Song, củ gừng đá (gừng gió) mới trở thành hàng hóa từ những năm 1995 của thế kỷ trước, khi ông Bàn Văn Minh đưa đi "xuất ngoại"...
Từ chuyến hàng may mắn
Sau những ngày lặn lội thăm dò thị trường nông sản ở các cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, ông Bàn Văn Minh ở thôn Khuổi Đeng, xã Tân Sơn đã phát hiện ra giá trị của củ gừng đá quê mình, vì giá bán rất cao, trong khi lại rất sẵn.
Sau những thương thảo về giá xuất bán và tính toán kỹ cung đường vận chuyển, ông nhanh chóng về nhà tổ chức mua gom củ gừng, rồi thuê xe ô tô chở lên biên giới để bán cho tư thương Trung Quốc.
Những chuyến hàng đầu tiên thuận lợi, thu hồi vốn nhanh, đã giúp ông Minh có thêm tiềm lực mở rộng thu gom gừng đá ở các xã khác. Cứ thế "1 vốn 4 lời", ông nhanh chóng có được số vốn kha khá. Sau mấy tháng cuối năm buôn gừng, ông đã dùng toàn bộ tiền lãi thu được để thuê hơn 20 người đem củ gừng giống lên đất rẫy để trồng.
Không chỉ tự làm, ông còn quyết tâm xây dựng thương hiệu gừng Tân Sơn nên đã vận động những người quen biết ở các thôn Nặm Dất, Bản Lù, Khuổi Đeng 1, Khuổi Đeng 2... trồng gừng đá. Hộ nào không có vốn thì ông cấp vốn mua giống gừng và cam kết khi thu hoạch củ là ông mua hết theo giá thị trường.
Hộ nào còn lăn tăn thì ông xây dựng đơn giá thu mua trước, để mọi người nhìn vào đó sẽ biết ngay là có lãi hơn trồng cây khác. Ông nói đi đôi với làm, lấy uy tín làm thước đo công việc. Những hộ trồng gừng còn được ông Minh quan tâm, giúp đỡ bằng cách cho vay tiền không cần trả lãi nên họ càng tin tưởng tham gia trồng gừng.
Vụ thu hoạch gừng năm đầu tiên, ông thu mua hết cả nghìn tấn gừng củ của bà con, kể cả gừng ở các xã lân cận đem đến bán. Cũng từ đó, cái tên Minh Bê (vợ ông Minh tên là Trần Thị Bê) được bà con nơi đây quen gọi một cách thân thiện. Vì họ đều hiểu ra rằng, chính ông đã giúp người dân nơi đây tìm ra lối thoát nghèo từ củ gừng.
Với bản chất thật thà và không tham, chỉ sau mấy năm bước vào thương trường, cái tên Minh Bê đã có tiếng tăm. Biết mình, biết người là lẽ sống cao cả, vợ chồng Minh Bê không hề ép giá gừng, mà cạnh tranh lành mạnh với những tư thương nơi khác đến thu mua. Họ mua giá nào, ông mua giá đó, nhưng bà con chỉ quen chở đến bán cho Minh Bê...
Những năm gừng ế, tư thương không đến mua, ông đã mua giúp mọi nhà để duy trì diện tích trồng gừng. Do đó, Minh Bê trở thành chủ thu gom gừng lớn nhất Tân Sơn suốt 20 năm qua.
Bà Trần Thị Bê giới thiệu về loại gừng non
Ổn định
"Các anh ở đây từ sáng đến giờ thấy đấy, dân cứ chở gừng đến, tôi bảo với họ là không có chỗ để nữa rồi, đưa đi chỗ khác cân, nhưng họ có chịu đâu. Bởi họ thích bán cho tôi vừa được giá, lại không cần lấy tiền ngay. Tiền gửi tôi giữ hộ, đến khi nào cần thì ra lấy. Nhiều lần tôi trả tiền mua gừng cho người ta, có mớ trả thừa cả chục triệu đồng. Hôm sau họ đem ra trả, nếu không trả thì tôi đâu có biết, vì mỗi ngày nhận mấy trăm triệu tiền hàng qua tay, nhớ sao được. Họ tin tôi và tôi cũng tin họ nên mới làm ăn với nhau được lâu dài...", bà Bê bộc bạch. |
Kể từ khi ông Bàn Văn Minh đưa gừng Tân Sơn qua biên giới, cây gừng ngày càng có giá trị cao. Thời điểm đắt hàng cứ 1 kg gừng củ, bán đổi được 4 kg gạo tẻ loại ngon. Gừng được mùa, được giá liên tục khoảng 15 năm qua, đã góp phần xóa hẳn thiếu đói, cơm đứt bữa ở những bản làng nơi đây.
Trong chén rượu ngây ngất, ông Triệu Kim Kiều, người dân tộc Dao ở bản Nậm Dất chia sẻ: "Từ năm 1998, gia đình tôi chuyển sang trồng cây gừng đá thay thế các loại cây lương thực khác, đời sống đã khấm khá hơn, năm nào được giá thì tích cóp được trăm triệu đồng, còn năm nào ế ẩm cũng chẳng lo, vì có nhà Minh Bê nhận mua hết...".
Đi khắp các thôn Nậm Dất, Khuổi Đeng 1, Khuổi Đeng 2, Bản Lù... thấy nhiều căn nhà được xây kiên cố, hòa quyện dưới tán lá rừng núi đá của Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Nhiều hộ dân không chỉ xây được nhà tầng mà còn sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt...
Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn khẳng định: "Mấy năm nay do đầu ra củ gừng khá ổn định, doanh nghiệp thực hiện tốt cam kết thu mua sản phẩm nên bà con rất yên tâm trồng gừng.
Xã cũng xác định, gừng là cây ngắn ngày chủ lực trong xóa đói giảm nghèo. Trồng 1.000 m2 có thể thu được 5 tấn gừng non/vụ, với giá cao như năm nay, khoảng 28.000 đồng/kg gừng non (gừng trâu) bà con sẽ thu được hơn 100 triệu đồng, chưa cây trồng nào trên đất này sánh được...".
Bà Trần Thị Bê, chủ cơ sở thu gom gừng Minh Bê chia sẻ: "Giá gừng mới từ đầu vụ đã rất cao. Suốt từ cuối tháng 7 đến nay chúng tôi liên tục mua gom ở mức 62.000 đồng/kg gừng đá, 28.000 đồng/kg gừng non, gừng già cũng có giá 22.000 đồng và gừng kém nhất cũng ở mức 17.000 đồng/kg.
Dự kiến giá sẽ còn cao vào thời điểm cuối vụ. Nhà tôi đã đầu tư khoảng 17 tỷ đồng mua gom củ gừng, năm nay người trồng gừng lại trúng lớn..." .
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;