Theo Cục Chăn nuôi, tính đến năm 2017, chỉ tính các quy mô nuôi tập trung, cả nước đã có trên 2,5 triệu con trâu, 5,5 triệu con bò, trên 28 triệu con lợn và 341 triệu gia cầm. Ước mỗi năm, lượng gia súc, gia cầm này thải ra tổng cộng trên 85 triệu tấn chất thải rắn (chưa kể lượng chất thải lỏng). Tuy nhiên, ước tính mới chỉ có khoảng 20% lượng chất thải này được khai thác và sử dụng hiệu quả vào các mục đích như phân bón, khí sinh học, thức ăn cho cá. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là tình trạng thoái hóa đất do sử dụng phân bón vô cơ kéo dài vô tội vạ hiện nay đang trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Trong khi đó, hiện mới chỉ có khoảng 24% (trong tổng số 735 doanh nghiệp phân bón) là sản xuất phân hữu cơ, chỉ chiếm 8,5% tổng lượng phân bón cả nước. Lượng phân bón vô cơ phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước hiện cũng tăng lên chóng mặt…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Hoàng Văn Thức kiến nghị, thời gian tới cần quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xoá bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực. Quy định chặt chẽ về quy trình thủ tục, yêu cầu kỹ thuật lưu giữ, quản lý và xử lý nhằm tái chế chất thải chăn nuôi thành thức ăn thủy sản hoặc phân bón; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường riêng cho lĩnh vực chăn nuôi.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, TS. Bùi Thế Cử: phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ không có đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường. Trong khi đó, ngân sách nhà nước của tỉnh còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động bảo vệ môi trường. Ông kiến nghị Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với từng quy mô chăn nuôi. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, chế biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, hiện nay Chính phủ giao cho Bộ xây dựng dự án Luật Chăn nuôi và trồng trọt để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp tới vào tháng 5/2018. Hội thảo là dịp để Bộ NN&PTNT ghi nhận ý kiến đóng góp, giúp xây dựng chính sách để công tác quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả hơn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng đề nghị sau buổi Hội thảo, dựa trên báo cáo và tham luận của đại biểu, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp lại những kiến nghị trình Uỷ ban Thường vụ xem xét để kịp thời gửi Chính phủ nhằm chỉnh sửa, tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp. Ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết, trong phiên họp thường vụ vào tháng 4/2018 Ủy ban Thường vụ dự kiến tổ chức phiên giải trình về vấn đề liên quan đến chất thải trong đó có chất thải chăn nuôi. Từ đó, sẽ đưa ra những giải pháp tháo gỡ hiệu quả chất thải chăn nuôi để vừa bảo vệ tốt môi trường, vừa đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn: nguoichannuoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;