Ngày đầu năm 2018, 7 giờ sáng ông Nguyễn Văn Ngọc, người nuôi gà lớn nhất hiện nay ở Việt Nam với gần 1 triệu con, hồ hởi: “Ngày đầu năm 2018 báo tin vui: giá gà trắng vẫn giữ mức 26.000 đồng/kg”. Trong bối cảnh đang chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt với thịt gà ngoại giá rẻ, việc ông Ngọc bán được con gà ngay tại trại ở mức 26.000 đồng/kg quả là một tin vui lớn.
Hàng rào kỹ thuật trong nhập gà giúp cho nông dân có thể cười trong năm 2018.
Sau câu chuyện giá cả, ông Ngọc nhận định: ngành gà trắng công nghiệp có quy mô hơn 150 triệu con trong năm 2018 sẽ tốt hơn năm ngoái với ba lý do.Thứ nhất là người chăn nuôi đã cắt giảm tối đa chi phí chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để giá thành còn 22.000 – 23.000 đồng/kg, đủ sức cạnh tranh với thịt gà nhập. Thứ hai, năm nay các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng dây chuyền chế biến, nâng công suất xuất khẩu thịt gà đi Nhật, châu Á và châu Âu.
Theo ông Ngọc, đây là yếu tố góp phần giải quyết đầu ra cho ngành gà, thúc đẩy nông dân đầu tư. Thứ ba, chính sách kiểm soát thịt gà nhập khẩu tiếp tục của cục Thú y, sẽ hạn chế tối đa sản lượng mặt hàng này bán vào Việt Nam trong năm 2018.
Từ đầu năm 2017, Cục Thú y triển khai biện pháp kiểm tra chất lượng thịt gà nhập khẩu ngay tại cảng, nghĩa là, doanh nghiệp không được phép “thông quan trước, kiểm tra sau” như trước. Điều này giúp tình hình giám sát chất lượng hàng nhập tốt hơn, ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí lưu hàng tại cảng, tăng giá thành thịt nhập nên giá gà nhập không còn rẻ như trước.
“Lâu nay, lượng gà nhập ngang với gà nuôi trong nước. Do chúng ta chưa kiểm soát tốt vấn đề chất lượng nên gà nhập có giá chỉ bằng 50% so với gà nuôi, khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Hy vọng năm nay, Nhà nước vẫn áp dụng các biện pháphàng rào kỹ thuật”, ông Ngọc tâm sự.
Cá tra và tôm vẫn đang hưởng lợi giá cao vì thị trường xuất khẩu đang trên đà hồi phục. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu dao động 27.000 – 29.000 đồng/kg tại ao, mức này dự báo còn duy trì đến hết quý 1/2018 do nguồn cung không còn nhiều, trong khi các thị trường Trung Quốc, Hong Kong vẫn đang đẩy mạnh nhập khẩu cho tết Nguyên đán 2018. Riêng thị trường Mỹ, dự báo năm 2018 vẫn là năm mang đến cơ hội bán được giá cho con cá tra do chính sách thuế và áp dụng luật Farm Bill làm tăng chi phí.
Giá heo hôm nay đang tăng trở lại - không mong phải “giải cứu” đàn heo
Với con heo, sau hơn 14 tháng (bắt đầu từ tháng 11.2016) giá giảm liên tục, đến cuối tháng 12.2017 giá tăng trở lại trên khắp cả nước, nông dân nuôi heo hy vọng có lãi trong năm 2018. Hiện nay, giá heo hơi ở các tỉnh phía Bắc đang cao hơn phía Nam từ 5.000 đồng/kg, ở mức 33.000 – 35.000 đồng/kg.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay đang ổn định trong khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Ảnh minh họa
Đánh giá tình hình chăn nuôi heo trong năm 2018, ông Jirawit Rachatanan, Phó Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, nhận định “nông dân sẽ có tiếng cười” chứ không “khóc than” như 2017. Ông Jirawit đưa ra nhận định này dựa trên cơ sở tổng đàn heo xuất chuồng đang giảm khá mạnh do từ quý 1/2017, nông dân thua lỗ đã chủ động loại heo giống.
Phân tích này trùng với thống kê của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, rằng hiện đàn heo cả nước đã giảm 5,7% so với các tháng đầu 2017. “Thị trường không còn áp lực dư cung thịt heo như cách nay ba bốn tháng, ngoài ra, dịp tết Nguyên đán sắp tới sức tiêu thụ tăng lên sẽ giúp giá heo hơi tiếp tục tăng”, ông Jirawit nói.
Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng cho rằng, tổng đàn heo hiện nay cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, không dư thừa như trong suốt 14 tháng qua. Cung cầu ổn định là yếu tố giúp giá heo hơi trong năm 2018 giữ mức ổn định, người nuôi có lãi. Trong trường hợp giá heo tăng đột biến, trên 40.000 đồng/kg,sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc đẩy mạnh nhập heo, lên 15.000 – 20.000 con/ngày như năm 2016, chắc chắn lúc đó sẽ xảy ra tình trạng hụt nguồn cung, gây biến động giá, vì nông dân muốn bổ sung thêm sản lượng phải mất thời gian một năm mới có hàng.
“Tôi cho rằng, giá heo ở mức 35.000 – 40.000 đồng/kg là đáp ứng lợi nhuận ổn định cho nông dân, giúp họ duy trì đàn. Nếu xảy ra tình trạng giá cả tăng đột biến, người nuôi đổ xô tăng đàn, cung vượt cầu, xã hội lại phải ra tay giải cứu”, giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi ở Bình Dương, phân tích.
Quý 1/2018, người dân TP.HCM sẽ có thịt sạch Năm 2018 là thời hạn cuối cùng TP.HCM đặt ra cho sáu nhà máy giết mổ công nghiệp có công suất hơn 10.000 con heo/ngày phải hoàn thành. Trong quý 1 năm nay, một nhà máy giết mổ ở Hóc Môn sẽ đi vào vận hành để kịp cung cấp thịt cho thị trường tết Nguyên đán. Các nhà máy còn lại, theo tiến độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ đầu tư, chậm nhất đến quý 3/2018 sẽ đi vào hoạt động. Hơn 10 triệu dân TP.HCM đang mong mỏi được sử dụng thực phẩm giết mổ trong các nhà máy công nghiệp hiện đại. Con heo, con gà… được giám sát từ lúc nuôi đến lúc đưa vào giết mổ trong các nhà máy công nghiệp, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ có chất lượng đảm bảo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;