Học tập đạo đức HCM

Mô hình hợp tác mẫu mực giúp nông dân

Thứ hai - 28/09/2020 21:55
Phát triển với chiến lược bài bản từ đầu, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng, hướng tới giá trị gia tăng cao, đây được coi là những định hướng lớn để ngành hàng mắc ca tại Việt Nam phát triển, tránh ‘vết xe đổ’ mà nhiều mặt hàng khác thường vấp phải.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ trước thềm hội nghị đánh giá kết quả 5 năm về phát triển cây mắc ca tại Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sắp diễn ra tại Đắk Lắk.

Ông Huỳnh Ngọc Huy (người ngồi, bên trái) thảo luận với một chủ vườn mắc ca xen cà phê ở Gia Lai. Ảnh: Nông thôn ngày nay

Tại sao hội nghị được tổ chức vào thời điểm này, trong khi cây mắc ca đã vào Việt Nam được hàng chục năm rồi, thưa ông?

Ông Huỳnh Ngọc Huy: Cây mắc ca đã vào Việt Nam được 20 năm, nhưng 5 năm qua là giai đoạn chúng tôi cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu bài bản và đã chuẩn bị được những nền tảng rất cơ bản để đưa ngành hàng mắc ca phát triển với kỳ vọng “cất cánh” trong giai đoạn tới.

Vì nhiều lý do khác nhau mà cây mắc ca trong thời gian qua chưa phát triển mạnh tại Việt Nam, nhưng qua các khảo sát kỹ lưỡng, chúng tôi khẳng định mắc ca là ngành hàng rất có tiềm năng và nhiều lợi thế của Việt Nam.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là đại diện cho một trong 5 nước sáng lập, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đồng thời là đồng Chủ tịch của Ủy ban Nghiên cứu phát triển Mắc ca thế giới (IMSC); đồng thời đang tiến hành thành lập Hiệp hội Mắc ca thế giới nhằm thúc đẩy việc phát triển vùng trồng cũng như thúc đẩy việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ hạt mắc ca. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng là thành viên của Ủy ban Hạt quả khô thế giới (INC) và liên kết với các hiệp hội mắc ca khác như của Australia, Nam Phi… nhằm mục đích phát triển việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới vào việc trồng mắc ca cũng như tạo ra liên kết, phát triển thị trường hỗ trợ cho việc xuất khẩu mắc ca ra thị trường thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề quan trọng nhất là thị trường, thì nhu cầu về nhân hạt mắc ca trên thế giới đang gia tăng hằng năm và giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới trong 10 năm qua liên tục tăng. Tại Autralia, mỗi kg hạt tươi có giá khoảng  6 đô la Australia, tương đương khoảng 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội, chi phí sản xuất ra 1 kg hạt mắc ca là dưới 25.000 đồng/kg.

Không chỉ mang hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu, mắc ca còn là cây lâm nghiệp có thể giải quyết nhiều vấn đề môi trường, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; giúp củng cố an ninh – quốc phòng vùng đồi núi biên giới.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những nền tảng của ngành hàng mắc ca đã được chuẩn bị cho tới thời điểm này?

Ông Huỳnh Ngọc Huy: Về mặt pháp lý, tháng 11/2018, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư công nhận mắc ca là 1 trong 20 loài cây trồng lâm nghiệp chính của Việt Nam. Cho tới nay, công suất sản xuất giống mắc ca đã đạt khoảng 2,5 triệu cây giống chuẩn và có thể tăng lên.

Hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành hơn 60 cuộc hội nghị tập huấn cho 23 tỉnh với khoảng 9.000 lượt hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia. Lãnh đạo nhiều  địa phương đã nhìn thấy hiệu quả của cây mắc ca và người dân cũng không còn nghi ngại mà có niềm tin vào loại cây này.

Về nguồn vốn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã ban hành gói tín dụng cho vay đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh mắc ca, đến năm 2020 Ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay đối với hơn 50 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh với tổng giá trị dư nợ 420 tỷ đồng. Nhiều mô hình doanh nghiệp, người dân đã đạt được kết quả rất tốt nhờ trồng mắc ca, từ đó khẳng định phát triển mắc ca không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo, mà còn giúp các hộ nông dân trở nên giàu có.

Chúng ta đã chuẩn bị trong nhiều năm qua và đây là thời điểm để cất cánh.

Tại sao cây mắc ca “hay” như vậy mà các nước chưa phát triển mạnh? Và ông nghĩ sao về những “bài học xương máu” khi nhiều loại nông sản của Việt Nam phát triển ồ ạt dẫn tới nhiều hệ lụy, có những loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới nhưng lại chưa có được giá trị gia tăng cao như kỳ vọng?

Ông Huỳnh Ngọc Huy: Đúng là có những “vết xe đổ” với nhiều mặt hàng nông sản, nhưng theo chúng tôi, làm được hay không, thành công hay thất bại là do cách làm.  

'Chúng tôi coi đây là một sứ mệnh để "chiến đấu" đến cùng, không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn vì trách nhiệm xã hội'
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 

Ngoài điều kiện tự nhiên do thiên nhiên ưu đãi, một điều quan trọng là việc phát triển cây mắc ca phù hợp với hạ tầng logistic của Việt Nam hiện nay, với đặc điểm là hạt quả khô thu hoạch nhẹ nhàng, dễ chế biến và sơ chế, bảo quản, dễ vận chuyển… Chúng tôi đã hỏi và người Úc cho biết, họ kiểm soát chặt chẽ việc tăng sản lượng mắc ca của họ mỗi năm chứ không tăng nhiều, bởi vì với các điều kiện của quốc gia này, nhất là về logistics, họ có thể trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn.

Như đã nói, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thị trường. Với người nông dân Việt Nam thì trồng trọt không phải là vấn đề, nhưng bài toán là làm sao phải bán được sản phẩm với giá cao.

Quy mô ngành hàng mắc ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để chúng ta đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác. Định hướng là mắc ca hữu cơ, bán với giá cao, hướng tới xuất khẩu, trước hết là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Đông… Muốn vậy, phải có chiến lược về vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, dòng sản phẩm, điều tiết giá cả… để xây dựng thương hiệu mắc ca Việt Nam.

Đúng là hiếm có một loại cây trồng nào như mắc ca, có hẳn một ngân hàng đi kèm cho vay vốn với hàng loạt chính sách ưu đãi, điều kiện khá thuận lợi để người dân có vốn đầu tư. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho vay vốn trong vòng 15 năm và chỉ bắt đầu thu hồi vốn khi cây mắc ca được 5 tuổi, tức là tới khi có thu hoạch. Hiệp hội cũng dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương soạn thảo một chiến lược về thị trường.

Hiệp hội Mắc ca cũng xây dựng chính sách bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ việc bình ổn giá đối với thị trường mắc ca trong nước, đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới. Vừa qua, trong bối cảnh dịch COVID-19, đã xuất hiện tình trạng ép giá người trồng mắc ca, chúng tôi cho các doanh nghiệp vay 7 tỷ đồng để thu mua bình ổn giá thì tình trạng đó chấm dứt ngay. Giá rớt không phải do thị trường rớt, mà là do tranh mua tranh bán, có người ép giá.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, kết quả khảo sát của Viện Điều tra, quy hoạch rừng năm 2015 cho thấy Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để gây trồng mắc ca với hơn 1 triệu ha đất có khả năng gây trồng (xét trên cả 2 yếu tố khí hậu và đất đai), trong đó có khoảng 358.000 ha là rất thích hợp, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên (338.000 ha).

“Nghiên cứu cây mắc ca tai Việt Nam trong thời gian vừa qua đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ, góp phần không nhỏ nâng cao năng suất và chât lượng cho phát triển và mở rộng diện tích trồng Mắc ca ở nước ta trong thời gian qua. Tây Bắc và Tây Nguyên là hai vùng khí hậu đặc biệt thuận lợi cho cây mắc ca sinh trưởng và cho năng suất cao”, ông Kiên cho biết.

Về giống, đến nay đã có 13 giống mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận để phát triển vào sản xuất. Trong đó, có 3 giống quốc gia, 10 giống tiến bộ kỹ thuật.

Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thành công kỹ thuật ghép, biện pháp thâm canh và gây trồng cho mắc ca tại Việt Nam. Về kỹ thuật trồng, đã nghiên cứu tương đối toàn diện về kỹ thuật gây trồng, phân bón, chế độ tưới nước, phương pháp cắt tỉa cành, tạo tán trong vườn quả và đã ban hành được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn quả để áp dụng vào trong thực tiễn. 

Quan điểm của chúng tôi là các doanh nghiệp chỉ nên chiếm khoảng 30% vùng nguyên liệu, nhưng là đầu tàu để người dân canh tác theo tiêu chuẩn, còn doanh nghiệp giữ khâu chế biến và tiêu thụ. Nếu để người nông dân bơ vơ thì rất khó làm lâu dài, bài bản.

Quản lý theo chuỗi, thúc đẩy cạnh tranh để phát triển

Ông cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, liệu có rủi ro nào cho Liên Việt khi “đi kèm” cùng loại cây trồng này? 

Ông Huỳnh Ngọc Huy:  Nếu làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì đúng là ném tiền qua cửa sổ, nhưng chúng tôi coi đây là một sứ mệnh để "chiến đấu" đến cùng, không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn vì trách nhiệm xã hội. Trước mắt, chúng tôi chưa đặt cao mục tiêu lợi nhuận, tất nhiên vẫn phải bảo toàn được vốn. Mục đích là tạo một công cụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp phát triển cây mắc ca.

Như đã nói, chúng tôi sẽ quản lý theo chuỗi, theo chuẩn, từ giống cho tới chăm sóc, chế biến, tiêu thụ, công nghiệp phụ trợ…, đầu ra của khâu này sẽ là đầu vào của khâu kia. Quan điểm của tôi là nuôi dưỡng nguồn thu, khi người nông dân và doanh nghiệp mạnh lên thì họ sẽ là khách hàng trung thành, là nguồn thu của mình.

Chúng tôi dự kiến mục tiêu cụ thể cho 10 năm tới là doanh thu đạt 1 tỷ USD, nhưng điều này phụ thuộc vào sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các bên liên quan, còn nếu cứ “bình bình” thì có lẽ sẽ chỉ ở mức khoảng 500 đến 600 triệu USD.

Khi thấy cơ hội, nhiều người dân và doanh nghiệp sẽ tự phát tham gia vào ngành hàng này mà không theo các chuẩn của Hiệp hội?

Sẽ có những phân khúc thị trường khác nhau, phân khúc của các doanh nghiệp làm ăn bài bản và phân khúc khác. Chúng ta không cấm được việc nông dân và các doanh nghiệp tham gia thị trường. Phải chấp nhận cạnh tranh và thực ra nếu như thế cũng là điều tốt. Quan điểm của chúng tôi là bất kỳ ai muốn trồng mắc ca cũng hỗ trợ, không phân biệt, tất nhiên đã nhận hỗ trợ thì phải theo chuẩn và tham gia là thành viên của Hiệp hội Mắc ca.

Bên cạnh những thuận lợi, Hiệp hội Mắc ca nhìn nhận như thế nào về những khó khăn trong việc phát triển ngành hàng này? Ông có kỳ vọng gì ở Hội nghị sắp tới?

Ngoài vấn đề lớn nhất vẫn là thị trường, thì một khó khăn là về đất đai, rất cần các cơ chế và chính sách để giải quyết.

Thứ hai là vấn đề vốn, với kỳ vọng xây dựng mô hình ngân hàng đi cùng một loại cây chủ lực, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ cung cấp vốn để các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến, cung cấp vốn lưu động để thu mua hạt mắc ca nhằm mục đích bình ổn giá, tiêu thụ hết lượng mắc ca cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất ra. Tuy nhiên, hiện quy mô thị trường còn nhỏ thì một ngân hàng như Bưu điện Liên Việt có thể bình ổn được, nhưng sau 5 đến 10 năm nữa, khi quy mô thị trường lớn hơn, sẽ cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống ngân hàng.

Vừa qua, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ ngành hàng mắc ca rất nhiều. Chúng tôi kỳ vọng sau Hội nghị này, ngành sẽ bứt phá, tăng tốc phát triển khi đã chuẩn bị khá đầy đủ, đưa cây mắc ca thành một cây chiến lược giúp vừa xóa đói giảm nghèo vừa làm giàu. Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo những quyết sách quyết liệt, đồng bộ hơn về đất đai, vốn… và cũng mong muốn lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương sẽ nhìn nhận vấn đề rõ hơn để đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong phát triển cây mắc ca.

Những lợi ích gì người dân được hưởng khi tham gia Hiệp hội để trồng mắc ca?

Ông Huỳnh Ngọc Huy: Với những khu vực ở vùng Tây Bắc mà Liên Việt Group đầu tư trồng cây mắc ca, sau 3 năm, bản làng ở đó thay đổi rất nhanh, người dân đi làm cho Công ty và có thu nhập khoảng sáu đến bảy triệu đồng/tháng. Những người làm khoán ở vườn ươm cây giống có thể thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau khi trồng cây được 6 tháng sẽ chia khoán cho dân, mỗi người phụ trách, theo dõi từ 1.500-2.000 cây, ngoài mức lương chính, khi thu hoạch có thể được công ty chia lợi nhuận đến 6% doanh thu. Ngoài ra, người dân còn có thể học hỏi kỹ thuật trồng, tích lũy tài chính để tự trồng cây mắc ca trên những vùng đất của mình. Khi có thu hoạch, Công ty sẽ thu mua và chế biến, như vậy sẽ tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn để công ty có thể xây dựng nhà máy chế biến.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, nhu cầu về nhân hạt mắc ca trên thế giới đang gia tăng hằng năm và giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới trong 10 năm qua liên tục tăng. Tuy vậy, sản lượng mắc ca mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới, điều này cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường cho hạt mắc ca còn rất lớn.

Hiện nay các tổ chức như Ủy ban nghiên cứu phát triển mắc ca thế giới (IMSC), Hiệp hội Mắc ca Autralia, …đã và đang thực hiện các chiến lược quảng bá để thúc đẩy thị trường tiêu thụ mắc ca trên toàn thế giới, mục tiêu đến năm 2025 sản lượng nhân mắc ca sẽ chiếm 5% thị phần các loại hạt trên thế giới (khoảng 220.000 tấn).

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, theo tổng hợp từ các địa phương, hiện cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với hơn 10.000 hộ trồng, với tổng diện tích 16.553,8 ha. Năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt tươi/ha; sản lượng ước đạt đạt khoảng 6.570 tấn hạt tươi/năm. Giá bán hạt mắc ca tại vườn khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng/kg hạt tươi.

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thông qua quy hoạch phát triển mắc ca ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo đó diện tích gây trồng mắc ca đến năm 2020 là khoảng 10.000 ha và đến năm 2030 là khoảng 35.000 ha, trong đó chủ yếu là trồng theo hình thức xen canh với các cây công nghiệp khác như chè, cà phê, tiêu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng phát triển ít nhất 200.000 ha và đạt sản lượng khoảng 600.000 tấn hạt mắc ca nguyên vỏ.
 
Hà Chính - Đỗ Hương/chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại1,016,695
  • Tổng lượt truy cập92,190,424
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây