Ớt là cây trồng khá phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình trồng do thời tiết, khí hậu khiến cây ớt dễ mắc phải một số loại bệnh phổ biến. Nếu không biết cách chữa trị sẽ khiến cho năng suất giảm, màu sắc mẫu mã trái không được tốt.
Dưới đây là những bệnh phổ biến trên cây ớt thường gặp và cách chữa trị để giúp cho ớt cho năng suất cao, trái đẹp và an toàn...
Bệnh chết cây con
Nguyên nhân do nhiều loại nấm sinh sống và gây hại trong đất như Rhizoctonia solani, Pythium, Fusarium, Phytophthora spp.
Triệu chứng: Bệnh xảy ra trong giai đoạn cây con, triệu chứng dễ nhận diện do phần thân cây tiếp giáp với mặt đất bị thối khô có màu nâu đen, cây bị bệnh không đứng thẳng mà ngã sang một bên, lá rũ, cây còi cọc và chết. Bệnh chết cây con thường thấy khi ẩm độ và nhiệt độ cao. Bệnh thường xuất hiện khi gieo quá dày, tưới nước quá nhiều nhất là khi gieo hạt mùa mưa mà không có giàn che.
Phòng trừ:
- Không lập vườn nơi quá ẩm ướt không thoát nước tốt hay vườn tối, không đủ ánh sáng, nên làm giàn có mái che.
- Đất vườn ươm phải xử lý trước khi gieo như xử lý vôi, đốt rơm rạ, phơi nắng trước khi trồng…
- Bón phân hữu cơ đã hoai mục, hạn chế bón nhiều phân hóa học nhất là đạm.
- Luân canh với các cây trồng khác họ cà (cà, ớt, khoai tây) để diệt nguồn bệnh.
- Xử lý hạt giống trước khi gieo: trộn 10 gr thuốc Carbenzim 50WP trong 1 kg hạt giống hay ngâm hạt vào dung dịch nước thuốc với nồng độ 0,1% (pha 1 gr thuốc/1 lít nước) trong 1 - 2 giờ.
- Phun thuốc hoá học: Khi thấy cây chớm bệnh phải phun thuốc trừ bệnh ngay, có thể sử dụng các loại thuốc sau: Carbendazim 500 FL, Mexyl MZ 72WP, Alpine 80WP. Nếu cây nhiễm bệnh nặng 5 - 7 ngày phun một lần.
Bệnh đốm lá (đốm mắt cua)
Nguyên nhân do nấm Cercospora capsici.
Triệu chứng: Đốm bệnh trên lá có dạng đặc trưng hình tròn, viền nâu đậm, tâm màu xám nhạt, bệnh xuất hiện rải rác, nếu nặng vết bệnh lan rộng, liên kết lại khiến lá cháy thành từng mảng lớn, khô và rụng. Ngoài lá vết bệnh còn thấy xuất hiện trên thân, cuống hoa. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng, ẩm, nhiệt độ càng cao, lây nhiễm càng nhanh, đất ẩm, trời nhiều sương mù thuận lợi cho bệnh phát triển. Trên ruộng, bệnh có thể phát hiện được sau khi nhiễm 2 - 3 ngày. Bệnh thường gặp trên các cây ớt già, cây giai đoạn bén rễ hồi xanh. Cây ớt mạnh khỏe ít bị bệnh.
Phòng trừ:
- Thu dọn và tiêu hủy tàn dư thực vật sau thu hoạch, cày lật đất sớm (do nầm có thể tồn tại trong đất và tàn dư thực vật trong cây bệnh).
- Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục nhất là phân lân và kali để cây khoẻ.
- Ngắt bỏ lá bệnh (vì bào tử sẽ hình thành trên nấm bệnh sau 5 - 7 ngày).
- Luân canh với cây khác họ cà (như nói trên).
- Dùng hạt giống sạch bệnh.
- Nếu có thể nên tưới vào buổi sáng để lá khô nhanh, can chú ý hạn chế thời gian ẩm của lá.
- Phun thuốc hoá học: Có thể dùng các loại thuốc đặc trị như Alpine 80WP, Mexyl MZ 72WP, Dipomate 80WP. Bệnh nặng phun 5 - 7 ngày/lần.
Theo Ths Huỳnh Kim Ngọc/nongnghiep.vn