Học tập đạo đức HCM

Kon Tum: Khởi công dự án nuôi bò sữa công nghệ cao 2.544 tỉ đồng, lớn nhất Tây Nguyên

Thứ sáu - 18/09/2020 11:58
Ngày 18/9/2020, tại tỉnh Kon Tum, Tập đoàn TH đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Được biết, tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 2.544 tỉ đồng, diện tích 441ha - quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay.

Trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch lớn nhất Tây Nguyên 

Được biết, dự án này là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước với các trang trại tại Nghệ An, Hà Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng, với mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con.

Tổng vốn đầu tư của Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao của TH tại Kon Tum lên tới 2.544 tỉ đồng, tổng diện tích 441 ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. 

Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn số 1 của vùng Tây Nguyên.

Kon Tum: Khởi công dự án nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao.

Dự án này có thể coi là đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum – địa phương có rất nhiều thế mạnh cho ngành này nhưng chăn nuôi bò sữa của Kon Tum vẫn là "trận địa" hoàn toàn bị bỏ trống. 

Theo UBND tỉnh Kon Tum, với diện tích đất đai rộng lớn, mật độ dân số thấp, đặc biệt là khí hậu cao nguyên mát mẻ - nhiệt độ quanh năm dao động chỉ từ 18-23 độ C, trên nền địa hình cao từ 700-1.200 mét so với mực nước biển, rất phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa.

Trong đó, xã Mô Rai nằm ở phía Tây Nam huyện Sa Thầy, có diện tích tự nhiên 58.391,79 ha, có đường biên giới dài hơn 21km giáp với Campuchia. Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt có thế mạnh về điều kiện tự nhiên để phát triển các loại cây trồng là nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi và chế biến. 

Kon Tum: Khởi công dự án nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 2.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH phát biểu tại lễ khởi công.

Phát biểu tại lễ khởi công, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khẳng định: Qua thành công của Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), trước bối cảnh hàng trăm nhãn mác sữa ra đời mà thương hiệu sữa TH true MILK đã có những bước đi ngoạn mục đến vậy, qua đó tôi rút ra kinh nghiệm là ngoài nỗ lực của nhà đầu tư thì sự vào cuộc của chính quyền là đặc biệt quan trọng, trong đó cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. 

Để làm nên một cuộc cách mạng trong ngành sữa như dự án ở Nghệ An, thì phải cần những con người thật sự dám đương đầu và dám làm cách mạng.

"Làm nông nghiệp thì trung tâm là người nông dân, nhưng rõ ràng ta cần một tầng lớp doanh nhân đủ Tâm - Trí - Lực dẫn dắt về thị trường, bởi vì mình sản xuất hàng hóa ra thì cần phải tiêu thụ được. Thứ hai, để đạt được chất lượng sản phẩm thì ai dẫn lối? Cũng phải là doanh nhân, họ có thể kết nối với các nhà khoa học, họ tiếp cận được khoa học kỹ thuật và biết phải sử dụng hàm lượng khoa học kỹ thuật vào đâu, ở đâu và vào thời điểm nào. Như vậy người nông dân sẽ đi cùng với doanh nhân thông qua hợp tác xã mà tôi gọi đó là hợp tác xã kiểu mới – hợp tác xã khoa học" - bà Thái Hương khẳng định.

Tham gia vào hợp tác xã đó, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.

Ngay tại thời điểm khởi công Dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 nông hộ trong khu vực sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.

Kon Tum: Khởi công dự án nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án.

Mục tiêu phát triển đàn bò sữa 20.000 con

Theo kế hoạch, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum được thực hiện theo hai mô hình, gồm: mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao - tương tự dự án đã triển khai ở Nghệ An; mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt thông qua Dalatmilk.

Với mô hình chăn nuôi tập trung, Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Kon Tum xây dựng một cụm trang trại quy mô 10.000 con bò sữa trên diện tích 60 ha cùng vùng nguyên liệu rộng lớn 378 ha.

Cụm trang trại thiết kế và vận hành bằng công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến của Israel, quản lý đàn bò bằng hệ thống vi tính 100% và dàn máy móc tự động, hiện đại hàng đầu thế giới.

Trạng trại bò sữa của TH tại Kon Tum sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò bằng việc sử dụng nguồn cỏ, ngô trồng tại địa phương, đồng thời nhân giống, phát triển các giống cây trồng khác, hướng dẫn và khuyến khích bà con nông dân trong khu vực trồng các loại cây nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho cho các nông hộ.

Kon Tum: Khởi công dự án nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Tây Nguyên - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại buổi lễ.

Với mô hình chăn nuôi liên kết với bà con nông dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, Dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa lên 20.000 con, quy mô 5-10 con bò sữa/hộ.

Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế với các thị trường lớn trong và ngoài nước, có lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở 2 tiểu vùng khí hậu là vùng Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Kon Tum đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn.

Trong đó, dự án Chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Sa Thầy nói riêng; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và cũng là động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Ông Hoà đề nghị Tập đoàn TH đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời đề nghị các sở, ban ngành và UBND huyện Sa Thầy thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, thường xuyên theo dõi, phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm hoàn thành.

Theo Thiên Hương/danviet.vn
https://danviet.vn/kon-tum-khoi-cong-du-an-nuoi-bo-sua-cong-nghe-cao-quy-mo-lon-nhat-tay-nguyen-20200918182925967.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập242
  • Hôm nay43,925
  • Tháng hiện tại788,485
  • Tổng lượt truy cập91,962,214
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây