Cụ thể, trong hai tuần qua (từ 2/4-15/4) 5 tỉnh bao gồm: Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Giang, Bình Thuận và Bến Tre có ổ dịch cũ đều đã qua 21 ngày; các địa phương này đã công bố hết dịch và trên cả nước không có ổ dịch mới phát sinh.
Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm vừa diễn ra chiều nay (15/4,) tại Hà Nội, ông Đàm Xuân Thành-Phó Cục trưởng Cục Thú Y cho biết, các ổ dịch từ đầu năm tới nay xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời, đến nay đã khống chế thành công dịch.
Tuy nhiên, Phó Cục Trưởng Đàm Xuân Thành vẫn khuyến cáo: “Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan vẫn rất cao nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Do đó, các địa phương cần lưu ý theo dõi những khuyến cáo mới nhất của Cục Thú Y về lưu hành chủng virus cúm gia cầm trên địa bàn và hiệu lực các loại vắcxin để tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả cao nhất.”
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ban chỉ đạo Quốc gia cũng cho biết, về tình hình dịch lở mồm long móng, trong hai tuần qua, tỉnh Nghệ An có báo cáo ổ dịch mới phát sinh. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 4 ổ dịch lở mồm long móng tại ba tỉnh Quảng Trị, Sơn La và Nghệ An. Tổng số đàn gia súc mắc bệnh là 131 con, số gia súc bị chết và tiêu hủy là 4 con.
Cục Thú Y đang giám sát chặt các ổ dịch trên địa bàn 3 tỉnh này. Nhận định về tình hình dịch bệnh, Cục Thú Y cho biết, trong thời gian tới dịch có thể vẫn tiếp tục xuất hiện tại các tỉnh có ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao.
“Bên cạnh virus tuýp O, virus lở mồm long móng tuýp A có thể gây dịch trên diện rộng nếu hoạt động nhập lậu gia súc không được kiểm soát và các địa phương không quản lý được số gia súc đã nhiễm tuýp A, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Hồng là nơi có mật độ gia súc lớn và không bị mắc tuýp A trong nhiều năm qua,” ông Đàm Xuân Thành nhấn mạnh.
Qua đó, Ban chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa cần công bố dịch nếu có dịch xuất hiện trên địa bàn các huyện, xã có ổ dịch; phải tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm xác định tuýp virus gây bệnh để có hướng sử dụng vắcxin phù hợp; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, lập các chốt kiểm dịch để quản lý chặt chẽ các ổ dịch, không vận chuyển gia súc và sản phẩm của gia súc mắc bệnh ra ngoài ổ dịch./.
Kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy, chưa phát hiện virus H7N9 trên các mẫu xét nghiệm tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo Quốc gia tiếp tục triển khai chương trình giám sát virus cúm H7N9 do FAO (Tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc) tài trợ cho đến hết tháng 4/2014 và tăng cường năng lực xét nghiệm H7N9 cho tất cả các Cơ quan Thú y vùng.