Học tập đạo đức HCM

Vùng bãi ngang thay áo mới

Thứ bảy - 31/03/2018 10:39
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, Agribank còn phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại về khu vực nông nghiệp nông thôn để người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ dân.

Bãi ngang chuyển mình

Có dịp về lại vùng biển Hải Khê, Hải Lăng Quảng Trị, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của diện mạo thôn xóm nơi đây. Đường sá được đổ nhựa phẳng lì, sạch sẽ, hàng quán ven đường nhộn nhịp, nhiều ngôi nhà hai tầng khang trang mọc lên khắp nơi.

Vùng bãi ngang trước đây vốn chỉ vài trăm hộ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nghèo đói đeo bám bởi thu nhập thất thường. Cuộc sống nhiều hộ dân chỉ đủ đắp đổi qua ngày chứ không có tích lũy. Vậy mà nay xã biển đang từng bước trở thành một thị tứ tấp nập, đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá. Tất cả là nhờ vào những vụ tôm được mùa, được giá mà bà con đã mạnh dạn vay vốn Agribank và dồn sức vào đầu tư.

Cán bộ Agribank Hải Lăng - Quảng Trị đồng hành cùng khách hàng trong đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng

Đến thăm nhà anh Lê Xuân Phú, thôn Trung An – một trong những hộ nuôi tôm khá thành công tại vùng đất ngang này, anh cho biết, trong năm 2016 và 2017, hoạt động nuôi trồng, khai thác của gia đình anh và bà con trong vùng còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, cuộc sống người dân vô cùng khốn khó. Nhiều hộ phải chạy ăn từng bữa và dựa vào nguồn trợ cấp của tỉnh và các nhà hảo tâm. Phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản của người dân vùng bãi ngang chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, trong đó 27 tàu có công suất từ 20-40 CV, 173 tàu có công suất dưới 20 CV và 67 tàu thuyền không lắp máy.

Trước đây gia đình anh cũng có một tàu nhỏ nhưng nguồn hải sản gần bờ bị khai thác gần như cạn kiệt, thu nhập từ biển rất bấp bênh. Nhiều năm nay, trên địa bàn có Công ty cổ phần CP thuê đất đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng thành công nên nhiều hộ như anh cũng đã mạnh dạn học hỏi và vay vốn Agribank để làm. Hiện, ngoài thời gian làm quản lý ở trường tiểu học Hải Khê, anh còn đầu tư 5 hồ tôm và làm đại lý cấp 1 cung ứng thức ăn nuôi tôm.

Trên địa bàn này, rất nhiều hộ quanh vùng xã Hải Khê cũng đã đầu tư ao hồ nuôi tôm và có lãi, như hộ Lê Hồng Lĩnh, hộ Trương Minh Quang… Thời tiết thuận lợi thì có thể nuôi gối đầu một năm 3-4 vụ, còn không thì duy trì 2-3 vụ. Nhiều hộ kết hợp nuôi tôm với kinh doanh các mặt hàng khác để tăng thu nhập và tận dụng lao động nhàn rỗi như anh Phạm Phước Phi kinh doanh xăng dầu, anh Lê Xuân Phú kinh doanh thức ăn nuôi tôm…

Mặc dù tất bật nhưng nụ cười luôn nở trên môi của các hộ dân, họ vui vì có công việc, có nguồn thu nhập ổn định, vui vì cuộc sống vùng quê bãi ngang vốn xưa nay nghèo xơ nghèo xác này đang ngày một thay da đổi thịt, con cái của họ được học hành đầy đủ, nhiều em đang du học ở nước ngoài…

Chị Văn Thị Mười, thôn Thâm Khê xúc động nói, nếu không có nguồn vốn vay từ Agribank, nhiều gia đình ở đây không đủ sức để dám nghĩ lớn, làm lớn để rồi có thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hai con chị đang du học theo hình thức vừa học vừa làm ở Canada về thăm nhà, phụ giúp bố mẹ chăm hồ tôm. Chưa bao giờ chị thấy hạnh phúc và thỏa nguyện khi đời sống kinh tế ổn định, con cái chăm ngoan, học hành tốt như vậy. Nhiều gia đình trong thôn, trong xã cũng thực sự đổi đời từ khi vay vốn NH để đầu tư nuôi tôm trên cát như gia đình chị.

Cuộc sống vùng quê bãi ngang đang ngày một thay da đổi thịt

Trợ lực từ nguồn vốn của Agribank

Gắn bó hơn 10 năm với địa bàn 6 xã vùng đông của huyện Hải Lăng, trong đó có xã biển Hải Khê, anh Dương Đình Tam - Giám đốc Phòng giao dịch Hội Yên - thuộc lòng từng thôn xóm, nắm rõ, hiểu rõ gia cảnh của từng hộ dân.

Anh cho biết, xã Hải Khê là một trong hai xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của huyện Hải Lăng. Xã có 821 hộ dân với 3.570 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo 125 hộ, chiếm tỷ lệ 15,2%; số hộ cận nghèo 71 hộ, chiếm tỷ lệ 8,65%. Vùng biển Hải Khê chủ yếu là dân bãi ngang, hoạt động khai thác, đánh bắt chủ yếu ven bờ, tàu thuyền có công suất nhỏ dưới 40 CV, sản lượng hải sản thu về hầu như không đáng kể. Hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất còn thiếu.

Anh Tam chia sẻ, với trách nhiệm của một NHTM Nhà nước, trước thực trạng khó khăn của địa phương, Agribank đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành, tiếp sức về vốn cho các hộ dân phát triển sản xuất, từng bước vươn lên, thoát khỏi đói nghèo. Giai đoạn các xã vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, Agribank ủng hộ cho tỉnh Quảng Trị 5 tỷ đồng và 20 tấn gạo. Anh và cán bộ nhân viên Agribank Quảng Trị đã về tận nơi trao tặng gạo và quà chia sẻ cùng các hộ dân.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của NHNN, của Agribank, Phòng giao dịch Hội Yên đã rà soát các khoản nợ để thực hiện gia hạn nợ, giãn nợ, đồng thời tiếp tục cho vay mới để chuyển đổi sinh kế cho các hộ vùng bãi ngang. Nhiều hộ đã được vay vốn để chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi, trồng nấm, trồng ném… từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trong tổng số dư nợ  gần 200 tỷ đồng của Phòng giao dịch Hội Yên thì dư nợ cho vay vùng biển xã Hải Khê chiếm trên 30% với 400 hộ vay, trong đó hộ nuôi tôm 50 hộ. Nhiều hộ có mức vay lớn từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng như hộ Văn Thị Mười, hộ Lê Xuân Phú, hộ Nguyễn Minh Trí…

Nguồn vốn tín dụng Agribank đã giúp các hộ trang trải các chi phí từ đào ao hồ nuôi, xây hệ thống bể lọc nước biển, trải bạt đến mua con giống, mua thức ăn cho tôm. Đầu tư cho ngành nghề vốn được xem là “siêu lợi nhuận, siêu rủi ro” nên suốt quá trình cho vay cán bộ tín dụng Agribank luôn đồng hành với các hộ dân từ lúc đào ao, chọn giống cho đến khi thu hoạch, tìm hiểu để tư vấn thêm những giải pháp kỹ thuật, cách chọn giống, nuôi tôm… sao cho có hiệu quả nhất.

“Thực tế quá trình đầu tư chúng tôi cũng hết sức trăn trở để làm thế nào vừa hỗ trợ vốn giúp bà con phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn vốn vay. Nếu chỉ nhìn vào giá trị tài sản đảm bảo đầu tư thì nói thật, mức cho vay rất thấp, vì tài sản của bà con chỉ là nhà ở và đất nông nghiệp tính thanh khoản thấp, trường hợp phát sinh nợ xấu để phát mại tài sản thế chấp là rất khó. Chính vì thế, quá trình cho vay chúng tôi luôn thẩm định chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quá trình sử dụng vốn vay, thường xuyên bám sát địa bàn, hộ vay, và quan trọng, chúng tôi đặt niềm tin vào dân, như lâu nay dân vẫn tin tưởng vào Agribank vậy”, anh Đỗ Hữu Đức – cán bộ tín dụng cho vay địa bàn xã Hải Khê chia sẻ.

Đến nay, ở xã Hải Khê, các hộ nuôi tôm hầu như đã làm chủ được quá trình nuôi, hạn chế tối đa dịch bệnh. Lúc cao điểm, mỗi hồ nuôi cho lãi ròng 600-700 triệu, nay chi phí tăng cao, lãi còn khoảng 400-500 triệu đồng, hộ thấp nhất cũng được 200-300 triệu đồng/hồ nuôi. Chất lượng nợ tại địa bàn xã Hải Khê khá tốt, tỷ lệ nợ xấu hầu như không đáng kể, chỉ chiếm 0,1%/tổng dư nợ cho vay.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, Agribank còn phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại về khu vực nông nghiệp nông thôn để người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ dân. Đối với các hộ nuôi tôm, Agribank đã cung cấp kịp thời các dịch vụ tiện ích cho khách hàng như thanh toán chi phí mua vật liệu cải tạo ao nuôi, bảo lãnh thức ăn nuôi tôm, bảo hiểm Abic, cấp hạn mức thấu chi, thanh toán tiền dịch vụ điện sáng, cước viễn thông…Nhiều hộ quá trình nuôi tôm có lãi đã đầu tư cho con cái học hành và tích lũy gửi tiết kiệm tại Agribank.

Dẫn chúng tôi đi một vòng các mô hình đầu tư nuôi tôm hiệu quả ở xã Hải Khê, anh Dương Đình Tam dường như không giấu được niềm vui và tự hào về những dấu ấn mà Agribank tạo ra nơi mảnh đất này. Anh chia sẻ, trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế vùng biển, vùng cát của tỉnh, của huyện, Agribank sẽ tiếp tục đầu tư cho các mô hình kinh tế khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành các vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.


 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập479
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại844,194
  • Tổng lượt truy cập92,017,923
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây