kháng sâu bệnh được cung ứng từ các cơ sở có uy tín, được phép sản xuất giống. Trước khi sử dụng rửa hạt giống bằng nước sạch để loại bỏ hoá chất. Sau đó tiến hành gieo trồng theo phương pháp hữu cơ, phân bón là các loại như phân gà ủ trấu, giun quế hay những chế phẩm sinh học an toàn của Nhật.
Theo lời những người nông dân tại đây thì với trồng rau hữu cơ, việc tận dụng các “mẹo” để tránh sâu ăn là việc làm rất cần thiết bởi rau hữu cơ tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên khi sâu bọ tấn công sẽ khiến sản xuất bị ảnh hưởng. “Vũ khí” để chống lại sâu bệnh của phương pháp trồng rau hữu cơ là gừng, ớt, tỏi. Theo đó, người nông dân sẽ giã hoặc xay nhuyễn hỗn hợp tỏi, ớt, gừng sau đó đem ngâm với rượu trong thùng kín. Trong suốt quá trình ngâm ủ, chỉ được để thùng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Ngâm trong khoảng 15-20 ngày để cho tinh dầu cay của nguyên liệu ngấm đều với rượu rồi mới đem ra sử dụng. Để rau hữu cơ phát triển, các hộ nông dân phải thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định để đảm bảo rau giống được gieo trồng cùng thời điểm, cùng giống cây, cùng kỹ thuật, cùng sử dụng các chế phẩm men vi sinh… Hàng tháng và theo từng mùa vụ, nhóm trồng rau tổ chức sinh hoạt định kỳ để cùng trao đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cách chăm sóc diện tích rau đảm bảo đạt năng suất, chất lượng, ít sâu bệnh.
Việc tận dụng các “mẹo” để tránh sâu ăn là việc làm rất cần thiết bởi rau hữu cơ tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: DN. |
Nỗi lo đầu ra
Theo lời anh Phan Chí Nhân, có đi sâu vào làm nông nghiệp, những người trẻ làm nông ở Pfarm mới thực sự thấm thía về nỗi vất vả, cực nhọc, khó khăn, thách thức của người nông dân lớn đến như thế nào. Đó là quá nhiều nỗi lo phải đối diện nào là sâu bệnh, nào là thiên tai, nào là thời tiết khí hậu biến đổi thất thường. Chỉ một cơn giông đi qua, đôi khi có thể khiến cả 1 mảng ruộng vườn với bao công sức trở nên vỡ vụn. Rồi kể cả khi “được mùa”, thì cũng không lấy gì làm đảm bảo, giá cao, câu chuyện “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” luôn đe dọa.
Từ thực tế ấy mới thôi thúc anh Phan Chí Nhân hình thành ý tưởng kinh doanh dịch vụ cung cấp gói thuê bao rau (Pfarm) trọn gói, từ trang trại đến bàn ăn của người tiêu dùng. Theo đó, tùy theo lượng khách hàng thuê bao cố định hàng tháng, mà cơ sở sẽ sản xuất lượng rau an toàn cho phù hợp. Theo mô hình thuê bao của Pfarm, mỗi tháng người tiêu dùng phải chi trả khoảng 1,6 triệu đồng cho nhu cầu sử dụng các loại rau ăn. Hàng tuần cứ thứ Ba và thứ Sáu, nhân viên sẽ tiến hành giao rau tại nhà cho khách với trọng lượng khoảng 5 kg, gồm 4 loại rau ăn lá chính và 10 loại rau bổ trợ. “Tuy nhiên mô hình này, người tiêu dùng phải trả trước chi phí, do vậy tâm lý của nhiều người khá e dè, lo ngại nhất là khi phải bỏ ra hàng triệu đồng để chi trả cho việc sử dụng rau thay bằng chỉ bỏ ra vài nghìn cho việc mua mớ rau không rõ nguồn gốc chất lượng ngoài chợ”, chủ dự án Pfarm lo lắng.
Người nông dân đang cần mẫn chăm sóc vườn rau hữu cơ |
Dù kỳ công chăm sóc, đầu tư song theo tìm hiểu nhược điểm khá lớn của rau hữu cơ là mẫu mã không được đẹp như rau trồng theo phương pháp khác. Bên cạnh đó do giá nguyên liệu và quy trình chế biến mất nhiều thời gian nên chi phí của rau theo phương pháp hữu cơ cao hơn so với các loại rau khác, đây là cản trở khá lớn cho việc tìm kiếm đầu ra. Bên cạnh đó thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn chưa thay đổi, họ cho rằng rau là thứ rẻ nhất trong các loại thực phẩm nên khi rau hữu cơ bán giá cao thường không được người tiêu dùng ưa chuộng. “Một số người tiêu dùng khó chấp nhận được việc một ngày họ phải bỏ ra vài chục nghìn để sử dụng các loại rau hữu cơ thay cho việc chỉ cần vài nghìn đồng một bó rau không rõ nguồn gốc, chất lượng ngoài chợ”, chủ cơ sở Pfarm trăn trở.
Vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn đang thực sự là trăn trở của các mô hình rau an toàn nói chung và rau sản xuất theo phương pháp hữu cơ của Pfarm nói riêng bởi thói quen tiêu dùng và tâm lý của người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào các loại rau này. Tuy nhiên, để hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, điều tiên quyết là phải nâng cao nhận thức của người sản xuất về tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe con người để mỗi người sản xuất tự ý thức thay đổi tập quán, thói quen canh tác.
Bên cạnh đó, để người sản xuất rau an toàn yên tâm duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau, yếu tố đầu ra cho sản phẩm cũng phải được các ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết. Bởi hiện nay, rau an toàn vẫn được tiêu thụ một cách “tự phát”, do mối quan hệ của các hộ trồng rau với người tiêu dùng. Theo lời của anh Phan Chí Nhân, mấu chốt của việc phát triển sản xuất đó chính là kế hoạch canh tác và tìm đầu ra, vấn đề chất lượng sản phẩm, chỉ cần có quyết tâm, kiểm soát chặt, chất lượng sẽ được bảo đảm.
“Dẫu biết phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cũng như phải đối diện với nhiều hoài nghi, nhưng phương châm làm việc của em và cộng sự vẫn luôn là ‘cặm cụi mà đi, theo đuổi mục tiêu đến cùng’, thực hiện giấc mơ thực phẩm sạch trên mảnh ruộng của người nông dân”, anh Nhân cho biết.