Bên cạnh những “lời có cánh” về loại cây trồng siêu năng suất này, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phải thận trọng hơn khi phát triển các loại cây trồng mới, nhất là khi nông dân phải phụ thuộc hoàn toàn vào một tập đoàn nước ngoài từ khâu giống đến tiêu thụ, chế biến…
Cây trồng siêu năng suất?
Theo một số đánh giá ban đầu, siêu cao lương là cây trồng dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn như khô hạn, thiếu nước tưới hoặc đất đai cằn cỗi… Về năng suất, sản lượng, siêu cao lương cho thu hoạch 3 lần trong năm, với khối lượng chất xanh lên tới 400 tấn/ha, sản lượng ethanol đạt trên 17.000 lít/ha, cao gấp 2 – 2,5 lần so với việc sản xuất ethanol từ sắn, mía…
Dự án phát triển siêu cao lương tại Việt Nam được Tập đoàn Sol Holding (Nhật Bản) hợp tác với Công ty NTS Parner thực hiện. Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2020, siêu cao lương sẽ trở thành cây trồng thay thế dần các loại cây cao lương khác và diện tích trồng cỏ trên cả nước trong quy hoạch lên tới 450.000/500.000ha so với mục tiêu quy hoạch diện tích trồng cỏ do Bộ NNPTNT đề ra cho ngành chăn nuôi.
Tại Đồng Nai, hiện các mô hình trồng cây siêu cao lương đang được thử nghiệm trên diện tích 20ha tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, với tỷ lệ nảy nầm trên 90%. Mới đây, sau khi khảo sát tại 4 huyện, gồm Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Sol Holding đã chọn được 6 điểm để tổ chức trồng khảo nghiệm (mỗi điểm 0,5ha) và dự kiến sẽ xuống giống trong vài ngày tới.
Phát triển liệu có bền vững?
Khi được hỏi về tiềm năng phát triển của siêu cao lương tại Việt Nam, ông Nguyễn Thái Sơn – Tổng Giám đốc Sol Holding Việt Nam nhận định, ban đầu, sản phẩm thu từ siêu cao lương sẽ dùng làm thức ăn cho bò, cho gà. Sau đó, trong năm nay, Sol Holding sẽ xây dựng nhà máy viên nén sinh học tại Đồng Nai và ở Đăk Nông.
Theo đó, dự án liên doanh giữa Sol Holdings và NTS Partners có tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, dự kiến sẽ động thổ nhà máy sản xuất viên nén sinh học tại Đồng Nai trong 2 tháng tới. Tương tự, một nhà máy khác có quy mô 300ha ở tỉnh Đăk Nông, vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, cũng sẽ đi vào hoạt động sản xuất viên nén sinh học trong năm nay.
Ngoài ra, đại diện Sol Holding cho rằng, doanh nghiệp này cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xăng sinh học (ethanol) và viên nén sinh học pekkets... tập trung tại các tỉnh Đăk Lăk, Quảng Ngãi, xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sinh học tại Kiên Giang và An Giang, cung cấp toàn bộ phân bón cho vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm các tỉnh phía Nam và cả nước nói chung…
“Năng suất dự kiến của mỗi nhà máy nhiên liệu sinh học là 80 tấn mỗi ngày. Toàn bộ sản phẩm viên nén sinh học sẽ được xuất khẩu sang Nhật do nhu cầu tiêu thụ khá cao. Ngoài ra, hiệu quả lớn nhất của dự án là chúng tôi xây dựng được chuỗi giá trị từ hạt giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm”- ông Sơn tự tin.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù đã từng được đưa về Việt Nam thử nghiệm từ nhiều năm trước, tuy nhiên, hiệu quả của cây cao lương chưa thực sự cao. Việc mở rộng quy mô, diện tích cần có những bước khảo nghiệm, kiểm nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa vào phát triển đại trà.
PGS-TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, siêu cao lương được xem là cây trồng siêu năng suất, tuy nhiên, trong tinh hình hiện nay, nếu mở rộng sản xuất, nông dân trong nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài từ khâu giống đến khâu tiêu thụ.
“Mà đây là hai điểm mấu chốt, quyết định sự thành bại của một đối tượng sản xuất. Hiện tại, NTS Partner là công ty độc quyền phân phối giống siêu cao lương của Sol Holding tại Việt Nam, việc tiêu thụ cũng chỉ do Sol Holding hứa sẽ bảo đảm”- ông Dư nhận định.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc Sol Holding “vẽ” ra dự án với khá nhiều mục tiêu lớn, đi từ ngành thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học đến phân bón như trên cần có thời gian và số vốn lớn để thực hiện. Hơn nữa, đã từng có nhiều loại cây trồng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam nhưng đến nay, hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng, thậm chí, nhiều dự án còn rơi vào tình trạng “chết yểu” như cây ca cao, cây bông vải…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã