Chăm sóc lợn nái khi đang mang con. (Ảnh: Hồng Liên)
Chuẩn bị cho lợn nái đẻ và lợn con sơ sinh
Để giảm mọi rủi ro có thể xảy ra đối với lợn nái trong quá trình đẻ, sau đẻ cũng như lợn con sơ sinh, cần làm tốt khâu chuẩn bị. Các công việc cụ thể cần được thực hiện theo một trình tự nhất định và cụ thể như sau:
- Vệ sinh ô chuồng lợn nái đẻ: Phân và nước thải chăn nuôi trong ô chuồng nuôi lợn chứa nhiều trứng giun, sán, ghẻ, các loại vi khuẩn, virut. Để giảm nguy cơ lợn con sơ sinh bị nhiễm bệnh, chuồng cho lợn nái đến đẻ cần phải được vệ sinh và tẩy uế trước từ 3-5 ngày.
Trước hết hãy dọn phân, rác hữu cơ, sau đó phun nước và cọ rửa sạch nền chuồng, thành chuồng, máng ăn, máng uống của lợn, để khô và sau đó tẩy uế chuồng.
Tẩy uế chuồng có thể phun bằng một trong số các chất khử trùng có bán trên thị trường hoặc có thể khử trùng chuồng bằng cách vẩy nước vôi loãng nồng độ 20% (2kg vôi tôi hòa trong 10 lít nước) lên nền chuồng, thành chuồng, máng ăn, máng uống. Để trống 2-5 ngày, sau đó xả nước rửa lại chuồng, khi nào khô ráo mới cho lợn nái vào đẻ. Dùng chổi quét sạch các mạng nhện và bụi trong chuồng.
Tuy nhiên trong thực tế tiến hành công việc này không được thuận lợi đối với chăn nuôi quy mô nhỏ 1-2 lợn nái (vì không có ô chuồng dự trữ). Nếu làm khâu này không tốt sẽ có những tác động gây thiệt hại trực tiếp đến hậu quả chăn nuôi lợn nái.
- Vệ sinh cơ thể lợn nái:
Khi lợn nái có các biểu hiện sau: âm hộ xệ, lợn đứng nằm không yên, đái dắt, có thể chảy sữa, cắn ổ, lúc này nên tắm cho lợn nái (nếu là mùa hè, thu), nếu mùa đông thì dùng khăn ướt lau sạch bầu vú và xung quanh âm hộ lợn nái.
- Chuẩn bị chất độn chuồng:
Có thể dùng rơm, rạ khô, cỏ khô, quần áo cũ…nhưng phải khô, sạch và không bị mủn nát.
- Chuẩn bị cho lợn con sơ sinh:
+ Chuẩn bị ô úm lợn con (kích thước, vật liệu xem ở phần chuồng trại). Vật liệu lót chuồng trong ô úm lợn con: rơm,rạ, cỏ khô cần được cắt ngắn, bao tải, quần áo cũ đảm bảo sạch, khô, mềm và không bị mủn nát.
+ Chuẩn bị dụng cụ sưởi ấm: bóng đèn hồng ngoại 250W hoặc bóng điện 100W, hoặc bếp sưởi sử dụng gas từ hệ thống Bioga, hoặc củi, hoặc trấu tùy thuộc vào điều kiện từng hộ, từng trại để sưởi cho lợn con khi cần thiết.
+ Chuẩn bị dụng cụ trực đẻ bao gồm: 1 tấm vải màn xô hoặc giẻ mềm khô sạch khoảng 0,5m để lau khô lợn con, 1 cái kìm chuyên dùng bấm nanh lợn hoặc cái bấm móng tay loại to để bấm nanh lợn con, 1 lọ cồn tốt 2,5% để sát trùng dao, kéo và cuống rốn, 1 cái kéo để cắt rốn khi cần, 1 cuộn chỉ để buộc rốn, thuốc oxytocin và kim tiêm phòng khi cần can thiệp lợn đẻ khó là có ngay.
Hộ lý lợn đẻ
* Hộ lý lợn nái đẻ thường.
- Thông thường 15-20 phút lợn mẹ lại rặn đẻ được 1 lợn con. Do đó một cuộc đẻ của lợn nái kéo dài khoảng 2-3 giờ, song cũng có những lợn nái đẻ kéo dài 4-5 giờ. Trong quá trình lợn đẻ, ô chuồng cần hạn chế ánh sáng và giữ yên tĩnh, mùa đông che chắn tốt, mùa hè thoáng mát.
- Lau khô lợn con: Trước hết dùng ngón tay trỏ quấn vào vải xô mềm lấy hết dịch ở mũi, tiếp đến ở miệng, sau đó lau khô đầu rồi đến mình lợn, xong rồi cho lợn vào ô úm hoặc thúng đã có lót sẵn chất độn.
- Bấm răng nanh: Lợn con sơ sinh đã có 8 răng nanh cứng và nhọn, cần phải bấm răng nanh ngay sau khi đẻ ra để lợn con khi bú không gây chấn thương vú lợn mẹ. Bấm răng nanh bằng kìm bấm nanh chuyên dụng hoặc cái bấm móng tay loại to. Số nanh lợn cần bấm tất cả là 8 cái. Cách bấm răng nanh: đặt kìm hoặc cái bấm móng tay định vị tại điểm giữa của chiều dài răng nanh và bấm dứt khoát chỉ một nhát, không bấm nhiều lần vì dễ gây vỡ răng và tổn thương lợi. Nếu bấm nhanh quá nông (phần chừa lại nhiều hơn 1/2 độ dài răng nanh) thì răng vẫn còn nhọn và dễ gây tổn thương vú lợn mẹ, nếu bấm nanh quá sâu (bấm sát lợi) thì dễ bị tạo ổ mủ (áp xe) gây nhiễm trùng.
- Cắt rốn cho lợn con: Chỉ cắt rốn đối với những lợn con có rốn quá dài. Dùng kéo hoặc dao lam đã sát trùng bằng cồn iốt chấm lên chỗ cắt để phòng nhiễm trùng rốn.
Lợn nái đẻ khó có thể do một số nguyên nhân như: Xương chậu lợn nái hẹp nhưng lợn con lại to (trường hợp lợn chửa rất ít con), ngang thai (thai nằm ngang không thuận ngôi), lợn mẹ bị bệnh trong quá trình mang thai và quá yếu sức khi đẻ,..Các biểu hiện khi lợn nái đẻ khó: Lợn nái rặn đẻ nhiều lần và chảy nước ối, thường co một chân sau nhưng không đẻ được hoặc lợn nái đã đẻ được một số con rồi nhưng ngưng đẻ trong khoảng thời gian từ 1 giờ trở lên. Khi gặp một trong hai trường hợp trên thì phải cần đến sự trợ giúp. Điều cấm không được làm đó là vội vàng sử dụng ngay thuốc kích thích đẻ (thuốc oxytocin) trong khi chưa tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân gây đẻ khó là gì?
Cách kiểm tra xác định nguyên nhân gây khó đẻ như sau: Cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng, sau đó thoa nhẹ lên tay một ít vadơlin. Chụm thẳng 5 đầu ngón tay, nhẹ nhàng đưa vào qua âm hộ theo nhịp rặn đẻ. Nếu thai nằm ngang thì dùng các đầu ngón tay lần tìm ngôi đầu lợn con, nhẹ nhàng xoay hướng theo ngôi thuận và lôi từ từ ra ngoài theo nhịp rặn đẻ. Nếu xác định không phải thai nằm ngang thì lúc đó mới tiêm thuốc kích thích đẻ (oxytocin) cho lợn nái. Liều tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và có thể kết hợp tiêm thuốc trợ lực B1.
Xử lý lợn nái đẻ bọc và bị ngạt:
Nếu lợn con đẻ bọc thì phải xé bọc ngay, trường hợp lợn không bị ngạt thì ngay sau khi xé bọc tiến hành các thao tác hộ lý tiếp theo như lợn con đẻ thường. Lợn con đẻ ra bị ngạt thì tiến hành ngay hô hấp nhân tạo bằng cách thổi hơi vào mồm và day ở phần ngực. Nếu làm như trên rồi mà lợn vẫn chưa tỉnh thì thả lợn chìm trong chậu nước ấm khoảng 35̊C trong thời gian 5-10 phút rồi đem ra hô hấp nhân tạo, một số trường hợp có thể cứu được lợn con.
Theo danviet.vn