Mùa này, mỗi buổi sớm mai, hay những buổi trưa hè đi dọc theo bờ biển La Gi (Bình Thuận), ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh thấp thoáng những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi bởi những người làm nghề cào chang chang.
Chứng kiến một ngày làm việc của họ ở nơi “đầu sóng” tôi bắt gặp hai hình ảnh hoàn toàn đối lập nhau trong cùng một không gian, một bên là những du khách đang nô đùa với sóng, đắm mình thưởng thức thiên nhiên trong lành và làn nước biển mát lạnh...và một bên là những ngư dân đang cần mẫn cào chang chang kiếm thêm thu nhập trong những ngày không thể ra khơi, tấm lưng như còng xuống và đẫm mồ hôi… Nhìn xa xa ra biển, tôi có cảm giác họ giống như những “lưỡi cày” trên ngọn sóng.
Ngư dân La Gi đang cần mẫn cào chang chang dưới cái nắng chang chang.
Với sự siêng năng cần cù vốn có của người dân xứ biển, mỗi ngày những ngư dân làm nghề cào chang chang có thể cào hơn vài trăm ký chang chang, với giá thu mua hiện nay, mỗi người có thể kiếm được từ 300 đến 400 ngàn đồng.
Có ngày may mắn họ cào được nhiều thì thu nhập có thể lên tới tiền triệu. Tuy nhiên không phải lúc nào người làm nghề chang chang cũng may mắn như vậy, có những khi thương lái không thu mua, thì ngư dân chỉ có thể đem chang chang ra chợ để bán, nếu bán không hết, thì họ đành phải bán lại với giá vô cùng rẻ cho những người nông dân làm thức ăn cho vịt.
Anh Nguyễn Minh Thắng – Ngư dân thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi cho biết: “Vào những lúc không đi biển, anh tranh thủ đi cào chang chang, công việc bắt đầu từ sáng sớm cho đến giữa trưa cũng kiếm được vài trăm ngàn, đây cũng nguồn thu nhập chính để anh nuôi con cái ăn học, công việc tuy vất vả, nhưng từ nó cũng giúp ích được nhiều cho những người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình anh”.
Vụ mùa chính của chang chang thường vào tháng 2-6 Âm lịch hàng năm, tranh thủ hơn 1 tháng còn lại trong vụ mùa chính của năm nhiều ngư dân cần mẫn đi cào chang chang tại các bãi biển và coi đây là một nghề mang lại thu nhập khá để làm kế sinh nhai.
Để cào được chang chang, ngư dân sử dụng một loại cào đặc biệt gồm một thanh tre dài từ 2 đến 3 mét làm cần cào cột vào chiếc lồng inox hình chữ nhật. Phía trước lồng sắt là những thanh sắt được hàn như những chiếc lược để cắm sâu xuống cát biển cào chang chang lên. Phía sau là túi lưới dài hơn 2 mét, chiếc túi này có công dụng đựng chang chang vừa cào được. Sau khi cào chang chang lên, ngư dân sẽ dùng rổ để sàng chang chang cho sạch bớt cát và rác bẩn.
Chang chang sau khi thu hoạch sẽ được đóng vào bao, thương lái các nơi đến tận nơi thu mua về bán lại cho các lồng nuôi tôm hùm làm thức ăn.
Có thể nói nghề cào chang chang không những mang lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân địa phương La Gi mà những hình ảnh con người cần mẫn nơi sóng biển đã để lại dấu ấn trong lòng du khách gần xa bởi sự mộc mạc, dân giã và chân chất của những người con xứ biển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã