Phát triển mạnh
Ba tháng đầu năm 2014, khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 6.646 tấn, bằng 103,7% cùng kỳ năm 2013. Các nghề rê cá lạc, câu vàng, vây ánh sáng hiệu quả.
Đầu năm, toàn tỉnh đã thả nuôi mặn lợ 4.483,3 ha; trong đó, tôm nước lợ, mặn 3.289,3 ha; tôm nước ngọt 1.294 ha. Tôm sú thả nuôi 80,1 triệu con, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 107,5 triệu con. Cá nước lợ 11,5 triệu con, cua 4,6 triệu con, cá nước ngọt 30,8 triệu con. Dịch bệnh kiểm soát tốt, chỉ có 13,2 ha nhiễm bệnh.
Tình hình sản xuất giống được chú trọng, với việc sản xuất 7,6 triệu con cá bột, cá giống nước ngọt, 15 vạn con cá dìa, 10 vạn con cua xanh, 12 triệu con tôm sú. Mặt khác, tỉnh đang đẩy mạnh hình thức nuôi xen ghép vùng hạ triều, khoảng 3.500 ha. Phát triển nuôi TTCT khoảng 15% mỗi năm…
Hài hòa du lịch, văn hóa
Thừa Thiên - Huế có 120 km bờ biển, với nhiều lợi thế về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hiệu quả cao, nhưng vấn đề sống còn của nghề thủy sản tại đây là làm sao phát triển hài hòa với du lịch, văn hóa, tạo nét riêng đất “cố đô”.
Chẳng hạn, huyện Phú Vang có tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Có bờ biển dài trên 35 km, có cửa biển Thuận An và nhiều đầm phá trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Một số điểm đã kết hợp với du lịch như biển Thuận An, thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức sản phẩm như ở Đầm Chuồng, Festival Huế cũng đã bắt đầu quảng bá nghề cá truyền thống trong đầm phá… Khách phương xa đến Huế rất thích tham quan phá Tam Giang - Cầu Hai. Tỉnh đang xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để kết nối du lịch Tam Giang - Cầu Hai với NTTS.
Lăng Cô - điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa
Quy hoạch chặt chẽ
Nhiều người ở Huế cho rằng, ngành thủy sản đem lại không ít lợi ích, nhưng vì phát triển quá nóng dễ dẫn đến ô nhiễm, phá vỡ cảnh quan và đánh mất bản sắc một vùng NTTS rất đặc trưng.
Theo đó, địa phương đã tập trung triển khai kế hoạch phân vùng sử dụng đới bờ Thừa Thiên - Huế đến năm 2015, định hướng đến 2025.Đới bờ phân vùng sử dụng gồm 52 xã thuộc 5 huyện ven biển, được chia thành 11 vùng theo 4 nhóm chính: nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi; nhóm vùng đệm, sử dụng với cường độ thấp; nhóm vùng phát triển; nhóm vùng dự trữ.
Đối với nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi được đề xuất 4 vùng bảo tồn, 8 vùng bảo vệ thủy sản và 1 vùng phục hồi sinh cảnh.
Nhóm vùng đệm được đề xuất: vùng đệm bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà; vùng “vành đai biển” là dải đất dọc bờ biển Thừa Thiên - Huế, trừ khu vực cửa sông, cửa đầm phá và đoạn bờ biển dạng vách núi đá, có chiều dài gần 100 km; vùng đất cát dự trữ huyện Phong Điền.
Nhóm vùng phát triển được đề xuất gồm vùng phát triển kinh tế tổng hợp Chân Mây; vùng phát triển du lịch Cảnh Dương - Lăng Cô - Chân Mây, Đông Dương Hàm Rồng thuộc 2 xã Vinh Hiền, Vinh Mỹ (Phú Lộc), Hồ Truồi - Nhị Hồ - Suối Voi và vùng du lịch sinh thái cao cấp đầm Cầu Hai - cửa Tư Hiền; vùng phát triển cảng biển Thuận An, Chân Mây…
Với việc xây dựng quy hoạch, phân vùng và tiểu vùng, sẽ tạo ra sự đa dạng sinh cảnh, đồng thời hạn chế được việc phát triển tràn lan gây ô nhiễm và tạo cho người dân ý thức giữ gìn bản sắc truyền thống. Bảo vệ sự đa dạng sinh học, nuôi trồng gắn với điều kiện tự nhiên cũng chính là thế mạnh ngành thủy sản nơi đây.
Đẩy nhanh công nghiệp hóa
Bên cạnh việc duy trì và bảo tồn những ngành nghề truyền thống, những làng nghề và các giống loài đặc hữu, ngành thủy sản Thừa Thiên - Huế tích cực phát triển nuôi trồng công nghiệp với tiêu chí phát triển bền vững, đặc biệt với TTCT. Tỉnh đã đạt được các thỏa thuận với Tập đoàn C.P Thái Lan đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Phong Điền; đầu tư nuôi tôm trên cát với công nghệ trên ở 4 khu nuôi tôm tại Phong Điền và Quảng Điền 4.000 ha.
Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết, tỉnh luôn tìm kiếm những mô hình mới, hướng đi mới. Nghề thủy sản có từ lâu đời và rất nhiều thế mạnh, khí hậu ổn định. Nhân dân ngày càng quan tâm lĩnh vực NTTS. Hầu như không còn diện tích mặt nước nào chưa được khai thác. Theo một số người NTTS tại đây, vấn đề hiện nay chủ yếu là đầu ra ổn định hay không. Hy vọng, khi có sự liên kết với các nhà máy chế biến và kết nối với các công ty xuất khẩu uy tín trong và ngoài tỉnh, sẽ giúp người dân ở đây mạnh dạn hơn nữa trong phát triển nuôi trồng và khai thác.
>> Theo thống kê, sản lượng thủy sản toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt gần 32.500 tấn, tăng bình quân gần 20%/năm. Ngoài sản phẩm tươi sống, các địa phương vùng ven biển thành lập được 330 cơ sở chế biến nước mắm và thủy sản khô, cho sản lượng hàng năm lớn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;