Học tập đạo đức HCM

Bái phục những nữ ngư dân 'sát cá' làng chài

Thứ năm - 17/08/2017 18:37
Ở những làng chài ven biển Hà Tĩnh, việc dong buồm đánh cá không chỉ là công việc của “cánh mày râu” mà còn là nghiệp chính của cánh phụ nữ từ hàng chục năm nay.

 

Nhiều nữ ngư dân được sinh ra trên những con thuyền vì vậy họ coi thuyền như ngôi nhà của mình. Họ đi thuyền vượt sóng từ khi còn tấm bé, với họ còn sức là còn chèo thuyền ra khơi…  

Còn sức là còn chèo

Tại cảng Cửa Sót không chỉ có đàn ông theo nghề biển mà rất nhiều phụ nữ cũng ra khơi bám biển. Tờ mờ sáng, tiếng máy nổ xình xịch vang lên báo hiệu đoàn thuyền trở về, từng khay cá đầy ắp được chuyển lên bờ cùng tiếng kẻ mua người bán tấp nập, nhộn nhịp cả một vùng trời. Ở một góc cảng, những nữ ngư dân lỉnh kỉnh đồ câu, lưới, con mồi cùng bữa ăn trưa bắt đầu cuộc mưu sinh của ngày mới. Họ mang dáng người nhỏ nhắn với gương mặt khắc khổ của phận đời “ăn sóng nói gió” nhưng từng bước chân lại đầy dứt khoát, can trường khi bước xuống thuyền cầm tay chèo.

14-05-49_1
Gần 15 năm nay bà Đỗ Thị Lý một mình chèo thuyền mưu sinh nuôi chồng bị liệt chân

Lom khom xách từng khay đá chuyển xuống thuyền, bà Đỗ Thị Lý (thôn Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà) đang hoàn tất mọi thứ cho chuyến ra khơi mới. Năm nay đã ngoài 74 tuổi nhưng bước chân của bà Lý vẫn còn rất nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng và tay cầm chèo rất chắc chắn. Nếu không nói ra, ít ai biết được cuộc đời bà đã trải qua 3 lần mổ sỏi mật, từng được đưa ra nhà xác bệnh viện chờ lo hậu sự. Ấy vậy, gần 15 năm nay bà Lý một mình nắm tay chèo trên chiếc thuyền nhỏ để nuôi chồng bị liệt chân.

Bà Lý vốn là dân làng chài chính gốc. Cha mẹ gắn với thuyền và biển nên bà cũng được sinh ra giữa biển khơi. Từ đó, cuộc đời bà là những ngày “cắp” nón ngồi trước mũi thuyền phụ cha kéo lưới. Sau khi lấy chồng, bà tiếp tục lên thuyền phụ chồng đánh cá. Năm 2003 chồng bà gặp tai nạn bị liệt chân trái, một mình bà tiếp tục chèo thuyền ra khơi, nhặt nhạnh từng con cá, con mực kiếm tiền nuôi chồng.

Dù cả hai ông bà tuổi đã cao và đều bị bệnh nhưng khi con cái khuyên bà “buông câu” bà đều gạt đi. “Cả cuộc đời gắn với biển, giờ vài ngày không ra biển là nhớ. Ăn cá lắm giờ ngấm vào máu rồi, cứ hễ ở nhà vài ba ngày là đau nhức khắp người chứ ra biển câu được con cá, con mực là mọi mệt mỏi tan biến. Mấy ngày trước bão với áp thấp liên tục, gần nửa tháng không được chèo thuyền đi câu, nhớ biển lắm. Ngày nào cũng ra biển nhìn sóng, nhìn biển rồi đành quay về”.

Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng hằng ngày bà Nguyễn Thị Trúc (xóm Giang Hà) vẫn dậy từ 3 giờ sáng lo cơm nước cho chồng xong mới kéo lưới ra biển. Mỗi ngày bà đi từ 4 giờ sáng rồi lênh đênh đến 2 giờ chiều, đợt nào cá về nhiều phải dậy đi từ 1 giờ đêm đến 9 giờ sáng mới vào bờ. Mấy năm nay cá gần bờ không còn nhiều, bà sắm chiếc thuyền máy chạy ra cách 10 hải lý để câu cá, câu mực. “Ngày nào trúng đậm, tôi kiếm được dăm trăm ngàn, còn bình thường cũng kiếm được dăm chục ngàn bù chi phí xăng dầu. Cũng có lúc thuyền về không, lỗ xăng lỗ mồi nhưng cứ nghĩ được ra biển là vui rồi. Thế là đâu lại vào đó”, bà vui vẻ.

Với người dân làng chài, hầu hết từ nhỏ đã biết đi biển, chẳng những đàn ông mà đàn bà cũng vậy. Biển hiền hòa nhưng cũng nhiều lúc bất chợt nổi giận. Thế nên cũng không ít lần bà Trúc gặp phải những nguy hiểm khi đang câu cá. Cách đây khoảng vài năm, trong một lần câu cá gần bờ, thì bất ngờ gió nổi lên, bà liền gom câu quay thuyền vào bờ. Khi còn cách bờ chừng 2 hải lý thì thuyền bị sóng đánh lật, một mình vật lộn với những con sóng to. Phải mất gần nửa ngày bà mới bơi được vào bờ.

14-05-49_2
Ngày nào trúng đậm bà Trúc cũng kiếm được dăm trăm ngàn

Bà chia sẻ: “Nghề đi biển với đàn ông đã vất vả, là đàn bà còn vất vả hơn. Cũng may là con cái đã lớn, tự lo được cho cuộc sống của chúng. Còn hai ông bà già lo cho nhau, kiếm đồng ra đồng vào túc tắc đủ sống qua ngày. Giờ chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục đi biển chứ với tôi ngồi không ở nhà một ngày là chịu không nổi. Với lại, không đi thì lấy gì mà tiêu”.  

Dạy chồng đi biển

Những người phụ nữ làng chài không chỉ ở nhà lo cơm nước, vá lưới hay đi chợ bán cá mà họ cũng xông pha ra biển, làm bạn với con thuyền. Họ hầu hết là những người phụ nữ trót yêu biển, gắn bó với chiếc thuyền, chiếc noốc. Bởi thế, họ không chỉ đi biển để kiếm tiền nuôi gia đình mà còn cho thỏa niềm đam mê. Rồi họ “truyền nghề” lại cho chồng, dạy chồng cách giăng lưới, thả câu và cả nhìn con sóng, ngọn gió.

Từ nhỏ bà Nguyễn Thị Tâm (xóm Giang Hà) đã theo cha đi biển đánh cá. Năm 12 tuổi, cha mất, gia đình đành bán con thuyền vì không có người lái. Quyết không bỏ biển, bà tiếp tục lên thuyền mưu sinh với bạn, cũng giăng lưới, thả câu như bao bạn thuyền khác.

Lớn lên, bà gặp và kết duyên với chàng trai làm nghề thợ máy và chưa bao giờ biết đến nghề câu. Thế nhưng, sau những lần cùng vợ đi biển đánh cá, ông đã bị chính niềm đam mê nghiệp biển của bà chinh phục. Từ đó, ông “gác búa” lên thuyền cùng bà ra khơi. Chính bà đã dạy cho ông biết giăng câu, thả lưới, nhìn hướng nước chảy để biết chỗ nào cá nhiều, nhìn gió để xem thời tiết…

Bà Tâm chia sẻ: “Tôi cũng không nhớ đi thuyền một mình từ bao giờ nhưng đây là chiếc thuyền thứ 3 tôi thay từ khi đi một mình rồi đấy. Nuôi được 6 đứa con trưởng thành cũng nhờ mái chèo này. Trước đây, có chồng làm “bạn thuyền” còn hỗ trợ được chứ đi một mình, nhiều khi gặp nguy hiểm cũng phải tự xử lý. Xử lý không khôn là thành bữa ăn cho hà bá. Giờ có tuổi rồi, không còn “máu” liều như thời trẻ nữa, có gió thì tránh, biển lặng lại ra khơi. Ngày nào không được ra biển là nhớ, cứ đi ra đi vào chẳng biết làm gì”.

14-05-49_4
Hỗ trợ nhau trước khi bắt đầu chuyến biển mới

Tại bến Cửa Nhượng, các đoàn thuyền đã cập bờ an toàn. Từng khay cá được chuyển lên bờ để thương lái thu mua. Cạnh đó, thuyền bà Nguyễn Thị Châu (xóm Tân Hải, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cũng mang theo vài khay mực lên bán. Đó là thành quả lênh đênh trên biển cả buổi sáng của hai vợ chồng. Từ hàng chục năm nay, bà Châu luôn đồng hành cùng chồng trên những chuyến mưu sinh giữa biển khơi.

Với gia đình bà Châu và nhiều gia đình làng chài này, nghề biển là sinh kế duy nhất lo cho cuộc sống và nuôi các con ăn học. Rất nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều là bạn thuyền của nhau. Họ lên thuyền từ khi tấm bé, sinh – tử trên những con thuyền nên với biển họ mang rất nhiều ân tình. Rồi bà nhìn về phía biển, những con thuyền nhỏ trôi lững lờ, lúc ẩn lúc hiện như cái chấm đen giữa biển khơi. Ít ai biết rằng trên đó là những nữ ngư dân tuổi đã ngoài 50 vẫn miệt mài bám biển mưu sinh.

Theo Tâm Đan/ Báo nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập275
  • Hôm nay37,222
  • Tháng hiện tại812,500
  • Tổng lượt truy cập91,986,229
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây