Học tập đạo đức HCM

"Hai lúa" muốn đòn xoay chính sách

Thứ tư - 29/01/2014 10:45

"Hai lúa" muốn đòn xoay chính sách

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển Nông nghiệp nông thôn, vẫn trăn trở với nỗi lo về sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Sau gần ba mươi năm đổi mới, không hề cường điệu khi nhìn nhận, nông nghiệp đóng vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển Nông nghiệp nông thôn, vẫn trăn trở với nỗi lo về sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, bắt đầu từ chủ thể người nông dân - đối tượng tạo nên những giá trị bền vững.

Cuộc trở về của người nông dân

Sau năm năm triển khai Nghị quyết số 26, ngày 3.8.2008 của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhìn lại, có điều gì khiến đồng chí trăn trở?

Từ năm 2008 trở lại đây, kinh tế thế giới suy giảm, Việt nam cũng gặp khó khăn, thì nông nghiệp đã đóng vai trò hết sức quan trọng, thu hút lao động bị mất việc từ thành thị, và các doanh nghiệp... trở về. Nông nghiệp tạo ra việc làm, tạo thu nhập tối thiểu cho người lao động nông thôn. Và điều quan trọng hơn, nông nghiệp đóng vai trò giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.


Lúa thu hoạch được tập trung về kho tại huyện Tân Hồng - Đồng Tháp

Tuy nhiên, xét về cơ cấu kinh tế chung, đóng góp của nông nghiệp trong GDP sau nhiều năm giảm tích cực, vài năm nay đã dừng ở mức hơn 20% GDP, chứng tỏ thực tế chuyển đổi cơ cấu trong nền kinh tế chững lại. Điều quan trọng nữa là còn đến 70% dân số sống ở nông thôn. Xét về lực lượng lao động, hiện một nửa là nông dân. Lao động rút ra khỏi nông thôn quá chậm khiến cho năng suất lao động toàn xã hội trì trệ. Dù vậy, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn không được thu hẹp. Có vẻ chúng ta đang rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".

Quan điểm của đồng chí như thế nào khi có ý kiến: nông nghiệp - "trụ đỡ" của nền kinh tế, đang yếu đi?

Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng của kinh tế đất nước nhưng chúng tôi nhận thấy, so với mức tăng trưởng của nông nghiệp trong những lúc đóng vai trò cứu nguy cho nền kinh tế ở những thời điểm khó khăn trước như khi Khối Đông Âu tan rã, hay thời kỳ khủng hoảng kinh tế Đông - Nam Á, thì đã yếu đi nhiều. Điều ấy cho thấy, ngành nông nghiệp đã kiệt sức, sau một thời gian dài huy động nội lực theo cách "vắt mũi chưa đủ nuôi miệng" mà chỉ nhận được sự đầu tư ít ỏi của toàn xã hội. Một khi nông nghiệp kiệt sức, sẽ không thể trông đợi sự bứt phá nào được.

Khi "sức kiệt", liệu người nông dân còn có thể đảm nhận vai trò chủ thể của quá trình phát triển, thưa đồng chí?

Nếu mô tả ngắn gọn nhất về người nông dân, có thể nói họ là lớp người đóng góp, cần cù, sáng tạo nhất xưa nay và mọi hy sinh, chịu đựng không làm họ từ bỏ vị thế của người chủ. Mô hình khoán trong hợp tác xã, nhờ những người nông dân vô danh, thắp lên điểm sáng đầu tiên tạo nên kinh tế thị trường. 

Khi chứng khoán, bất động sản lên họ lo bị thu hồi đất, thế nhưng khi kinh tế suy giảm, họ lại là người chịu thiệt để xuất khẩu, chịu giá thấp để kéo lạm phát xuống. Chẳng những đổ mồ hôi làm ra thành tựu kinh tế, gìn giữ gốc văn hóa truyền thống của cha ông, bảo vệ môi trường của đất nước mà còn đổ máu bám biển đánh cá, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia.

Không thể bỏ lỡ cơ hội

Chiếm tỷ lệ lớn trong dân số nhưng nông dân lại trở thành nhóm chịu thua thiệt. Đồng chí giải thích nghịch lý ấy như thế nào?

Trong khi nhiều chính sách phát triển nông nghiệp thật sự đã tạo ra động lực thúc đẩy nông dân hăng hái sản xuất thì vẫn còn những chính sách vĩ mô hoặc chuyên ngành khác ảnh hưởng xấu đến đời sống nông dân. 

Tình trạng "cánh kéo giá", tốc độ tăng giá vật tư nhanh hơn tốc độ tăng giá nông sản, kéo dài nhiều năm, việc bồi hoàn không công bằng cho người bị thu hồi đất, sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ phục vụ đời sống và sản xuất, sự thiệt thòi trong cơ hội cư trú và mưu sinh... Như vậy, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn còn nhiều điều không ổn vì chưa điều chỉnh được định hướng chảy tài nguyên ra khỏi nông thôn của thị trường.

Và phải chăng đó là do mặt trái công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), thưa đồng chí?

Không phải lỗi tại CNH, HĐH mà là do cách thức chúng ta tiến hành việc này không hợp lý. Thế mạnh của đất nước là nông nghiệp, thì định hướng phát triển công nghiệp và đô thị phải lấy đấy làm ưu tiên. 

Nếu tập trung cho ngành công nghiệp sản xuất máy nông nghiệp thì Việt Nam đã có ngành cơ khí mạnh, có thể còn xuất khẩu chứ không phải ra sức bảo hộ ngành công nghiệp ô-tô phục vụ thị dân, chất lượng đã kém mà giá bán lại đắt hơn người ta. Sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu,... cũng là những ngành chúng ta bỏ phí. Việt Nam chịu thiệt xuất khẩu nông sản thô, dành phần làm giàu cho thiên hạ từ công nghiệp chế biến nông sản...

Phát triển đô thị, nhất là những thành phố lớn được ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và dịch vụ để vừa sản xuất nông nghiệp, thủ công như mọi tỉnh, thành phố khác, đồng thời làm mọi ngành công nghiệp, dịch vụ từ đơn giản đến phức tạp. Trách nào, trí thức đào tạo bao nhiêu dồn hết về đô thị. Dân quê không chỉ đổ lên đô thị kiếm ăn mà còn đổ về chữa bệnh, học hành vượt cấp... Chính đô thị tự bóp nghẹt mình vì quá ôm đồm mọi chức năng thượng vàng hạ cám của kinh tế cả nước.

Đồng chí nói đến kinh tế, nhưng người nông dân liệu có đánh mất chính mình khi nguồn cội gốc rễ văn hóa làng bị xâm thực, bào mòn?

Trong thực tế ở nhiều quốc gia Âu, Mỹ công nghiệp hóa trước đây, không những nông thôn tan vỡ mà giai cấp nông dân còn bị bần cùng hóa, trở thành dân nghèo thành thị và công nhân vô sản. Trải qua hàng trăm năm cách mạng, đấu tranh, và lao động vất vả, những tầng lớp ấy mới trở thành thị dân bây giờ. Tức là họ phải trả giá bằng rất nhiều máu và nước mắt, nhiều hy sinh và đau đớn. 

Chúng ta không được phép như thế. Việt Nam phải tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong 15-20 năm tới đây, như vậy cần tính đến chuyện chuyển hàng chục triệu lao động từ các ngành nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp và rất nhiều người từ nông thôn ra đô thị. Phải có chương trình kinh tế - xã hội to lớn và hoàn chỉnh để có thể tạo được sinh kế, địa bàn cư trú cho họ. 

Có bảo đảm được đời sống kinh tế thì mới có thể ổn thỏa vấn đề văn hóa, môi trường. Nếu không làm chủ được quá trình biến chuyển xã hội ấy mà bỏ quên nông nghiệp, nông thôn, thì đừng nói đến giá trị truyền thống, môi trường tự nhiên được bảo tồn mà ổn định chính trị, xã hội cũng khó mà còn.

Theo đồng chí, lúc này người nông dân cần gì khi mà sự thừa nhận vai trò đã có, nhưng chính sách hỗ trợ vẫn thiếu thốn?

Những người thật sự có công không mong đợi lòng trắc ẩn, xót thương, mà cần sự tôn trọng, cung cách cư xử công bằng. Họ cần được hưởng đúng những gì chính sách cam kết với họ, được làm những gì là quyền pháp luật quy định. Được hưởng những cơ hội công bằng như mọi đối tượng khác. Hãy thực hiện đúng chính sách theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 26: "Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển".
Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập234
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm221
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại195,685
  • Tổng lượt truy cập90,259,078
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây