Học tập đạo đức HCM

Thương nhân Trung Quốc ồ ạt mua gỗ cao su: Cần cẩn trọng

Thứ bảy - 24/12/2016 09:59
Trung Quốc là thị trường quan trọng của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này chủ yếu vẫn còn dưới dạng thô, có hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Nhóm các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng lớn vẫn còn hạn chế. Đó là chưa kể, khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc phải dè chừng những “mánh khóe” của họ để không bị “tiền mất tật mang”. Làn sóng thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua gỗ cao su Việt Nam là một ví dụ.

Thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt thu mua gỗ cao su khiến các doanh nghiệp trong nước lo lắng nguồn cung bị thiếu hụt.

Thị trường lớn

Với con số gần 1,4 tỉ người, Trung Quốc đã trở thành thị trường khổng lồ cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 965,8 triệu USD, tăng thêm gần 121 triệu USD kim ngạch so với năm 2014. Trong 9 tháng đầu 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này đạt 725,3 triệu USD, tương đương với 75% giá trị kim ngạch của năm 2015.

Không chỉ đơn thuần là thị trường tiêu thụ, Trung Quốc đã trở thành công xưởng chế biến các sản phẩm gỗ của thế giới, với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc được tiêu thụ ở nhiều quốc gia khác nhau. Với vai trò kép này, những thay đổi tại Trung Quốc có về thị trường tiêu thụ, cung cầu nguyên liệu, sản xuất và chế biến không chỉ có ý nghĩa đối với Trung Quốc mà còn tác động trực tiếp đến các quốc gia có mối quan hệ thương mại gỗ với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Hàng năm Trung Quốc nhập khẩu một lượng khổng lồ các sản phẩm gỗ nhằm phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường này lên tới 19,5 tỉ USD, tăng gần 8 tỉ USD so với kim ngạch năm 2010 và gần 14 tỉ USD kim ngạch so với năm 2005.

Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn dăm gỗ khô sang Trung Quốc, tương đương với 8 triệu mét khối gỗ quy tròn. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hàng năm rất lớn, trung bình đạt 500-600 triệu USD. Khoảng 70% dăm gỗ của Việt Nam có nguồn gốc từ gỗ keo. Phần còn lại là gỗ bạch đàn và một số loài gỗ khác. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu khoảng 200.000-250.000m3 gỗ xẻ/năm vào thị trường Trung Quốc, với giá trị kim ngạch trên dưới 150 triệu USD. Riêng năm 2015 Việt Nam xuất khẩu khoảng 20 loài gỗ xẻ khác nhau vào Trung Quốc.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2015 đạt 303,6 triệu USD, tương đương với 31% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này trong cùng năm. Cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa 2 quốc gia vẫn tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam. Trong các sản phẩm nhập khẩu, ván lạng có lượng nhập rất lớn, lên tới trên 900.000m3 năm 2015. Tuy nhiên, lượng nhập mặt hàng này trong 9 tháng đầu 2016 giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 130.000m3. Gỗ dán cũng là nhóm mặt hàng được nhập khẩu vào Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2015 đạt trên 116 triệu USD, tương đương với gần 285.000m3 sản phẩm.

Trong 9 tháng đầu 2016, Việt Nam nhập trên 38.000m3 gỗ tròn từ Trung Quốc, tăng gần 6 lần so với lượng nhập khẩu của cả năm 2015. Gỗ tròn nhập khẩu từ Trung Quốc 9 tháng đầu 2016 chủ yếu là gỗ lim, chiếm gần 80% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu. Một số loài gỗ tròn khác có số lượng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2016 tương đối lớn là gõ (gần 1.700m3) và hương (gần 5.000m3).

Trung Quốc tăng mua gỗ cao su, lo nguồn cung thiếu

Trong thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc vào Việt Nam thu mua gỗ cao su với số lượng lớn. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì nguy cơ nguyên liệu gỗ dành cho sản xuất trong nước sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Theo thống kê, lượng và giá trị xuất khẩu của loại gỗ cẩm và cao su xuất khẩu sang Trung Quốc có sự biến động rất lớn. Lượng gỗ cẩm xuất khẩu năm 2015 chỉ đạt khoảng 20% lượng xuất năm 2014 và trên 10% lượng xuất năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu loại gỗ này cũng giảm rất lớn.

Ngược lại với xu thế này, lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ cao su tăng mạnh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, lượng gỗ cao su xẻ xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn gần 1,4 lần tổng lượng gỗ cao su xẻ xuất khẩu của cả năm 2015.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ: Theo phản ánh của các DN sản xuất và chế biến gỗ, trong thời gian qua, các DN Trung Quốc đã hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su và gỗ keo, tràm từ miền Nam ra đến khu vực miền Trung, đặc biệt là tại Tây Nguyên. Điều này đang tạo ra sức ép rất lớn, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các DN trong nước. “Nhiều DN gỗ Việt cho biết, 90% lượng nguyên liệu gỗ cao su tại Tây Nguyên đã bị các DN Trung Quốc bao chiếm, họ cắm xưởng xẻ tại địa phương, thuê người dân địa phương đi gom hàng, họ trả trước tiền mặt. Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2016, gỗ cao su ở đây tăng từ 20- 30%, và hiện tại vẫn tiếp tục tăng. Điều này khiến các DN Việt Nam chỉ có cơ hội mua cành, ngọn và gốc cao su”, ông Lập nói.

Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Trung Quốc cấm khai thác rừng tự nhiên bắt đầu từ tháng 4/2015 ở vùng Đông Bắc và Nội Mông, dự kiến vào năm 2017 sẽ đóng cửa rừng tự nhiên của 14 tỉnh phía Bắc của Trung Quốc. Để bù đắp nguồn cung trong nước bị thiếu hụt, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu gỗ ở các nước khác, trong đó có Việt Nam, điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend, cho rằng, hiện Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu lớn ở châu Á. Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sẵn có, đặc biệt là nguồn cung gỗ từ rừng trồng và gỗ cao su với sản lượng khai thác ngày càng gia tăng. Với lợi thế giá nhân công rẻ, cùng với lợi thế địa lý có hệ thống cảng nước sâu phát triển, Việt Nam có thể trở thành điểm quan trọng thu hút đầu tư của các DN gỗ Trung Quốc. Do vậy, trong tương lai, đầu tư của các DN gỗ Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhanh chóng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, DN Trung Quốc mua nguyên liệu gỗ cao su không phải để mang về Trung Quốc, mà họ gom hàng ở một nơi nào đó, rồi đợi giá tăng và bán lại, buộc các DN Việt Nam phải mua với giá cao. “Trung Quốc đang mua nhiều gỗ cao su của Việt Nam, nhưng họ mua làm gì thì không ai biết. Vì theo số liệu của Hiệp hội Cao su thì gỗ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất chứ không phải sang Trung Quốc. Cách thức người Trung Quốc mua cao su cũng rất có vấn đề, họ mang tiền mặt đến tận các xưởng cưa đặt cọc, rồi dùng phương tiện của họ đến để chở hàng nhưng họ chở đi đâu không ai biết”, vị đại diện DN này nói.

Cần có chính sách hạn chế xuất khẩu

Trước thực trạng các DN chế biến gỗ phía Nam đang ngồi trên đống lửa vì nguồn cung nguyên liệu gỗ cao su ngày càng thu hẹp, ông Bùi Như Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cho rằng, cần có chính sách khuyến khích nhằm tăng sản lượng rừng trồng. Song song đó, cần có chính sách hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc, trong bối cảnh mới, ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh về nguồn cung gỗ nguyên liệu cả trên mặt trận trong nước và từ các nguồn nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng có khả năng sẽ trải qua những thay đổi cấu trúc nếu các DN gỗ của Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào Việt Nam trong tương lai. Hạn chế các tác động tiêu cực cho ngành gỗ Việt Nam đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các hiệp hội gỗ và các DN. Trong đó, cần tập trung vào vấn đề tạo sự ổn định và duy trì bền vững nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào đặc biệt là nguồn cung trong nước đối với gỗ rừng trồng và gỗ cao su.

Ông Phúc cũng nêu một thực tế, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng về các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này chủ yếu vẫn còn là các sản phẩm thô, có hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Nhóm các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng lớn hiện vẫn còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam. Nhìn chung, giá trị gia tăng của các mặt hàng gỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn so với nhóm các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các cơ quan quản lý và hiệp hội cần tiếp cận nhanh chóng với các nguồn thông tin về đầu tư của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian gần đây, từ đó phân tích nguyên nhân, động thái và đưa ra giải pháp phù hợp với luật pháp quốc gia và cam kết quốc tế, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực cho ngành gỗ Việt Nam”.

Khánh Nguyên/kinhtenongton.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập429
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại866,066
  • Tổng lượt truy cập92,039,795
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây