Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở Việt Nam tháng 10/2020.
Kể từ đó đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 308 hộ của 24 tỉnh, thành phố, tổng cộng đã có trên 4.200 con gia súc mắc bệnh (381 con đã chết, buộc phải tiêu hủy).
Hiện nay, tình hình bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở 123 xã của 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, gần đây nhất bệnh đã lây lan vào các tỉnh miền Trung và miền Nam là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
"Để kiểm soát và phòng chống dịch bệnh các địa phương đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NNPTNT", ông Long cho hay.
Theo ông Long, viêm da nổi cục là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cũng như quy định của pháp luật, đến thời điểm hiện nay Cục Thú y đã báo cáo Bộ NNPTNT quyết định cho phép nhập khẩu trên 6 triệu liều vaccine.
"Hiện nay, tổng số đàn trâu, bò của nước ta khoảng 6 triệu con, vì vậy việc nhập 6 triệu liều vaccine sẽ cơ bản đáp ứng cho tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên cả nước", ông Long nói.
Sau khi nhập vaccine về, các cơ quan kiểm nghiệm của Cục Thú y đã tổ chức tiến hành đánh giá chất lượng vaccine dựa vào chỉ số vô trùng, an toàn hiệu lực.
Tính đến ngày 26/2/2021 các cơ quan kiểm nghiệm của Cục Thú y đánh giá vaccine Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã đáp ứng những yêu cầu, do đó Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương căn cứ diễn biến, nguy cơ tình hình dịch bệnh để quyết định việc sử dụng vaccine chống dịch khẩn cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 200.000 liều vaccine đã được đưa vào sử dụng thực tế.
"Cuối tuần vừa qua, chúng tôi cũng nhận được thông báo từ các doanh nghiệp, đó là, 500.000 liều vaccine đã về đến cửa khẩu, số vaccine này phải trải qua quá trình đánh giá chất lượng trước khi đưa vào sử dụng theo quy định", ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, đối với các loại vaccine khác hiện nay đang được tổ chức đánh giá theo đúng quy định trước khi quyết định sử dụng chống dịch khẩn cấp.
Trả lời câu hỏi của PV về việc tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, người dân đang có đôi chút hoang mang và "quay lưng" với thịt trâu và thịt bò?
Ông Long cho hay, bệnh viêm da nổi cục chỉ xảy ra trên trâu bò, vi rút gây bệnh viêm da nổi cục không lây nhiễm và lây bệnh ở người.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên sử dụng gia súc bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh, nhưng do vi rút này không có khả năng gây nhiễm bệnh ở người, do đó, cũng mong bà con yên tâm việc tiêu thụ sản phẩm giá súc, đặc biệt là trâu, bò thì không có quan ngại gì liên quan đến sức khỏe".
Ngay khi chưa có nguy cơ bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở Việt Nam, Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra năng lực chẩn đoán xét nghiệm và tổ chức đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các loại vaccine. Bên cạnh đó, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương để nhận biết cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
https://danviet.vn/benh-viem-da-noi-cuc-nhap-6-trieu-lieu-vaccine-tiem-phong-cho-toan-bo-trau-bo-tren-ca-nuoc-20210315142444991.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã