Học tập đạo đức HCM

Dừa Bến Tre phải phát triển như kỳ vọng Thủ tướng

Chủ nhật - 30/07/2017 18:41
Bến Tre được mệnh danh là thủ phủ dừa của cả nước, với diện tích khoảng 70.000ha. Cây dừa giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, khi sự tồn vong của nó ảnh hưởng tới đời sống 40% dân số.

 

    Ngoài ra, loại cây này còn được đánh giá cao trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mới đây, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nêu bật vai trò quan trọng cây dừa đồng thời kỳ vọng phát triển mạnh cây trồng này trên quê hương Đồng Khởi.  

“Cây thích ứng”

Ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre cho biết: Bến Tre có đường bờ biển Đông dài 65km kết hợp cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt nên chịu tác động nặng của BĐKH. Tỉnh được xếp thứ 8 trong số 63 tỉnh thành cả nước bị rủi ro cao của BĐKH. Đặc biệt, theo dự báo đến năm 2020, mực nước biển dâng 12cm thì tỉnh Bến Tre sẽ bị ngập hơn 272km2, làm ảnh hưởng đến đời sống gần 98.000 người dân. Nước biển dâng sẽ làm toàn bộ diện tích lúa nước sẽ bị mất mùa. Vấn đề đặt ra là cây trồng nào thích ứng được điều kiện này tại Bến Tre?

18-47-01_2_3
Dừa không chỉ là “cây kinh tế” của người dân Bến Tre mà còn giữ một vai trò quan trọng trong thích ứng với BĐKH tại địa phương này

Theo ông Chương, cây dừa có thể sinh trưởng và phát triển trong mọi điều kiện từ khắc nghiệt của khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng của miền Trung. Còn tại ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng, cây dừa có thể sống trong điều kiện mặn xâm nhập, đất nhiễm phèn nặng. Cây dừa tỏ ra thích nghi tốt, phục hồi nhanh chóng sau khi bị ảnh hưởng. Một ưu điểm khác của cây dừa là vấn đề sâu, bệnh gây hại không nghiêm trọng như các cây trồng khác. “Chưa xét tới những giá trị khác như góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo khí hậu ổn định, chống xói mòn, giữ vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái tại địa phương... thì với những khả năng đa dạng, cây dừa tỏ ra vượt trội và phù hợp hơn tất cả các loại cây địa phương đang có trong điều kiện BĐKH hiện nay”, ông Chương nói.

Thực tế, sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2015 - 2016 cho thấy, tỉnh Bến Tre có diện tích lúa thiệt hại lên đến hơn 20.000ha; diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng không dưới 5.200ha... Trong đó, tỷ lệ mất trắng chiếm khoảng 60 - 70%. Tổng giá trị thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp ước tính khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong vùng rốn mặn đó, cây dừa vẫn hiên ngang trụ vững.

Ông Huỳnh Quang Đức, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cho biết: Từ mùa hạn mặn lịch sử vừa qua chúng ta có thể thấy rõ: Tất cả các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng. Trong đó, nhạy cảm nhất chính là các loại cây ăn trái. Chỉ cần trong môi trường nước có độ mặn, cây chôm chôm đã có thể chết; bưởi da xanh sẽ rụng hoa và cây sầu riêng sẽ không còn một trái nào. Khả năng chịu đựng của cây lúa cũng không quá vài phần ngàn nên thiệt hại hàng loạt.

Còn đối với cây dừa, ngay tại vùng ven biển, độ mặn tăng quá 10 phần ngàn, cây dừa có thể chống chịu và sống được. Khi độ mặn tiếp tục tăng và duy trì thời gian dài cây dừa mới bị giảm năng suất. “Phải nói chính xác là cây dừa chỉ bị dịch chuyển mùa vụ. Tức là khi bị hạn, mặn tác động, cây dừa cho trái ít lại. Nhưng sau đó, từ từ thích ứng và hồi phục lại một cách nhanh chóng và hiện nay sản lượng dừa của tỉnh đã dần ổn định. Hoàn toàn không có chuyện bị mất mùa hay thất trắng như các loại cây khác”, ông Đức nói.  

Bị bỏ quên?

Cũng theo ông Đức, hiện người dân trồng dừa có nguồn thu khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, bà con còn có thể kết hợp cùng các mô hình khác như nuôi tôm càng xanh dưới kênh, mương. Đặc biệt, trong vườn dừa, người dân có thể trồng xen các loại cây khác như ca cao, bưởi... mang lại giá trị thêm hàng chục triệu đồng cho các nông hộ. Tức là trên mỗi hecta, người dân có thể thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu không phải thấp, tuy nhiên do tại địa phương đất của bà con rất ít nên so với các nơi khác vẫn chưa đáng gì.

"Chúng tôi rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu để tạo đột phá về giống, kỹ thuật... nhằm tăng thu nhập cho bà con trồng dừa. Nhưng có một thực trạng buồn, hiện nay các nghiên cứu, đầu tư cho cây dừa rất hạn chế. Chính sách của Chính phủ và các bộ ngành trung ương dành cho cây dừa rất ít, không có cái nào riêng dành cho cây dừa. Các mô hình chúng tôi đang triển khai đến người dân đều do địa phương tự lực cánh sinh. Các công tác khác, hay chương trình dành cho cây dừa như trợ giá giống... chủ yếu địa phương tự thực hiện", ông Đức than thở.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công thương Bến Tre, cho biết: Giá trị kinh tế của cây dừa đã được khẳng định. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp thì cây dừa là loại cây có thể tận dụng tất cả mọi thứ để chế biến và tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp bậc nhất trong các loại cây. Nhưng hiện cây dừa còn chưa có trong danh mục cây trồng. Phải thừa nhận, chính sách cho cây dừa rất khiêm tốn.

Trong vấn đề xuất khẩu, sản phẩm dừa cũng không có đặc cách nào ngoài được hưởng ưu đãi trong nhóm các sản phẩm nông sản. Thậm chí vấn đề nghiên cứu về cây dừa cũng chỉ có Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (thuộc Bộ Công thương). Nhưng họ cũng tập trung vào các loại cây khác nhiều hơn loại cây “thứ yếu” - dừa.

18-47-01_1_3
Nhiều thách thức đang được đặt ra cho ngành dừa Bến Tre

Ông Nam phân tích: Thời gian qua, nhiều tỉnh thành chịu tác động mạnh của BĐKH, cây dừa mới được chú ý nhiều hơn và mở rộng diện tích hơn. Nhưng diện tích dừa của cả nước, chưa được bằng diện tích lúa của một tỉnh tại ĐBSCL. Các tỉnh khác họ có thế mạnh riêng về lúa, tôm, trái cây... còn cây dừa chỉ giữ vị thế đầu tàu về kinh tế của 1 - 2 tỉnh, nên không được quan tâm nhiều cũng có thể hiểu được.  

Đối mặt thách thức

Cũng theo ông Nam, chính vì thực tế trên mà ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu dừa hiện nay rất manh mún. Bến Tre là “ông trùm” về công nghiệp dừa của cả nước, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dừa có thể kể ra hàng trăm. Nhưng nói đến doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì đếm chưa hết đầu ngón một bàn tay. Thậm chí, một số doanh nghiệp được xem là lớn của Bến Tre, hiện vẫn không đủ sức mở các cửa hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm của mình ở nước ngoài do thiếu vốn thì làm sao cạnh tranh với nước khác.

Ngoài ra, giá dừa nguyên liệu của nước ta đang cao gấp hơn 2 lần giá dừa Indonesia, Philippines cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ doanh nghiệp tư nhân Tân Phước Hưng (TP Bến Tre) nêu thực trạng: Gần 2 tháng qua doanh nghiệp tôi tạm thời ngưng hoạt động do giá dừa quá cao. Sản phẩm làm ra có giá thành cao hơn giá thị trường của các nước khác. Nếu không có giải pháp tăng năng suất, giảm giá dừa xuống thì dù dừa chúng ta ngon đến đâu cũng khó cạnh tranh với nước bạn.

Song song đó, nhiều năm qua, tỉnh Bến Tre đã chủ trương xây dựng chuỗi liên kết giá trị cây dừa để tạo cú hích về sản lượng cũng như chất lượng cho cây dừa. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn còn tồn tại rất nhiều vướng mắc. Sợi dây liên kết giữa nông dân và người dân có thể đứt bất cứ lúc nào. Chưa nói đến vấn đề, hiện cây dừa của Bến Tre vẫn còn trên bước đường hồi phục, chưa tìm lại “bản năng” vốn có...

Trước những thách thức này, tỉnh Bến Tre cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng tâm ngành dừa như lời Thủ tướng “dặn dò” trong Hội nghị Xúc tiến Đầu tư của tỉnh vừa qua.

Theo một tài liệu nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ), cây dừa có vai trò quan trọng trong việc tham gia hấp thụ làm giảm phát thải khí cacbon dioxit (CO2) ra khí quyển. Điều này có một ý nghĩa nhất định trong cuộc chiến chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu tại Philippines (Severino S. Magat, 2009) đã chứng minh, cây dừa trên 10 năm tuổi có khả năng hấp thu khoảng 24 tấn CO2/ha/năm. Một nghiên cứu khác của Đại học Cần Thơ tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (Nguyễn Thị Thanh Trúc và Lê Anh Tuấn, 2015) thì vườn dừa trong độ tuổi từ 4 đến 10 năm có khả năng hấp thu xấp xỉ 25 - 75 tấn CO2/ha/năm.
 
Theo báo nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập684
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại779,496
  • Tổng lượt truy cập93,157,160
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây