Nuôi bò sữa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân - Ảnh: CTV
Nghề chăn nuôi bò sữa được hình thành ở Vĩnh Phúc từ năm 2000, trải qua 16 năm gây dựng với nhiều thăng trầm, đến nay chăn nuôi bò sữa đã thực sự trở thành một nghề góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, nhiều địa phương trong tỉnh.
Tính đến hết năm 2014, tổng số bò sữa của tỉnh là hơn 7.600 con, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 ở vùng Đồng bằng sông Hồng (sau TP Hà Nội).Chăn nuôi bò sữa phát triển nhất ở huyện Vĩnh Tường (chiếm khoảng 90% tổng đàn), còn lại phân bố ở các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên. Huyện Vĩnh Tường hiện có 14 xã, thị trấn chăn nuôi với hơn 1.200 hộ, tổng đàn bò sữa là 7.500 con (riêng xã Vĩnh Thịnh có 4.779 con, chiếm 64% số bò sữa của toàn huyện), trung bình 5 - 20 con/hộ, nhiều hộ nuôi tới cả trăm con. Với năng suất bình quân đạt 5.200 kg/chu kỳ, trung bình mỗi con bò cho thu nhập khoảng 26 triệu đồng/chu kỳ, nghề nuôi bò sữa đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân địa phương.
Tuy nhiên, do phát triển nóng, thiếu quy hoạch, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó cạnh tranh về năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm sữa tươi với việc chăn nuôi tập trung. Theo thống kê, trung bình 1 bò sữa trưởng thành mỗi ngày thải ra 25 - 30 kg phân, 30 - 35 lít nước tiểu và một lượng đáng kể nước rửa chuồng trại. Với quy mô đàn bò sữa như hiện nay tại Vĩnh Tường, sẽ thải ra môi trường khoảng 275 tấn chất thải/ngày đêm. Trong khi đó các biện pháp xử lý như hầm biogas, ủ phân… chưa thực hiện triệt để, nhiều hộ thải trực tiếp ra kênh mương, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt và bầu không khí.
Để giải quyết những khó khăn trên, Vĩnh Phúc xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch và xây dựng 3 khu chăn nuôi bò sữa tập trung, với tổng diện tích là 26,5 ha, đồng thời quy hoạch khu trồng cỏ 150 ha, để đưa chăn nuôi bò nông hộ ra khỏi khu dân cư tại các xã Vĩnh Thịnh, An Tường, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Để triển khai thành công, huyện Vĩnh Tường đã tiến hành xây dựng Dự án “Thí điểm tổ chức lại sản xuất, đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường, giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, huyện sẽ phối hợp các doanh nghiệp để phát triển đàn bò sữa. Doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua 100% sữa tươi của bà con; đồng thời đề xuất các công ty hỗ trợ 9 máy ép phân xử lý môi trường cho xã Vĩnh Thịnh trị giá gần 9 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Nội - khu Vườn Đào 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: “Từ khi chuyển sang chăn nuôi tập trung, có sự liên kết hỗ trợ của công ty, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô chăn nuôi lớn. Hiện nay tôi nuôi 78 con bò sữa, trong đó 30 con đang cho sữa, mỗi ngày vắt được hơn 7 tạ, công ty thu mua hết, trừ hết chi phí lãi hơn 50 triệu đồng/ngày”.
Để nông dân yên tâm chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp bò sữa trong và ngoài tỉnh đã chủ động hỗ trợ chọn giống, thú y, thụ tinh với nguồn giống cao sản tốt, đồng thời bao tiêu sản phẩm, thực hiện chương trình bảo hiểm vật nuôi, giá sữa, hỗ trợ giá thức ăn tinh bột và cỏ Mỹ, cho vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Ông Đậu Đình Thanh, chủ trang trại đang nuôi 65 con bò sữa cho biết: Với sản lượng sữa khoảng 5 tạ/con/năm, giá bình quân 13.000 đồng/lít, mỗi ngày trừ chi phí ông lãi gần 40 triệu đồng. Mặc dù nhiều hộ diện tích đồng cỏ hẹp, chỉ đáp ứng được 20 - 25% cỏ tươi, nhưng được sự hỗ trợ, cung ứng nguồn cỏ khô nhập khẩu từ Mỹ với giá chỉ 9.000 đồng/kg, nên các hộ không còn quá lo lắng về nguồn thức ăn cho bò. Hơn nữa, việc mua thức ăn từ thân, bắp ngô ở những vùng lân cận với giá 1.400 đồng/kg cũng rất phong phú và tiện lợi.
>> Thực hiện dự án “Thí điểm tổ chức lại sản xuất, đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường” ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường), giai đoạn 2017 - 2020”. Huyện phối hợp với Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty sữa Cô gái Hà Lan để triển khai chương trình phát triển đàn bò sữa, đề xuất hỗ trợ 9 máy ép phân xử lý môi trường Vĩnh Thịnh trị giá gần 9 tỷ đồng. |
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;