Chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 12 đến ngày 19.6.2015), 12 tấn vải thiều của Công ty Rồng đỏ đã có mặt tại Melbourne và 1 tấn vải thử nghiệm của Công ty Fosti và Thiên Anh Minh đã đến Sydney. Một chuyến hàng thử nghiệm gần 3,5 tấn vải thiều của công ty Ánh Sao Dương cũng sẽ đến Melbourne vào ngày mai (22.6).
Như vậy, tổng cộng gần 17 tấn vải chắc chắn sẽ tới Úc.
Sau 12 năm đàm phán, cuối cùng, trái vải của Việt Nam cũng đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc. Tuy thời gian cấp phép ngay sát với thời điểm thu hoạch, khá gấp gáp, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, những chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên đã vượt qua được các khâu kiểm dịch khắt khe và có mặt tại các siêu thị của nước Úc.
Với các chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên thành công này, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ ký các hợp đồng lớn hơn và cơ hội sẽ mở ra cho trái vải Việt Nam tại thị trường Úc.
Để trái vải có chỗ đứng trên thị trường Úc, Thương vụ Việt Nam tại Úc kiến nghị các địa phương cần nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cơ sở đóng gói, cơ sở chiếu xạ ngay tại vùng trồng và quan tâm xúc tiến, quảng bá trái vải tại thị trường Úc nhiều hơn nữa.
Sau khi các chuyến hàng thử nghiệm tiếp theo đến Melbourne, Thương vụ sẽ phối hợp với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc tổ chức “Ngày vải thiều Việt Nam tại Úc” nhằm quảng bá trái vải của Việt Nam đồng thời kêu gọi bà con kiều bào ủng hộ phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thương vụ cũng đã thiết kế và in ấn tờ rơi, sách giới thiệu và hướng dẫn chế biến một số món ăn từ vải thiều theo khẩu vị của người Úc và xây dựng phim ngắn để quảng bá trên một số kênh thông tin, truyền thông.
Hy vọng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, trái vải Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Úc.
Trước đó, ông Hoàng Trung-Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục phối hợp và chỉ đạo các địa phương đề nghị người trồng vải thực hiện đúng theo quy định của phía Mỹ, Úc; mở rộng vùng trồng vải được cấp mã số, làm tiền đề cho xuất khẩu vải trong những vụ tới.
Việt Nam cũng đã quyết định đầu tư nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ tại Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) do miền Bắc hiện chưa có nhà máy chiếu xạ nào. Trung tâm Chiếu xạ này đang trong quá trình nâng cấp trang thiết bị, xây dựng kho lạnh theo đúng tiêu chuẩn của Mỹ và Úc để cuối năm nay, các vấn đề về thiết bị, cơ sở hạ tầng được hoàn tất. Dự kiến, mùa vải và nhãn sang năm, Trung tâm có thể thực hiện chiếu xạ cho vải xuất đi Mỹ, Úc...
Theo Dantri.vn