Khu vườn mẫu của gia đình anh Lê Văn Thắng ở thôn 3, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà có diện tích 7.000m2. Quá nửa anh Thắng dành cho ao cá, khu vực chăn nuôi gia cầm và các loại cây ăn quả như: táo, nhãn, vải... phần còn lại gần 3.000m2 là vườn rau, ruộng lúa, các loại hoa màu được trồng xen canh, gối vụ với thu nhập bình quân hàng năm gần 150 triệu đồng, gấp 3 lần so với trước.
Anh Thắng cho biết, nhờ biết phát huy những kinh nghiệm sẵn có của nhà nông và được tham gia các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật để triển khai mô hình vườn mẫu, bà con nơi đây đã dần bỏ được thói quen trồng cây theo cảm tính, bón phân và sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 4, cũng là một trong 30 hộ của xã Quảng Minh được chọn làm điểm để xây dựng mô hình nông nghiệp mới. Sau hơn 1 năm cải tạo, quy hoạch khu vườn rộng gần 1 ha, sức lao được giảm đi nhiều, thu nhập của gia đình lại tăng lên gấp vài ba lần so với trước đây.
Còn với anh Vũ Văn Thiết ở thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, thì việc chủ động tìm hiểu khoa học công nghệ để áp dụng vào vườn chanh đào có diện tích 5 ha và khu chế xuất sản phẩm mang thương hiệu Chanh đào Hải Hà đã mang lại lợi ích lớn cho gia đình anh.
"Áp dụng công nghệ giúp giảm công lao động, nâng cao chất lượng, năng suất, vườn sạch sẽ hơn, tạo sản phẩm tốt nhất, sạch nhất phục vụ thị trường", anh Thiết chia sẻ.
Hơn 1 năm triển khai và phát động, đến nay huyện Hải Hà đã xây dựng được gần 300 khu vườn mẫu, mô hình sản xuất nông sản an toàn. Từ phong trào này, người dân đã có định hướng chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp và có ý thức sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Bùi Văn Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết, triển khai xây dựng vườn mẫu tại huyện Hải Hà bước đầu đã có được kết quả rất tích cực. Sản xuất nông nghiệp gắn với thu nhập người dân tại các vườn mẫu có chuyển biến rất tốt. Có sự chuyển biến rất mạnh trong nhận thức của các hộ dân đăng kí tham gia, các ý tưởng sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo cảnh quan môi trường xung quanh tại vườn cũng như tại khu vực nông thôn.
Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, đến nay sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người nông dân tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực và hiệu quả, sản xuất ra các loại nông sản an toàn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững./.
Theo Thu Thủy/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;