Bón rau sạch bằng rong
Theo ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, làng rau Trà Quế có hơn 18ha, với hơn 200 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng rau sạch. Rau Trà Quế nổi tiếng với trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị; đặc biệt, có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như: húng, é, tía tô,... Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát.
Nhờ bón bằng rong, rau Trà Quế có hương vị đặc biệt, ngon ngọt đặc trưng. Ảnh: Trần Hậu
"Rau Trà Quế sạch từ khâu chọn đất và hệ thống nước tưới không bị ô nhiễm. Đất được tăng độ mùn và tơi xốp bằng rong ở sông Đế Võng. Ngoài ra, người dân còn dùng loại phân chuồng để hoai, phân vi sinh chế biến từ thảo mộc. Người dân làng rau Trà Quế còn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín. Nhờ vậy mà không ảnh hưởng đến môi trường và có sản phẩm sạch đến người tiêu dùng", ông Phương cho hay
Nguồn rong từ các con sông ở Hội An giúp đất tăng cường phì nhiêu, giảm chi phí nghề rau. Ảnh: Trần Hậu
Lão nông Nguyễn Lên (60 tuổi, thôn Trà Quế) với hơn 30 năm trồng rau, cho biết: "Tiếp nối truyền thống của ông cha, thế hệ con cháu chúng tôi quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống trồng rau sạch của làng rau Trà Quế. Hiện nay, tôi trồng 800m2 với các loại rau như: mồng tơi, húng, rau é, xà lách,… Mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 25-30kg rau, với giá trung bình từ 25 - 35 nghìn đồng/kg; sau khi trừ chi phí, tôi lãi trên 300 - 400 nghìn đồng/ngày".
Làng rau Trà Quế có hơn 18ha, với hơn 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị. Ảnh: Trần Hậu
Theo ông Lên, làng rau Trà Quế từ lâu rồi đã "nói không” với các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Hằng ngày, người dân nơi đây dậy từ tinh sương để gánh nước, vớt rong dưới đầm Trong, đầm Ngoài của sông Ðế Võng về bón cho rau. Chỉ có loại rong tự nhiên này mới thích hợp với đất Trà Quế. Vừa tăng cường độ xốp, độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất, vừa giảm chi phí đầu vào cho bà con. Nhờ sử dụng nguồn rong có bốn mùa này, mà rau Trà Quế có hương vị rất đặc biệt.
Nguồn rong ở sông Đế Võng làm nên hương vị rất đặc biệt của rau Trà Quế. Ảnh: Trần Hậu
Truyền thống trồng rau sạch ở Trà Quế luôn được khách hàng tín nhiệm nhiều năm qua.
Hằng ngày, người dân ở làng Trà Quế dậy từ tinh sương để gánh nước, vớt rong dưới đầm Trong, đầm Ngoài của sông Ðế Võng về bón cho rau. Ảnh: Trần Hậu
Nông dân kiêm hướng dẫn viên
Sống gần phố cổ Hội An và TP.Đà Nẵng sầm uất, người làng rau Trà Quế vẫn thủy chung, son sắt với nghề trồng rau.
Những năm gần đây việc trồng rau kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đã giúp bà con nông dân ở Trà Quế nâng cao thu nhập. Ảnh: Trương Hồng
Du khách đến với làng rau Trà Quế, vừa được tham quan làng rau, vừa được trải nghiệm làm nông dân. Người dân bao năm lam lũ với nghề rau, vẫn luôn nở nụ cười đôn hậu, tận tình hướng dẫn du khách các công đoạn làm nghề, cùng du khách xuống vườn xới đất, tưới rau,... Họ quen với việc làm hướng dẫn viên du lịch tại chỗ mà không cần qua một lớp bồi dưỡng, đào tạo nào.
Cụ bà Nguyễn Thị Xim (75 tuổi, làng rau Trà Quế) với kinh nghiệm hơn 40 năm trồng rau, cho biết: "Đến du lịch tại làng rau Trà Quế du khách có thể được dạo quanh làng bằng xe đạp, bằng thuyền, được tận mắt chứng kiến nông dân trồng và chăm sóc rau.
Những năm gần đây nhờ việc trồng rau kết hợp với làm du lịch mà thu nhập của tôi tăng lên đáng kể. Ngoài việc sản xuất rau cho các nhà hàng, siêu thị, tôi còn hướng dẫn du khách trồng rau, tham quan mô hình trồng rau an toàn của mình. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp du lịch mà thu nhập của tôi tăng lên đáng kể. Hàng ngày, tôi có thể tiếp từ 3 - 4 đoàn khách du lịch đến thăm vườn, tiền hoa hồng nhận được từ 300 - 500 nghìn đồng”.
Cụ bà Nguyễn Thị Xim cho biết, mỗi ngày bà tiếp từ 3 - 4 đoàn khách du lịch đến thăm vườn, tiền hoa hồng nhận được từ 300 - 500 nghìn đồng. Ảnh: Trần Hậu
Ông Trang Thanh Hùng - Trưởng thôn Trà Quế cho biết: “Làng rau Trà Quế là điểm tham quan lý tưởng tại Hội An. Đây là nơi cung cấp rau sạch lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Làng nghề phát triển mạnh, kết hợp với du lịch sinh thái đã giúp cho bà con nâng cao thu nhập”.
nguồn: danviet.vn
"Hàng ngày, làng rau Trà Quế cung cấp ra thị trường hàng tấn rau các loại, đồng thời kết hợp với các công ty lữ hành làm du lịch, đã đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển làng nghề rau sạch truyền thống, nhằm xây dựng thành sản phẩm tiêu biểu theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để nâng cao thu nhập cho bà con…" . ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;