Sở NNPTNT Đồng Nai thông tin, cơn khủng hoảng của ngành chăn nuôi lợn vẫn đang diễn ra với dự báo tiếp tục có thêm một số cơ sở đóng cửa vì phá sản sau thời gian thua lỗ kéo dài. Nhiều trang trại đã phải bỏ chuồng vì giá lợn giảm.
Thức ăn chăn nuôi chưa đủ đáp ứng
Giá lợn vẫn giảm, còn giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao do ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng đủ nhu cầu. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Trước đây, do chưa mở cửa thực sự nên giá thành trong nước còn cao. Nhiều doanh nghiệp bán sản phẩm chăn nuôi ngay trong nước đã có lời nên không cần xuất. Khi Chính phủ ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp mới thấy rõ áp lực tăng cao và buộc phải suy nghĩ nghiêm túc lại vấn đề hạ giá thành”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT |
Theo thống kê, tổng đàn lợn của Đồng Nai giảm 17,5% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, giá lợn hơi kéo dài bấp bênh ở mức thấp vì cung vẫn vượt cầu.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, công tác thống kê số liệu cần xem xét lại. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10.2016, tổng sản lượng thịt gia cầm cả nước đạt trên 900.000 tấn. Khi tính chỉ số chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi (FCR), Hội Chăn nuôi cho biết, tổng sản lượng thịt gia cầm phải lên tới 2,5 triệu tấn. “Độ chênh lệch rất lớn, khiến người chăn nuôi ảo tưởng dư địa còn nhiều nên cứ thế sản xuất, dẫn đến dư thừa như hiện tại” - ông Vang nói.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam thừa nhận công tác thống kê chỉ ngồi “phòng lạnh” thì chẳng khác nào đếm cua trong lỗ. Về năng lực sản xuất, ông Lịch cho biết, ngành TĂCN của Việt Nam đứng đầu ASEAN, nhưng mỗi năm phải nhập khẩu 58 triệu tấn ngô, 46 triệu tấn khô đậu tương, 500.000 tấn bột thịt xương, 500 triệu USD các thức ăn bổ sung.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng không chỉ đơn thuần do giá nguyên liệu mà còn do giá USD lên xuống bập bùng, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Không như các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước hiện phải vay lãi suất cao từ 9-11% để nhập khẩu nguyên liệu.
“Ngành sản xuất TĂCN tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và liên quan đặc biệt đến cả môi trường. Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa về lãi suất vay để giúp giảm giá thành” - ông Lịch đề nghị.
Theo Cục Chăn nuôi, cả nước có 218 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 31 triệu tấn. Số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu một lượng đáng kể khoảng 3 triệu tấn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu giàu đạm trong nước còn hạn chế (150.000 tấn bột cá, 270.000 tấn đậu tương) trong khi nhu cầu nhóm nguyên liệu này là khoảng 5 triệu tấn/năm.
Sự phát triển quá nóng của việc tăng công suất và sản lượng TĂCN gây ra xáo trộn thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa có sự đầu tư về công nghệ, thiết bị lại chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở các vùng có ngành chăn nuôi phát triển làm mất cân đối giữa các vùng.
Cần chủ động nguồn vaccine
Theo mục tiêu Đề án 440, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở 5 tỉnh Đông Nam Bộ, chỉ mới Đồng Nai có 2 huyện Trảng Bom, Thống Nhất được bộ công nhận vùng an toàn dịch bệnh. Bình Phước là địa phương khiêm tốn nhất khi dự kiến năm 2017 sẽ không có xã, vùng nào đảm bảo an toàn dịch bệnh như mục tiêu thí điểm.
Ông Võ Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Tây Ninh kể, do địa bàn tỉnh giáp biên giới, việc kiểm soát dịch tễ có nhiều khó khăn nên chỉ chọn huyện Dương Minh Châu để thí điểm. Tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở tập trung nên nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vốn đầu tư chuồng trại an toàn dịch bệnh lớn, cùng chi phí giám sát để duy trì công nhận an toàn (trên 10 triệu đồng/trại) là khá cao, trở thành áp lực khi giá bán sản phẩm thấp.
“Tỉnh Tây Ninh cũng đang xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn VietGAHP. 2 chứng nhận này có nhiều điểm tương đồng như thẩm định vệ sinh, điều kiện chuồng trại, vệ sinh con giống… Rất nhiều cơ sở đề nghị cần thống nhất lại để giảm bớt chi phí chăn nuôi” - ông Vinh nói.
Ngay tại tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cũng cho rằng để xây dựng vùng an toàn dịch phải thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết là phải đảm bảo tiêm phòng trên một quần thể lớn với tỷ lệ bảo hộ cao trong nhiều năm. Sau đó sẽ có các giải pháp khác để tiếp tục kiểm soát. Áp lực vaccin đối với bệnh lở mồm long móng ở Đồng Nai rất lớn nhưng vẫn chưa chủ động đủ nguồn vaccine.
“Vaccine cho người đã được xuất khẩu đi nhiều nước, nhưng cho vật nuôi phải đi nhập. Cần thiết phải thiết lập ngành sản xuất vaccine. Nếu phân lập được các chủng virus trong nước thì việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn” - ông Quang chia sẻ.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;