Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) dự và chỉ đạo đại hội. Dự đại hội còn có đồng chí Nguyễn Nhân Chiến - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
Trong 5 năm qua (2013-2018), các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho vay vốn, tư vấn, dạy nghề…, giúp ND phát triển sản xuất, xây dựng đời sống ngày càng ổn định.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân
Năm 2016, Hợp tác xã Nuôi thỏ Việt - Nhật xã Phú Hòa (Lương Tài) được thành lập nhằm liên kết các hộ nuôi thỏ tạo thành vùng sản xuất thỏ tập trung. Hiện HTX có 10 thành viên nuôi thỏ. Giống thỏ mà HTX lựa chọn nuôi là thỏ New Zealand. Đáng chú ý, nhờ ký kết hợp đồng chặt chẽ với Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản, mỗi tháng HTX xuất bán 2.000 con thỏ thương phẩm với giá 178.000 đồng/con. Thu nhập các thành viên trong HTX hộ thấp nhất là 100 triệu đồng/năm, hộ cao nhất đạt 500 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Đình Hệ - Chủ tịch Hội ND huyện Lương Tài cho biết: Trước đây người dân chỉ nuôi thỏ theo hình thức tự phát, đơn lẻ, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm dẫn đến đầu ra không ổn định. Trước thực tế đó, Hội ND huyện đứng ra vận động, hướng dẫn hội viên thành lập HTX nuôi thỏ Việt Nhật. Nhờ tham gia HTX, các hộ nuôi thỏ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, đồng thời chia sẻ, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm và thông tin thị trường, tạo thành vùng nuôi thỏ tập trung hiệu quả cao.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến (hàng đầu, thứ 3 bên phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh (hàng đầu, thứ 2 bên phải) thăm mô hình trồng dưa hấu của nông dân huyện Gia Bình. ảnh: Thu Hà
“Cụ thể, năm 2017, Hội ND huyện đã phối hợp với Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh giải ngân 500 triệu đồng nguồn vốn vay Quỹ HTND tỉnh cho 5 hộ. Với mức cho vay Quỹ HTND tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ, ND nuôi thỏ ở xã Phú Hòa đã đầu tư, mở rộng quy mô, liên kết tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật” - ông Hệ khẳng định.
Hiện, Bắc Ninh đang tích cực xây dựng đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, đi đôi với đó là siết chặt, quản lý an toàn thực phẩm, hướng đến sản xuất ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Hội ND tỉnh Bắc Ninh là một trong những đơn vị được UBND tỉnh giao phối hợp tham gia đề án này. Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hội ND tỉnh đã tích cực và chủ động thực hiện công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng đơn vị; tổ chức vận động tới hộ gia đình ND không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên, ND áp dụng một số kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao chất lượng thực phẩm...
Để hỗ trợ ND xây dựng các mô hình các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường, hằng năm, các cấp Hội ND đã phối hợp với các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức trên 180 lớp dạy nghề cho trên 5.400 lao động nông thôn; hơn 1.700 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho khoảng 138.000 lượt người tham dự; 150 cuộc hội thảo đầu bờ trình diễn các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cây con giống mới...
Nhằm tạo “bệ đỡ” cho ND trong các mô hình liên kết sản xuất an toàn, Hội ND tỉnh đã xây dựng đề án vay vốn cho các tổ từ chương trình ký kết với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Hiện, Hội ND các cấp đang tín chấp cho trên 24.000 lượt hộ ND vay vốn với dư nợ trên 588 tỷ đồng tại Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Sacombank.
Một trong những điểm nhấn khác trong công tác hội và phong trào ND của tỉnh Bắc Ninh là việc xây dựng, phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ HTND các cấp. Trong nhiệm kỳ 2013-2018, vốn vay Quỹ HTND tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 37 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 51,8 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn Quỹ HTND giải ngân cho hơn 1.000 hộ ND vay để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 4.000 lao động địa phương.
Nhạy bén, năng động và sáng tạo
Với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đề nghị các cấp Hội ND trong toàn tỉnh, trên cơ sở bám sát nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và chỉ đạo của Trung ương Hội NDVN để cụ thể hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả thúc đẩy công tác hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển. |
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau hơn 20 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Về lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có sự phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp có hiệu quả; khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm, đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực với 2 đơn vị cấp huyện (Từ Sơn, Tiên Du) và 73 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 75,2%, số tiêu chí bình quân đạt 18,25. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân nói chung, của người ND nói riêng tiếp tục được nâng cao. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, đặc biệt là ở các địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh khẳng định: 5 năm qua, công tác hội và phong trào ND tỉnh Bắc Ninh đã có những bước phát triển mới và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh. Các cấp Hội ND trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các phong trào thi đua, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ND; động viên, cổ vũ đông đảo ND phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất.
“Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút đông đảo hội viên, ND tham gia. Toàn tỉnh đã có hơn 413.000 lượt hộ đạt danh hiệu hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; hàng nghìn hộ ND được vay vốn đầu tư sản xuất vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình ND làm kinh tế giỏi trên tất cả các lĩnh vực; bước đầu xuất hiện một số ND mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” - Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh khẳng định.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh có nhiều đổi mới trong việc cụ thể hóa nội dung trong các phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” và “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh” như: Ký giao ước thi đua đảm nhận thực hiện 20 nội dung, việc làm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới; phát động công trình “Hàng cây nông dân” trồng trên 60.000 cây xanh; tặng 46 con bò sinh sản và xây dựng 6 nhà “Tình nghĩa nông dân” cho hội viên nghèo...
Theo Thu Hà (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;