Chuyển biến chậm
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, dù đạt được kết quả bước đầu nhưng quá trình tái cơ cấu (TCC) diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch rõ ràng, xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế chưa phù hợp; có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào. Năng suất cũng như chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Cần thay đổi chính sách về đất đai tạo điều kiện cho quá trình sản xuất lớn. Ảnh: P.A.T
"Nếu quá trình chuyển đổi sản xuất đi liền với những thay đổi về chính sách tín dụng, thuế, về đất đai... thì chắc chắn sẽ mang lại những kết quả toàn diện và bền vững ngay từ trong nội tại ngành chứ không phải chỉ là cái chúng ta nhìn thấy ở bề nổi”. TS Đặng Kim Sơn |
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ nông sản diễn biến khó lường; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo.
Theo Bộ NNPTNT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chuyển biến về nhận thức chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai thiếu quyết liệt. Biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và cho cả nước, tác động mạnh đến quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Riêng năm 2016, thiên tai đã làm thiệt hại 1,7 tỷ USD (tương đương 1% GDP).
Công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại chưa thực sự được hiệu quả. Nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai, thu hút đầu tư xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại... chưa được tháo gỡ.
Linh hoạt nhưng chưa bền
Áp dụng khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi diện mạo sản xuất. Ảnh: P.A.T
Chọn 10 sản phẩm chủ lực Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ NNPTNT sẽ chọn 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam để đầu tư, xây dựng thương hiệu phục vụ cho xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị… Theo đó, từng địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường để định hướng sản xuất và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn hướng phát triển nông nghiệp cho phù hợp, đưa cây, con hàng hóa thay cho cây, con tự cung, tự cấp và coi đây là lối thoát căn bản để xóa đói giảm nghèo. |
Đánh giá về quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc tập trung vào 4 trụ cột chính cộng với chính sách xoay trục linh hoạt đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, nhất là trong 3 năm trở lại đây.
“Nếu như trước đây, chúng ta ưu tiên cho cây lúa, rồi mới đến thủy sản, rau củ quả, thì hiện tại, sau khi giá lúa xuống thấp, chúng ta lập tức xoay trục, ưu tiên cho thủy sản, rau củ quả. Sự chuyển động này đã giúp mang lại những con số ấn tượng, ngành rau quả đã vụt lên như một điểm sáng khi năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu còn vượt cả dầu thô” - ông Thủy nói.
Tuy vậy, theo ông Thủy, quá trình TCC đang bộc lộ nhiều hạn chế. “Ngành trồng trọt chuyển dịch còn chậm, nhất là quá trình chuyển diện tích trồng lúa ở những vùng cho năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản hoặc cây có hạt phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi chưa mạnh mẽ. Việc phát triển chưa gắn với thị trường nên có nguy cơ khủng hoảng thừa, nhất là với cây có múi. Tôi được biết huyện Lục Ngạn của Bắc Giang đã phá bỏ 60.000ha vải để trồng cam, điều này vô cùng bất thường” - ông Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thủy, khâu yếu nhất của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là việc thành lập các tổ chức kinh tế của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng hoạt động yếu. Nguyên nhân của tình trạng này là do, lối đi của hợp tác xã chưa rõ ràng, chưa trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu. Ông Thủy đặt câu hỏi: “Chúng ta có 12 triệu hộ nông dân nhưng tại sao chỉ có 4 triệu hộ thành viên hợp tác xã? Rõ ràng tổ chức này chưa thực sự hấp dẫn nông dân”.
Ngoài ra, tình trạng ế thừa nông sản là biểu hiện rõ nhất của việc chúng ta chưa có cơ chế để kiểm soát quy hoạch.
Sự cô đơn của người tiên phong
Có thể nói, ngành nông nghiệp là lĩnh vực đầu tiên đặt ra chương trình TCC với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nếu quá trình này không phải của riêng ngành nông nghiệp mà có sự chuyển động của tất cả các ngành, lĩnh vực thì chắc chắn sự thay đổi sẽ còn lớn lao hơn.
Theo ông Sơn, chính vì sự “cô đơn” của người tiên phong nên những mục tiêu chính của quá trình TCC chúng ta chưa đạt được. Chẳng hạn thu nhập của nông dân, phúc lợi của người tiêu dùng (đảm bảo an toàn thực phẩm) vẫn chậm chuyển biến. Đột phá về khoa học công nghệ chưa xảy ra, dù đã có một số điểm sáng như Lâm Đồng nhưng để thành vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao thì chưa; đến nay, ngay cả ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng chưa có một khu nông nghiệp công nghệ cao nào hoành tráng, những tiến bộ kỹ thuật mang tính đột phá vẫn chưa xuất hiện. Quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính vẫn chậm, vẫn nặng bóng dáng “xin – cho”.
Những đột phá về mặt thị trường cũng chưa xuất hiện. “Chúng ta đang lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, về lâu dài điều này không ổn...” – ông Sơn nói.
Cuối cùng, ông Sơn cho rằng, chậm đột phá về thể chế sẽ khiến quá trình tái cơ cấu chậm lại. Làm sao phải mở rộng quy mô hộ, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư bằng những chính sách về đất đai, vốn; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khoa học công nghệ để tạo ra phía đẩy là công nghệ, phía kéo là thị trường giúp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Chính sách về đất đai phải tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tích tụ để sản xuất lớn.
TS Đặng Kim Sơn cho rằng: “Một ngành không được bảo vệ, không được đầu tư (đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% GDP), không được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư nước ngoài ít, đầu tư tư nhân chỉ chiếm 1% nhưng xuất khẩu chiếm 1/5 kim ngạch, là ngành duy nhất xuất siêu, đóng góp 16 – 18% GDP, 40% việc làm, bảo vệ 80% tài nguyên thiên nhiên của đất nước, “một người con hiếu thảo với đất nước” như vậy lẽ ra phải được quan tâm nhiều hơn thế”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã