Học tập đạo đức HCM

Chủ tịch huyện và chuyện bền gan theo đuổi mắc ca

Thứ hai - 06/04/2015 20:47
Từ trăn trở về việc phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Trần Đình Mạnh, từ lúc còn ở vị trí Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, Đăk Nông (nay là Bí thư Huyện ủy Tuy Đức) đã thành lập nhóm nghiên cứu và đưa cây mắc ca về trồng. Dù bị tỉnh nhắc nhở đến 2 lần, ông vẫn vững tin vào việc mình làm.
Bỏ tiền túi nghiên cứu mắc ca

Nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Tuy Đức là huyện nghèo nhất của tỉnh Đăk Nông. Không chỉ giao thông khó khăn mà khí hậu, thổ nhưỡng ở đây chẳng ưu đãi con người. Sau khi tách ra từ huyện Đăk R’Lấp (năm 2007), Tuy Đức vẫn chưa định hình được hướng đi nào để đưa người dân thoát nghèo. Đấy chính là những trăn trở rất lớn của các cán bộ huyện này.

Ở năm thứ 4, mắc ca của ông Trương Đình Hưởng (thôn 4, xã Đăk Búp So, Tuy Đức, Đăk Nông) đã cao khoảng 4 mét và bắt đầu cho quả.

“Phải tìm một loại cây gì đó chịu được hạn, sống được ở độ cao hơn 700m so với mặt nước biển, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với trình độ canh tác cũng như điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ dấu hỏi lớn đó, chúng tôi đã mày mò tìm kiếm thông tin và cuối cùng nhận thấy cây mắc ca là phù hợp hơn cả nên quyết định bắt tay vào làm”- Bí thư Huyện ủy Tuy Đức cho chúng tôi biết về lý do ông đã đưa mắc ca về trồng.

 

Đấy là năm 2010, khi đang ở vị trí Chủ tịch UBND huyện, ông Mạnh đã đứng ra vận động một số người có chuyên về đất đai, nông nghiệp để thành lập nhóm nghiên cứu phát triển cây mắc ca. Đó là các ông Đoàn Lê Anh – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện (nay là Trưởng phòng Dân tộc huyện), ông Đặng Văn Cương - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông Nguyễn Thành Tuân - Chủ tịch UBND xã Đăk R’Tik (nay là Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Tuy Đức)… Thành lập nhóm, không đề ra nguyên tắc nhiêu khê, nhưng những người trong nhóm đều có chung một quyết tâm là tìm cách xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Bí thư Mạnh nhớ lại: “Chúng tôi đều tự nguyện góp công, và bỏ tiền túi của mình để nghiên cứu cây mắc ca. Sau khi được sự tư vấn của các chuyên gia, chúng tôi vận động bà con tham gia trồng. Công việc của chúng tôi là theo dõi một cách kỹ lưỡng sự phát triển của loại cây này”.

Sau khi thấy mắc ca có thể phát triển được ở Tuy Đức, để có cơ sở vững chắc hơn, ông Mạnh đã đứng ra vận động một doanh nghiệp tài trợ tiền để tổ chức một cuộc hội thảo tại huyện. Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Hoàng Hòe – nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nay là Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học Công nghệ Việt Nam. Các đại diện đến từ Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Tây Nguyên, Đại học Trảng Bom, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên… cũng được mời đến dự và phát biểu. Sau hội thảo, huyện đã tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình trồng mắc ca ở Đăk Lăk, Lâm Đồng.

“Đáng mừng nhất là có một doanh nghiệp hứa sẽ cung cấp giống mắc ca cho dân, đồng thời cam kết bằng văn bản là nếu sau này cây không ra hoa, đậu trái thì sẽ không lấy tiền. Chính vì thế mà nhóm của chúng tôi đã mạnh dạn vận động nông dân tham gia trồng cây mắc ca”- ông Mạnh nói.

Hai lần bị nhắc nhở, vẫn quyết làm

Vốn trước đó, ông Mạnh đã có nhiều quyết đoán và mang về nhiều dự án có hiệu quả cho nông dân, nên sau khi vận động nông dân trồng mắc ca, ông Mạnh đã được rất nhiều nông dân ủng hộ. Thế nên, chẳng lâu sau, Tuy Đức đã có hàng trăm ha mắc ca được trồng.

Tưởng như đây là chuyện vui cho ông, nhưng liền sau sự việc đó, ông Mạnh đã bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở. Lý do của việc này là bởi trên thực tế Việt Nam, hiệu quả của cây mắc ca chưa được công nhận, chỉ mới đưa và khảo nghiệm. Tỉnh Đăk Nông cũng chưa có quy hoạch mà ông Mạnh đã dám triển khai đưa ra trồng đại trà. Nhưng ông chủ tịch huyện lúc đó thì nghĩ khác: “Nếu không đột phá, cứ chờ thì chẳng biết bao giờ dân mới thoát nghèo. Hơn nữa lúc đó đã có doanh nghiệp cam kết bảo đảm, nếu thất bại, người dân cùng lắm chỉ tốn công, chứ chẳng phải chịu thiệt hại gì (vì giống đã được tặng) nên chúng tôi mới dám mạnh tay”- ông Mạnh tâm sự.

Nghĩ vậy nên, ông Mạnh lúc đó cùng nhóm của mình vẫn quyết định đi tiếp. Và cũng vì thế, ông lại tiếp tục bị nhắc nhở lần thứ hai. “Thực ra, tỉnh nhắc nhở theo hướng xây dựng, cảnh báo cần phải thận trọng, nhưng điều đó đã khiến tôi bắt đầu thấy lo. Do vậy, tôi đã gọi điện cho chuyên gia Nguyễn Lân Hùng. Anh Hùng đã động viên và đã nói như đinh đóng cột là nhất định dự án mắc ca sẽ thành công. Tiếp đó, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (lúc ông còn sống), đã vào thăm và động viên, nên chúng tôi đã vững tin mà đi tiếp”- ông Mạnh kể tiếp. Cái lo của những người lãnh đạo đầu tiên và thường trực là mắc ca trên đất Tuy Đức có ra hoa, có đậu quả hay không?


Bằng quyết tâm, nhóm của ông Mạnh có được những thành công ban đầu khi cây mắc ca ra hoa, đậu trái.

Và rồi, cái ngày giải tỏa nỗi lo ấy cũng đến. Sau gần 3 năm chờ đợi, những bông hoa đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện trên những cây mắc ca (sớm hơn nhiều so với lý thuyết và kinh nghiệm trồng mắc ca ở Úc là năm thứ 6). Vui mừng hơn, mắc ca ở Tuy Đức lại ra hoa đến 2 lần trong năm chứ không như ở các nơi khác chỉ có một lần. Đến mùa hoa năm sau, thì những cây mắc ca ấy bắt đầu đậu quả. Đầu năm 2015, chúng tôi  - những người viết bài này - đã đến thăm một số vườn mắc ca ở Tuy Đức và tận mắt chứng kiến những chùm quả và hoa mắc ca đang treo lủng lẳng trên cây chỉ từ 3-4 tuổi.

Đây có lẽ là món quà quý giá đầu tiên cho những ngày vất vả mà ông Mạnh và những người trong nhóm đã trải qua. Trong lần gặp gỡ này, ông Mạnh đã nói với chúng tôi rất nhiều về cây mắc ca. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là một vị lãnh đạo huyện như ông, không chỉ có tâm huyết, mà còn tích hợp rất nhiều kiến thức và hiểu được “tâm tính” của từng dòng giống mắc ca như một chuyên gia thực thụ. Ông nói: “Mắc ca có loại khoe trái, có loại giấu trái, loại rụng quả, loại lại không rụng quả… Phải hiểu được những đặc tính này của từng dòng để tùy vào điều kiện thời tiết, thực tế sản xuất mà có lựa chọn phù hợp, mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất”.

Tuy đã bắt đầu có những kết quả nhất định, nhưng với việc phát triển cây mắc ca tại huyện nhà, ông Mạnh vẫn tỏ ra lo lắng, bởi không như ở các tỉnh khác, nông dân trồng mắc ca ở Tuy Đức hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ trình độ sản xuất lạc hậu, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. “Để có thể phát triển được 14.000 ha mắc ca, người dân cần được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật. Đặc biệt, các ngành chức năng cần phải giúp nông dân lựa chọn nguồn giống tốt nhất để đưa vào sản xuất” – Bí thư Huyện ủy Tuy Đức nêu kiến nghị.

Về tương lai đầu ra cho những diện tích mắc ca ở Tuy Đức, ông Trần Đình Mạnh cho biết, đã có một doanh nghiệp về mắc ca đóng trụ sở tại địa phương cam kết sẽ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. 
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập228
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại220,843
  • Tổng lượt truy cập90,284,236
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây