Năm 2013, ông Chính đến huyện Phong Điền để tìm hiểu về mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Sau đó, ông quyết định mua giống về trồng thử 4 công. Qua 8 tháng chăm sóc, vườn thanh long bắt đầu cho trái chiếng. Vụ trái đầu tiên ông Chính bán được khoảng 100kg, giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg và về sau thì cứ cách 1 tháng là thu hoạch 1 lần. Ông Chính chia sẻ: “Thanh long ruột đỏ là loại cây thuộc họ xương rồng nên ưa nắng, thích sáng, rễ cạn, đất trồng phải xốp, thông thoáng, không bị ngập. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán”.
Vườn thanh long của ông Chính (bìa phải) có trái quanh năm, thu nhập ổn định.
Thấy mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, năm 2017, ông Chính mạnh dạn đầu tư trồng thêm 26 công thanh long ruột đỏ, nâng tổng số diện tích trồng lên 3ha. Hiện tại, vườn thanh long của ông Chính đã cho trái đồng loạt, thu hoạch từ 3 -5 tấn trái/tháng. Ông Chính phấn khởi, nói: “Trong tháng 8-2018, gia đình tôi thu hoạch được 3 tấn trái thanh long, bán với giá 38.000 đồng/kg. Hiện tại, tôi có hợp đồng với các vựa thu mua thanh long tại Vĩnh Long nên không lo đầu ra cho sản phẩm”. Theo ông Chính, thanh long ruột đỏ dễ trồng, dễ chăm sóc bởi phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng muốn cho cây trồng này có năng suất, chất lượng cao, người trồng phải nắm vững các quy trình chăm sóc từ bón phân, tưới nước và cách phòng trừ sâu bệnh...
Bên cạnh đó, để cho thanh long ra trái nghịch vụ, bán được giá cao, ông Chính đầu tư lưới điện 3 pha để thắp sáng cho vườn thanh long. Ông Chính cho biết: “Để lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng trên 3ha thanh long, phải tốn chi phí khoảng 500 triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại mình chủ động xử lý cho thanh long ra hoa nghịch vụ, bán giá cao gấp 2- 3 lần so với mùa thuận”. Việc xử lý cho thanh long ra hoa nghịch vụ đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao. Nhờ chịu khó học hỏi, có kinh nghiệm trồng trọt nên vườn thanh long của ông Chính có trái quanh năm. Tùy vào thời điểm, ông Chính thu nhập từ 100 -150 triệu đồng/tháng. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông Chính còn giải quyết được việc làm cho 15 lao động ở địa phương, với thu nhập 20.000- 25.000 đồng/giờ/người.
Ông Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân B, cho biết: “Trên địa bàn xã đã thành lập được Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ ấp Trường Khương A và Trường Khương B với diện tích 25ha, có 33 thành viên tham gia. Để giúp hội viên nông dân phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ, sắp tới, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành đã mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long; đồng thời, xây dựng thương hiệu để thu hút các công ty, doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân...”.
Thanh Thư/baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã