Ông Hồ Xuân Hùng (ảnh) - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội NNPTNT
Trong Nghị quyết số 30/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Tư pháp trong quý III.2017 phải rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai nhằm tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất (TTRĐ), mở rộng hạn điền. Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo này?
- Tôi cho rằng đây là một chỉ đạo rất kịp thời, có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp nước ta. Một trong những nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam lâu nay luôn thấp là vì quy mô sản xuất quá manh mún. Người dân cũng cần có đất canh tác, nhưng dân có đất manh mún thì chính người dân cũng không khá giả được, nhất là chỉ trồng lúa.
Nông dân Nguyễn Lợi Đức ở huyện Tri Tôn (An Giang) đã tích tụ hàng trăm ha đất để đầu tư sản xuất quy mô lớn. Ảnh: Trại bò quy mô 50ha của ông Đức. Ảnh: Trọng Bình
Phát biểu trước Quốc hội ngày 3.11.2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề xuất: “Bỏ chính sách hạn điền. Không nên sợ tích tụ đất đai. Thực tế, nông dân, DN họ tính toán tích tụ phù hợp với năng lực quản trị, nên không sợ tích tụ lớn quá. Cũng không nên lo tích tụ đất thì nông dân sẽ mất đất sản xuất, mà thực tế nông dân có cơ hội để trở thành công nhân nông nghiệp, thu nhập ổn định”.
|
Thứ hai, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, với quy mô đất đai nhỏ lẻ thì không thể áp dụng được máy móc, công nghệ. Thứ ba, vai trò dẫn dắt nền nông nghiệp hiện nay không thể là hộ nông dân nhỏ lẻ, mà nhất định phải là DN. Muốn vậy, không thể nào khác được là phải sửa đổi chính sách, tạo môi trường thuận lợi để TTRĐ, mở rộng hạn điền. Quan điểm của tôi là hoàn toàn ủng hộ việc nới rộng hạn điền.
Theo ông, nếu sửa đổi Luật Đất đai, nới rộng hạn điền thì cần sửa thế nào?
- Tôi cho rằng cần thiết phải mở rộng hạn điền để tạo điều kiện cho những người có điều kiện kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ xem mở rộng hạn điền đến đâu là hợp lý, vì nếu mở ít thì không có ý nghĩa gì cả, đồng thời phải xem xét nhiều chiều để việc mở rộng hạn điền không tạo ra hệ lụy xấu. Ví dụ có thể quy định trong hạn điền không phải nộp thuế, còn diện tích ngoài hạn điền phải nộp thuế.
Tuy nhiên tôi cũng cần nhấn mạnh thêm, lâu nay chúng ta cũng có tích tụ, nhưng nặng về dồn điền đổi thửa. Theo quan điểm của tôi, thực chất dồn điền đổi thửa chỉ có lợi cho những người nhiều ruộng, người giàu có, còn người ít ruộng, hoặc những người chỉ sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp thì sau khi dồn đổi cũng không có thay đổi gì nhiều.
Thậm chí ở một số nơi còn có chuyện sau khi dồn điền đổi thửa, người có quyền lực giành miếng đất tốt, còn đất xấu để cho người yếu thế. Nói như vậy không có nghĩa là tôi phản đối TTRĐ, mà phải có giải pháp tích tụ thế nào để giải quyết những mâu thuẫn đã từng xảy ra đó một cách hài hòa để tất cả các bên cùng có lợi.
Ông có thể chia sẻ một số xu hướng TTRĐ hiệu quả hiện nay?
- Ở nước ta đang có một số xu hướng tích tụ khá hiệu quả, tuy nhiên trong tích tụ, nhiều người vẫn nghĩ phải thu hồi đất của dân để giao cho DN, và lo sẽ bị mất đất chứ không nghĩ rằng phải liên kết với DN, HTX để tạo ra một cuộc chơi tất cả cùng có lợi, trong đó chi phí ban đầu của DN sẽ được giảm ở mức thấp nhất. Một loại tích tụ nữa khá hiệu quả, đó là nông dân góp cổ phần với DN bằng đất, DN sẽ trả lợi tức cho bà con. Đây là mô hình mà Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai khá hiệu quả.
Tôi cũng đã có lần đề xuất Nhà nước cần tính đến việc thành lập một ngân hàng đất để DN chủ động đến vay, thuê sử dụng. Tuy nhiên, phải có chế ước, ràng buộc để người dân gửi đất vào đó mà vẫn có thu nhập, có lãi cũng như không bị mất đất. Phải có cơ chế để người dân không bị mất đất khi DN thua lỗ. Chúng ta cũng phải nghĩ tới tình huống DN cố tình “tạo ra” việc làm ăn thua lỗ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân.
Nông dân huyện Hoài Đức, Hà Nội thu hoạch rau cải bắp. Ảnh: Trần Quang
Thưa ông, trong quá trình đó, vai trò của Nhà nước cần thể hiện như thế nào để không để xảy ra chuyện DN thuê đất của nông dân rồi lại biến thành nhà máy, sân golf...?
- Nhà nước không để DN đặt ra tình trạng lỗ để chiếm đất của dân hay lợi dụng cơ chế tích tụ đất đai của Nhà nước để xin chuyển đổi sử dụng mục đích. Đối với những DN vi phạm quy định, phải có chế tài xử lý. Trường hợp không sử dụng đất theo đúng mục đích thì bắt buộc phải thu hồi.
Theo tìm hiểu của tôi, xu hướng tích tụ thành công nhất hiện nay chính là DN liên kết với nông dân. Đây cũng là xu hướng mà Trung Quốc đang triển khai rất thành công, theo đó người nông dân Trung Quốc trở thành công nhân của DN. Khi DN không may bị phá sản thì đất ai về nhà nấy.
Vậy theo ông chúng ta có nên bỏ quy định về hạn điền?
- Bỏ thì không nên, vì trong giai đoạn hiện nay nhiều luật và chính sách của chúng ta chưa đầy đủ. Chúng ta sửa đổi Luật Đất đai nhưng vẫn nên có quy định về hạn điền. Chúng ta đề ra giới hạn, nhưng nên nới rộng cả về không gian, thời gian để đáp ứng chu kỳ dài hơi của sản xuất, của một thế hệ người nông dân. Hạn điền là cần thiết để không xảy ra chuyện người giàu “ôm” hết tài nguyên đất đai của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Tích tụ theo cơ chế thị trường Quá trình TTRĐ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, trong đó DN, chủ trang trại, HTX là những tác nhân chính tham gia quá trình TTRĐ. Tuy nhiên cần xác định rõ quyền sở hữu đất đai của nông dân để có cách TTRĐ theo cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Ruộng đất là phương tiện sống của người nông dân, do đó TTRĐ phải đi kèm với việc nông dân được đảm bảo quyền lao động, làm việc. Nếu không đảm bảo được 2 yếu tố đó sau TTRĐ thì sẽ không thành công. GS - TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ: Cấm làm kiểu bắt bí, ép buộc, mua rẻ đất... Nhà nước cần phải hoàn thiện luật, TTRĐ để sản xuất chứ không phải đầu cơ, tích trữ, lạm dụng quyền sở hữu, sử dụng đất. Theo đó, cần phải cấm TTRĐ theo kiểu bắt bí, ép buộc để mua rẻ đất, lập dự án treo, phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Đồng thời, TTRĐ cần thiết phải quan tâm đến đời sống của người nông dân. Các nhà đầu tư có thể nhận người nông dân bán đất cho mình vào làm công nhân để cả đôi bên cùng có lợi. Sản xuất lớn chủ yếu là cơ giới hóa nhưng cũng có nhiều công đoạn cần lao động thủ công. Ngoài ra, đối với những lao động dôi dư, những người không muốn sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước cũng cần có chính sách, kế hoạch thích hợp nhằm tạo việc làm thường xuyên cho họ. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hạn điền làm giảm động lực của doanh nghiệp Khó khăn lớn nhất của các DN sản xuất nông nghiệp vẫn là về đất đai. Nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) dù có ý định đầu tư vào Việt Nam, nhưng khó có thể tìm được diện tích đất đủ lớn để sản xuất theo hướng hàng hóa. Luật Đất đai đang có hạn chế về hạn điền, một cá nhân chỉ được sở hữu diện tích nhất định, điều này đang làm tăng chi phí sản xuất, rủi ro và giảm động lực của DN. Chúng tôi rất phấn khởi vì thấy Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các nhà chức trách đang thảo luận về việc nới rộng hạn điền, giúp người dân và DN tham gia sản xuất thuận lợi. Thiên Ngân (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;