Tính bình quân số tiêu chí đạt chuẩn theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, TPHCM đạt được 18,9 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với thời điểm triển khai thực hiện. Có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại 56 xã thuộc 5 huyện ngoại thành TPHCM đã trở thành những điểm sáng lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước…
Sáng tạo những cách làm hiệu quả
Huyện Củ Chi có 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới là Tân Thông Hội và Thái Mỹ với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có 7 - 9/19 tiêu chí đạt chuẩn. Trong đó, các tiêu chí nhà ở dân cư, việc làm, thu nhập… theo số liệu ở nhiều xã còn cách xa với chuẩn. Xác định chỉ có phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mới giảm nghèo, tăng hộ khá và giải quyết hàng loạt vấn đề của nông dân, nông thôn, nông nghiệp đặt ra, Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng với dân bàn bạc, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với đặc thù, điều kiện của từng nơi. Mô hình nuôi bò sữa ở các xã Tân Thông Hội, Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung… nhanh chóng được hình thành và chỉ thời gian ngắn phát triển đàn lên đến hàng chục ngàn con, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Tại các xã Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, Trung Lập Hạ… mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hoa lan, nuôi cá giống được phát triển mạnh, với quy mô từ vài hộ lúc đầu tăng lên hàng trăm hộ mỗi xã. Nhiều hình thức hợp tác như: tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, HTX… được người dân tại nhiều địa bàn đứng ra thành lập và đi vào hoạt động đã hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp, bảo đảm các yếu tố khép kín từ đầu vào đến đầu ra, làm tăng giá trị của 1ha đất có nơi lên đến 400 - 500 triệu đồng/năm. Điển hình hộ bà Thanh Huyền ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất từ rau xanh, lúa, cây ăn trái sang trồng lan Mokara. Được Nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật, 5ha lan với hơn 140.000 gốc, mỗi năm bà Huyền thu về gần 5 tỷ đồng.
Mô hình trồng rau VietGAP tại xã Trung Lập Thượng với gần 100 hộ tham gia đạt hiệu quả kinh tế cao
Tại huyện Bình Chánh, trong 5 năm đã có hơn 1.300 hộ đăng ký chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Quá trình chuyển đổi đã hình thành nhiều hình thức tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất do bà con nông dân tự quản lý theo phân công của các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải… Hiện toàn huyện có 14 HTX, 3 quỹ tín dụng và 49 tổ hợp tác hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế nông thôn, tạo ra hàng vạn việc làm và nâng mức thu nhập đầu người lên hơn 40 triệu đồng/người/năm (gấp hơn 2, 3 lần trước khi xây dựng nông thôn mới). Điển hình của cách làm hiệu quả này có thể kể đến như: HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại, dịch vụ Phước An; HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại, dịch vụ Phước Bình; Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Chánh…
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tính đến nay đã thực hiện được hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.259 tỷ đồng huy động từ sức dân. Cách làm của nhiều địa phương ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè cũng hết sức đa dạng, sáng tạo với phổ biến là hiến đất mở đường, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng các công trình y tế, trường học, nhà ở… Tại xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), trong số 57 tỷ đồng thực hiện các công trình hạ tầng giao thông, phúc lợi có đến 2/3 giá trị được huy động từ sức dân. Tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), tiêu chí về nhà ở được hoàn thành 100% với tổng giá trị hơn 65 tỷ đồng, chủ yếu từ đóng góp của người dân…
Phát triển bền vững từ nền nông nghiệp đô thị
Ngay ở giai đoạn đầu triển khai xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, TPHCM đã chủ động đề ra những mục tiêu, mức chuẩn cao hơn so với mặt bằng các tiêu chí của cả nước. Sự định hướng phát triển này bắt buộc từng địa phương phải có cách làm sáng tạo theo đặc thù, lợi thế phát triển các ngành nghề gắn với đô thị và gia tăng giá trị. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các ngành nghề mới giá trị cao được các địa phương liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với các cơ chế, chính sách Nhà nước ban hành về nông nghiệp, nông thôn. Trong chăn nuôi, trồng trọt đã hình thành chuỗi liên kết đầu vào từ cung cấp giống, kỹ thuật, lao động, vốn… đến tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết này còn được nhiều địa phương vận dụng lồng ghép vào một số chương trình phát triển nông thôn, khuyến nông, chương trình hợp tác phát triển các lĩnh vực nông thôn của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế. Qua đó, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận được nền nông nghiệp hiện đại và kỹ thuật, nguồn vốn phát triển để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo Bí thư Huyện ủy Củ Chi Lê Minh Tấn, muốn phát triển bền vững từ nông nghiệp đô thị, trước tiên phải có các giải pháp thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn để một mặt tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm nâng cao thu nhập. Mặt khác, cần đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước để tạo niềm tin, tạo đà, làm cơ sở huy động các nguồn lực khác, trong đó về lâu dài và chủ yếu vẫn là huy động trong dân để xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
| |
HOÀI NAM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;