Học tập đạo đức HCM

Cỏ rơm ký sự

Chủ nhật - 21/04/2013 22:18
Cây thanh long đem lại giá trị kinh tế cao, điều này thì giờ đây ai cũng biết, nhưng có được kết quả không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức cho loài xương rồng xứ sa mạc này.

Riêng việc giữ ẩm, giữ rễ cho gốc thanh long đủ sức để “đẻ ra vàng ra bạc” trong những lần chong điện quanh năm đã là một khâu công việc tốn kém, vất vả, với sự cộng lực kịp lúc kịp thời của nhiều người, nhiều công đoạn.

Nghiệp rơm rạ

Có cầu thì ắt có cung, chính nhu cầu dùng rơm phủ gốc chống ẩm của thủ phủ thanh long Hàm Thuận Nam đã đẻ ra các đoàn xe chuyên vận tải rơm bán cho nhà vườn lên đến hơn trăm chiếc. Trên một bãi xe rơm đang tập kết ở thôn Nam Tân, thị trấn Thuận Nam, tôi có cuộc gặp gỡ thân tình với những con người lam lũ đang mang cái nghiệp rơm rạ nhiều năm qua.

Ông Lê Văn Công, 52 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân Lam Sơn thuộc huyện Tánh Linh, chỉ vào đoàn xe rơm 5 chiếc của mình và đưa ra một bài tính: Một xe rơm 2,5 tấn mua qua cò rơm ở các cánh đồng Gia An, Võ Đắc, Mê Pu, Bắc Ruộng, Tà Pao giá 1,6 triệu đồng, thuê tài xế 150.000 - 200.000 đồng/chuyến, tiền bốc vác lên xuống 300.000 đồng/xe, tiền xăng 400.000 đồng/ chuyến… Cộng cả bao ăn tài xế, công chủ xe liên hệ, giao hàng và các khoản lặt vặt (chưa tính hao mòn xe, hư xe) tổng chi phí khoảng 3 triệu đồng cho một xe rơm. Giá bán cho nhà vườn dao động từ 3,1 - 3,3 triệu đồng/xe, mùa khan nhất giá cũng chỉ chạm đỉnh 3,5 triệu đồng. Một năm, một chiếc xe rơm chạy miệt mài không nghỉ (trên 350 chuyến) đem lại lợi nhuận chưa tới 100 triệu đồng. Có đợt rơm khan quá phải lấy hàng tận Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận… thì không tính được đồng lời, chủ yếu là phải có hàng để giữ mối. Đó là chưa tính việc xe rơm tham gia giao thông phải chạy chui chạy nhủi, nộp phạt liên tục vì khối rơm chất trên thùng xe cao quá 2,2m quy định. Ông Công vừa nói vừa móc bóp lấy ra 4 tờ biên bản phạt xe, ông nói: “Một xe thôi đó, tiền đâu mà nộp, phải thay tài xế để xe tiếp tục hoạt động lấy tiền lời chuyến đắp vào, ít nhất cũng phải 5 chuyến mới bù nổi một chuyến bị phạt”.

Ông Phạm Minh Huệ, 45 tuổi, là chủ của một đoàn xe tải nhỏ hơn, tâm sự: “Khổ lắm anh ơi! Anh em tôi lên bờ xuống ruộng, ngủ bờ ngủ bụi, gió sương chịu đựng, lăn lóc, ăn thì cơm hộp, bánh mì nguội lạnh, xa vợ, xa con quanh năm suốt tháng mà đồng tiền kiếm được nhiều nhỏi gì cho cam. Làm như tự dưng mình lại mang cái nghiệp rơm rạ, dính vào nó rồi cứ dính mãi”.

Tài xế Nguyễn Hải, 42 tuổi, nhà ở Gia An, Tánh Linh, một tay anh phải chèo chống nuôi một vợ, ba con nhỏ và mẹ già đang bị tai biến nằm liệt giường, tất cả trông hết vào đồng tiền chạy thuê, mỗi chuyến được 150.000 đồng. “Phải tăng chuyến, xe về, có khi không kịp về nhà tắm rửa là ôm vô - lăng chạy tiếp. Xe lăn bánh liên tục mới đủ tiền gạo mắm, thuốc thang cho cả nhà”.

Tài xế Lê Chí Công, 32 tuổi, chạy xe thuê cho DNTN Lam Sơn thì cho rằng mình may mắn hơn vì có vợ làm nghề may vá phụ giúp, “Sống được nhưng tới lúc con đi học chắc là chật vật. Nói tóm lại, cái nghiệp rơm này đủ lay lắt qua ngày thôi.”…

Quả vậy, cả trường hợp chủ xe như anh Công, anh Huệ hay chạy thuê như anh Hải, anh Chí Công hay rất nhiều tài xế có mặt trên bãi xe rơm lúc này đều gọi cái nghề của mình là nghiệp, tức là đồng tiền kiếm được ít ỏi, chưa xứng với tiền của đầu tư, công sức bỏ ra. Để đủ rơm cung ứng phủ được những khu vườn thanh long xanh mướt ngút ngát của cả huyện Hàm Thuận Nam kia tính ra những người mang nghiệp rơm cũng một nắng hai sương, hao tốn không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt và những hy sinh khác của cuộc sống. Kế sinh nhai, dù chỉ là nghiệp rơm rạ nhẹ bỗng thôi, thật cũng trăm nỗi truân chuyên. 

Biện pháp thay thế dần

Một sáng đầu tháng tư, tôi ghé thăm vườn thanh long của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuận ở  thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. Tấm thảm cây hoàng lạc phủ hết vườn thanh long của anh Thuận đang nở hoa vàng rực trông thật đẹp mắt, anh cho biết: Ngoài việc giữ ẩm, cây hoàng lạc (còn gọi là đậu phộng dại, thấp nhỏ như cỏ) còn giúp chống xói mòn đất, khống chế sự phát triển các loại cỏ độc, nhất là tác dụng cải tạo đất, cung cấp chất hữu cơ, bổ sung vào nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây thanh long. Đầu tư trồng hoàng lạc, phương án cấy nhân giống hợp lý, chỉ mất khoảng 5 triệu đồng/ha trong vòng 5 năm, nếu thay cho việc phủ rơm một năm nhà vườn tiết kiệm gần 20 triệu đồng/ha. Vậy nhưng đa phần diện tích thanh long ở Hàm Thuận Nam vẫn còn phủ bằng rơm cỏ vì không phải ai cũng có tiền mặt đầu tư tới nơi tới chốn theo phương pháp thay thế mới này.

Ông Cao Hoàng Thiện có vườn thanh long trên 3.000 trụ ở thị trấn Thuận Nam cho biết: Vườn phủ hoàng lạc phải dồi dào nước, có hệ thống tưới phun tự động hoặc vườn đất êm, điều kiện nước vừa đủ như vườn nhà thì ông Thiện chọn phương án phủ rơm xen với lượng cỏ phát  triển chính từ nguồn nước thừa quanh gốc thanh long. Một xe rơm 2,5 tấn chỉ phủ được 200 gốc, nhưng theo cách tiết kiệm của ông thì có thể được 300 gốc hoặc hơn nữa. Cách này tiết kiệm nhưng phải chịu khó diệt hết cỏ độc (như cỏ gừng, cỏ cú), khi tưới cũng chú ý tưới chút ít cho cỏ xung quanh. Bình thường 3 tháng cắt cỏ một lần, nếu chăm tưới thì tháng rưỡi đã cắt được. Thời gian vài năm, cộng sổ thấy số tiền tiết kiệm theo cách này cũng được kha khá mà vẫn đạt hiệu quả như mong muốn. Nông dân mà, phải chịu khó chớ sao.

Đúng là như vậy, chịu khó chuyên cần chăm sóc cho cây xanh tốt,  khỏe mạnh thì cây sẽ trả ơn thỏa đáng, vậy nên từ xa xưa, ông bà mình đã đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, chữ “cần” quan trọng đứng ở hàng thứ ba là vì vậy. Dù là nghiệp cỏ rơm hay gì gì thì làm ăn lương thiện đều tốt cả.

Báo Bình Thuận online

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập263
  • Hôm nay56,553
  • Tháng hiện tại887,280
  • Tổng lượt truy cập92,061,009
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây