Học tập đạo đức HCM

Nông dân truyền nghề cho nhau

Thứ năm - 28/02/2013 02:22
Chỉ trong 6 năm, mô hình Cùng nông dân ra đồng của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã biến hàng chục ngàn nông dân ở ĐBSCL thành những “chuyên gia nông nghiệp” thực thụ...

Trở thành “chuyên gia”

Đón Tết Quý Tỵ, trong khi nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL như ngồi trên lửa khi lúa liên tục rớt giá dẫn đến nguy cơ thua lỗ thì hàng ngàn nông dân ở huyện biên giới Tân Hưng, Long An “ăn tết lớn” vì lúa trúng bể bồ, giá bán cũng cao hơn thị trường.

Ông Võ Văn Cọp – Bí thư xã Hưng Điền nói: “Cả xã có hơn 2.700 ha, đã thu hoạch khoảng 97% diện tích. Trong số này, có 300ha lúa nằm trong cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao hơn bên ngoài vì các kỹ sư nông nghiệp của AGPPS (gọi tắt FF) đã lội ruộng cùng nông dân, hướng dẫn kỹ thuật từ A tới Z”. Theo ông Cọp, các FF đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất, giúp nông dân giảm giá thành hạt lúa khi lượng phân thuốc và nhân công trên ruộng đều giảm rõ rệt so với trước.

Nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trao đổi kinh nghiệm ngay tại ruộng.

Tại ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), lực lượng FF thay phiên nhau ứng trực tại cánh đồng trong mấy ngày tết. Nhiều lão nông “xúi”: “Các chú cứ về nhà ăn tết đi, mấy cái kỹ thuật trồng lúa tụi tui rành sáu câu rồi. Có gì nông dân tụi tui chịu trách nhiệm”. Sở dĩ nông dân ở đây tự tin thế này bởi hầu hết bà con ở đây đều đã trở thành “chuyên gia” thực thụ sau nhiều vụ lúa có lực lượng FF bám đồng.

Ông Thạch Minh – nông dân ấp Cầu Tre nói: “Hồi đó xóm này ai cũng nợ ngân hàng vì trồng lúa từ huề tới lỗ. Gắn bó với mấy chú FF từ năm 2007 tới nay, trình độ kỹ thuật của nông dân lên thấy rõ, ai cũng trúng lúa bể bồ”. Tại xã Phú Cần, nhiều nông dân sau khi nắm vững kỹ thuật đã hướng dẫn lại cho người thân.

Không chỉ nông dân giúp nhau, chùa Chác A Rôn ở xã Phú Cần cũng trở thành địa chỉ hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp khi Đại đức Thạch Thưa – trụ trì chùa này mấy năm nay vô tình trở thành “chuyên gia”. “Mấy anh kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho tôi, tôi hướng dẫn lại cho phật tử” – Đại đức Thạch Thưa nói.

Tại xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa, Long An), số điện thoại di động của lão nông Hà Châu Triều được nhiều nông dân đưa vào danh bạ bởi ông Triều rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa. Ông Triều trồng 5ha lúa, vụ nào cũng trúng lớn, mỗi năm lợi nhuận hơn 200 triệu đồng nên cuộc sống khá thoải mái. “Mấy chú FF không giấu nghề, thành ra chỉ cần vài vụ lúa hướng dẫn thực tế ngoài đồng là nông dân rành hết” – ông Triều nói.

Đào tạo tại ruộng

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, cái duyên khiến ông gắn chặt với nông dân bắt đầu từ vụ hè thu năm 2006, khi nông dân ĐBSCL điêu đứng trước bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu nhiễm bệnh lan truyền cho lúa, thiệt hại đến gần 1 triệu tấn lúa, tính ra cả ngàn tỷ đồng. Ông Thòn bàn với ngành nông nghiệp tỉnh Long An – địa phương đang hứng chịu đại dịch rầy nâu nặng nề nhất đưa kỹ sư xuống lội ruộng cùng nông dân để khống chế bệnh trong mô hình chỉ có 45ha với 12 kỹ sư.

Ngay vụ đầu tiên, mô hình này thắng lớn khi năng suất đạt gần 9 tấn/ha – vượt xa mong đợi của những người trong cuộc. Từ thành công của mô hình tại xã Mỹ Phú, AGPPS tiếp tục chiêu mộ kỹ sư nông nghiệp vào lực lượng FF. Đến đầu năm 2013, lực lượng FF đã rải ở 40 tỉnh thành trong nước với con số hơn 800 người.

Thực hiện mô hình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, AGPPS hiện có 845 kỹ sư rải ở 40/64 tỉnh thành trong cả nước. Dự kiến, công ty này sẽ có 5.000 FF vào năm 2018.

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An nói: “Đưa kỹ sư ra đồng, thành công lớn nhất của AGPPS không chỉ là làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Điều quan trọng hơn, chính là những nông dân này sau khi được trang bị kiến thức đã truyền nghề cho nhau theo cấp số nhân. Những bài học áp dụng ngay trên ruộng đồng chính là những bài học mà nông dân dễ nhớ nhất”.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, ông đang chuẩn bị một kế hoạch dài hơi nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân và bắt đầu trong năm nay. Theo đó, công ty sẽ tuyển khoảng 4.000 sinh viên tốt nghiệp trung cấp, đưa thẳng xuống đồng để 1.000 FF của công ty đào tạo tại ruộng thành kỹ sư thực hành. “Chúng tôi đã bàn với các bộ ngành liên quan để 4.000 em này tốt nghiệp có bằng kỹ sư nhưng trong thời gian ra đồng vẫn lãnh lương bình thường” – ông Thòn nói.

(Minh Tâm sưu tầm từ Danviet.vn)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập464
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại842,762
  • Tổng lượt truy cập92,016,491
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây