Ý nghĩ và cách làm táo bạo
Xuất thân con nhà nông, từng có thời gian nuôi cá trên lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang, vợ chồng anh Hoà từng nếm trải hạnh phúc và cả những cay đắng với nghề nuôi cá. Anh Hoà kể, đận trước nuôi cá ở khu vực lòng hồ giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng bấp bênh lắm. Mùa đông khi gió hang thổi đến, có đợt anh ra thăm lồng cá gặp gió lớn lật úp thuyền suýt mất mạng. Cũng theo anh Hoà, chuyện sóng to, gió lớn phá huỷ lồng nuôi cá của bà con trên hồ khá nhiều, đây cũng chính là một khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi cá trên lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang.
Mô hình nuôi cá tiến vua của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà. Ảnh: Huy Hoàng |
Mô hình phát triển kinh tế trang trại của gia đình anh Hoà, chị Thơm là một hướng đi mới, nhất là trong phát triển nghề nuôi cá ở địa phương. Mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, chứng minh sự sáng tạo trong làm kinh tế hộ, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã”. Ông Quan Văn Phùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND
|
Suy nghĩ bao đêm, anh Hoà thấy quê mình có ngọn núi Ái Au cây cối quanh năm xanh tốt, nước suối sạch trong lành chảy róc rách, anh bàn với vợ vay vốn ngân hàng mua lại khoảng đất của mấy hộ dân ở lưng chừng núi để phát triển trang trại, nuôi cá đặc sản tại đây sẽ ổn định hơn.
Giờ nghĩ lại anh Hoà vẫn thấy ý nghĩ của mình là quá táo bạo, bởi từ trước đến nay ở quê anh chưa thấy ai nuôi cá trên núi bao giờ, hoạ chăng họ chỉ nuôi ở những vạt ruộng thấp, nơi thuận cả về nguồn nước và đường đi.
Ấy vậy mà vợ anh lại ủng hộ ngay. Đầu năm 2014, vợ chồng anh rút cả “hầu bao” dành dụm bao năm cộng với tiền vay ngân hàng đầu tư vào mấy sào đất đầy lau lách nơi lưng núi thâm u.
Khu vực vợ chồng anh Hoà lựa chọn là ở thôn Cốc Phát, xã Thượng Lâm, ngay lưng chừng đèo Ái Au. Ngày nhận đất, công việc đầu tiên vợ chồng anh Hoà bắt tay vào làm là phá hết những đám lau sậy, hì hục đào những ao nuôi nhỏ rồi bắt nước suối vào ao. Việc xong xuôi anh lại tất bật bắt xe khách lên tận Bắc Mê, Bắc Quang của tỉnh Hà Giang tìm và học hỏi cách nuôi những loại cá đặc sản dầm xanh, anh vũ, cá bống…
Dân trong xã Thượng Lâm khi kể chuyện thường so sánh hành trình đưa những giống cá tiến vua nuôi tại lưng chừng đèo Ái Au của vợ chồng anh Hoà giống như trong câu chuyện cổ tích chàng Mai An Tiêm xưa tìm được giống dưa quý nhưng phải nhờ những dòng nước xoáy may rủi mang đi để đợi chờ tin vui vậy. Anh Đinh Công Thảo, hàng xóm nhà anh Hoà chia sẻ, thấy vợ chồng anh Hoà bỏ nhà lên rừng ở cả thôn Bản Chợ ai cũng ái ngại. Ấy vậy mà bây giờ đến thăm nhiều người phải nể phục bởi anh chị ấy đã gây dựng trang trại cá quy củ, mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch
Ngoài nuôi cá đặc sản, gia đình anh Hoà còn nuôi lợn đen cho thu nhập khá. Ảnh: Huy Hoàng |
Nguồn nước suối trong lành được anh Hoà dẫn vào ao nuôi thông qua hệ thống đường ống dẫn nước rồi lại từ ao nuôi thoát qua hệ thống cống tràn, vì thế ao nuôi luôn trong mát và nước lưu thông giúp cá nhanh lớn và khoẻ mạnh. Nói về những tháng ngày “thuần phục” những loại cá đặc sản ở vùng đất mới, chị Thơm vợ anh kể lại, mẻ cá giống đầu lấy về chỉ sống được vài ngày, đợt 2 thì chỉ 50% cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh mới biết cá chết do nước lạnh hoặc nóng quá. Sau này anh chị điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.
Khu vực rừng núi Ái Au có nhiều cây cỏ như dứa dại, cỏ ngọt, rêu đá… là thức ăn yêu thích của nhiều loại cá nên vợ chồng anh Hoà ngày nào cũng lặn lội kiếm về nuôi cá. Nhiều lần lên núi lấy thức ăn cho cá bị đá núi sắc nhọn cứa đứt chân tay nhưng anh chị không nản chí bởi nhìn đàn cá khoẻ mạnh tung tăng dưới làn nước mát đã đem lại niềm vui và say mê công việc.
Do cá tiến vua phải nuôi trong khoảng thời gian dài mới có thể thu hoạch nên vợ chồng anh Hoà còn nuôi thêm các loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép… để tăng thêm thu nhập cho gia đình và “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài phát triển cá, vợ chồng anh Hoà còn chăn nuôi thêm vịt suối, lợn đen và gà đồi…
Nhiều khách du lịch hoặc người dân địa phương khi đi qua cung đường đèo Ái Au thấy lạ lẫm trước trang trại của vợ chồng anh Hoà đã dừng chân để mua những sản vật đem về thưởng thức đều tấm tắc khen ngon. Anh Nguyễn Văn Thắng ở phường Minh Xuân (TP.Tuyên Quang) cho biết, thức ăn ở trang trại của anh Hoà không thể chê được. Thích nhất là được vào trang trại nổi lửa lên nướng cá thưởng thức tại chỗ, lắng nghe âm thanh của núi rừng và cả những tiếng quẫy của cá trong ao nuôi rất thú vị. Gia đình anh cũng hay điện thoại nhờ chủ trang trại gửi thực phẩm về xuôi.
Bước đầu mô hình kinh tế trang trại, trọng tâm là phát triển nghề nuôi cá đặc sản đã giúp gia đình anh Hoà có thu nhập ổn định. Hiện nay, trang trại của anh chị có 10 ao nuôi cá với trên 1.000 cá bống, trên 3.000 cá anh vũ và hàng nghìn con cá nuôi lấy thịt khác. Số cá bống nuôi được 3 năm đã có trọng lượng trung bình từ 2,5 - 3kg/con. Với giá thị trường của loại cá đặc sản này dao động khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg, vợ chồng anh Hoà đã có một khoản thu không hề nhỏ.
Hiện nay, huyện Lâm Bình đang xây dựng kế hoạch phát triển một số cây, con đặc sản là thế mạnh của huyện, từ đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời người dân trong phát triển các cây, con đặc sản, trong đó có nghề nuôi cá trên lòng hồ và các sông, suối.
Ông Ma Ngọc Trường - Trưởng Phòng NNPTNT, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định, huyện luôn khuyến khích các hộ dân phát huy thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế trang trại. Đặc biệt là nuôi các loại cá đặc sản, góp phần bảo tồn những loài cá quý hiếm, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao. Vì thế mô hình nuôi cá đặc sản của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà ở Thượng Lâm rất cần được nhân rộng.