Đây là một trong những vấn đề được đại biểu các tỉnh, thành thảo luận tại diễn dàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng tổ chức.
Hiệu quả những mô hình
Ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, hiện có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế ở nhiều vùng trên cả nước. Ứng dụng công nghệ cao là tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa để nâng cao năng suất gấp nhiều lần, giảm chi phí công lao động, chi phí đầu vào, tiết kiệm nên tạo ra hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nông sản sạch, an toàn. Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Vùng duyên hải Nam Trung bộ bước đầu đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng CNC, cho thấy tính khả thi của mô hình.
Ông Đặng Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đã quy hoạch, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín, nuôi trồng thủy sản, hiện đang tập trung công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, bước đầu đã có 7 nhà đầu tư đang xúc tiến triển khai các dự án. Đối với khu nông nghiệp ứng dụng CNC, hiện đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang với diện tích 117ha.
“Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt hiệu quả như chăn nuôi heo thịt theo công nghệ chuồng lạnh, quy mô trang trại từ 800 -1.000 con heo giống nhập ngoại, mô hình sản xuất hoa treo, mô hình trồng rau ăn quả trên giá thể nhà màng…” - ông Hồng cho biết thêm.
Tại TP.HCM, phát triển nông nghiệp CNC cao cũng đang đem lại những hiệu quả tích cực. PGS.TS.Dương Hoa Xô - Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, thành phố đang ưu tiên tập trung nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất các giống cây trồng và cũng là nơi đi đầu cả nước về việc triển khai nông nghiệp ứng dụng CNC.
Cụ thể đã sản xuất 71.198,4 hạt giống các loại; giai đoạn 2011-2015 đã xây dựng 178 mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu sản xuất, cung cấp cho thị trường nội thành và các tỉnh lân cận khoảng 500 triệu cá bột, 100 triệu cá giống nước ngọt, 130 triệu con cá cảnh, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong nuôi trồng, với các kỹ thuật nuôi có quạt nước, hệ thống cấp thoát nước tự động, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính và cơ giới hóa thu hoạch nghêu…
Tại Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông cũng đã xây dựng, ứng dụng một số mô hình, chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, với nhiều mô hình đạt hiệu quả như mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tưới nước cho mía bằng pec phun quay tự động giúp năng suất ruộng mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng; hay mô hình nuôi ốc hương thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) quy mô 0,4ha, tỷ lệ sống 85%, năng suất 3,83 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 138 triệu đồng.
Thiếu vốn, nhân lực
PGS.TS.Dương Hoa Xô cho biết, dù TP.Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong cả nước về nông nghiệp công nghệ cao nhưng việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC trong nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng cũng như thực tế sản xuất.
“Ứng dụng CNC mới chỉ tập trung ở quy mô nông hộ, chưa nhân ra diện rộng, chưa ứng dụng rộng rãi. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, cũng như xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn có hàm lượng CNC. Nguyên nhân do sản xuất CNC đòi hỏi vốn lớn, lượng lao động có trình độ cao và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn thiếu; các hộ dân sản xuất với quy mô nhỏ, trình độ tiếp nhận ứng dụng CNC còn hạn chế…”, ông Xô nói.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị cần chuyển mạnh cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn thông qua đầu tư có kế hoạch và trọng tâm bằng các cơ chế mới, đặc thù như liên kết sản xuất, thu hoạch chế biến đến tiêu thụ.; thu hút doanh nghiệp, tăng cường kết nối thông tin và thị trường…
Ông Đặng Văn Hồng cũng cho rằng, hiện nay những vấn đề đặt ra nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC rất nhiều, bởi các đầu tư nghiên cứu ứng dụng chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa đảm bảo tính khoa học dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngoài ra, một số mô hình chưa tương xứng với quy mô đầu tư, chưa được nhân rộng.
Ông Trần Văn Khởi chia sẻ thêm, ứng dụng nông nghiệp CNC cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, ngập mặn, gió lốc, trong khi nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng cao nên ứng dụng CNC vào sản xuất sẽ tạo ra sự đột phá trong sản xuất. Vấn đề đặt ra là phải xác định sản phẩm, bước đi phù hợp với từng vùng, địa phương. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC phù hợp với từng vùng, từng địa phương, có chính sách ưu đãi, tăng cường đào tạo nghề cho nông nghiệp CNC, lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng, từng sản phẩm, như vậy mới đảm bảo tính khả thi và hiệu quả nhân rộng.
Theo Kim Oanh - Đoan Hồng/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã