Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuất hiện thường trực trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh và bước đầu nhận được sự đồng tình của người dân. Khởi động vào năm 2010 với chưa đến 1.500ha thực hiện liên kết, 02 năm sau, diện tích tham gia mô hình này tăng lên gần 12 lần, một kết quả thực sự ấn tượng. Còn trong vụ Đông Xuân 2012 – 2013, hơn 11.000 hộ dân cũng hăng hái tham gia mô hình với diện tích trên 21.000ha.
Là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Bình, xã Phú Đức, huyện Tam Nông – đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà, ông Huỳnh Văn Sang hoàn toàn yên tâm khi sản phẩm mình làm ra đã có nơi tiêu thụ ổn định. Một điều nữa khiến ông Sang phấn khởi là công ty thu mua lúa cao hơn giá ngoài thị trường nên giúp tăng thêm thu nhập.
Không giấu được nỗi vui mừng, ông Huỳnh Văn Sang cho biết: việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản làm cho nông dân giảm bớt gánh nặng, bởi không còn cảnh chạy lo bán lúa như trước. Mặt khác, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà mua lúa của nông dân cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg, điều mà từ trước đến giờ người dân chưa dám mơ ước.
Khác hẳn với niềm vui của những người sản xuất trong mô hình, khi lúa thu hoạch rộ, giá lúa xuống thấp cũng chính là lúc những người ngoài liên kết bắt đầu cảm thấy bất an. Trong vụ Đông Xuân 2012 – 2013, khi lúa đã vàng đồng nhưng vẫn không thấy bóng dáng thương lái, ông Lê Văn Nghiệp, nông dân ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười lo lắng: bây giờ lúa chín hết mà không có ai mua, trữ lại cũng không xong vì không có nhân công để phơi, lò sấy thì chẳng thể đáp ứng được nhu cầu.
Từ đó mới thấy được ý nghĩa và những hiệu quả hết sức thiết thực khi tham gia mô hình. Không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng rất tâm đắc với mô hình này bởi sản phẩm có chất lượng đồng đều và tính ổn định cao.
Tỏ ra khá mặn mà với mảnh đất Đồng Tháp và quyết định chọn nơi đây làm điểm dừng chân để xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, ông Đoàn Văn Hiền – Giám đốc Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà cho biết, chất lượng lúa thu mua trực tiếp trong dân đảm bảo tính đồng đều hơn qua tay các thương lái, tránh được tình trạng đấu trộn nên nguyên liệu sản xuất ra chất lượng cao, giảm chi phí chế biến.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2011 với 06 nhà máy chế biến lúa gạo trên địa bàn thị xã Sa Đéc và huyện Lấp Vò, công suất 2.500 tấn/ngày, năm 2012 công ty đã xuất khẩu được 500.000 tấn gạo. Với những thành công đó, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà quyết định khởi công nhà máy sấy - xay xát - lau bóng gạo xuất khẩu Lộc Anh tại huyện Tam Nông nhằm giúp cho nông dân tại địa phương và các vùng lân cận như: Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười an tâm hơn đối với đầu ra của nông sản.
Không dừng lại ở đó, vừa qua tại huyện Lai Vung, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cũng đã khai trương nhà máy chế biến lúa gạo với tổng diện tích gần 10.000m2, trong đó diện tích nhà kho hơn 6.000m2, có sức chứa trên 10.000 tấn gạo, công suất xay xát 25 tấn/giờ và lau bóng 14 tấn/giờ đã mở ra vận hội mới cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng Tháp.
Với bề dày kinh nghiệm trong quá trình hợp tác với người nông dân, ông Đoàn Văn Hiền còn chỉ ra được sự thay đổi ý thức của người dân từ mô hình này. Qua đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giúp nông dân nâng cao nhận thức trong cơ chế thị trường, tự mình biết được phải sản xuất theo các tiêu chuẩn đặt hàng của công ty, tiến tới xây dựng thương hiệu và là yếu tố cơ bản cho việc tiếp tục phát triển thị trường, nâng cao giá trị nông sản.
Đơn cử là hiện nay, người dân ở các vùng dự án đã mạnh dạn đăng ký và đề nghị công ty tiếp tục thu mua mà không quan tâm nhiều đối với sự hỗ trợ của nhà nước về bù giá lúa giống như các vụ trước cũng là minh chứng cho thấy sự chuyển biến về tư tưởng của nông dân trong điều kiện sản xuất theo cơ chế thị trường – ông Đoàn Văn Hiền nêu dẫn chứng.
Có được thành công như vậy không thể phủ nhận vai trò của các hợp tác xã. Thấy được những hạn chế trong sản xuất tại địa phương, chính quyền xã Phú Đức, huyện Tam Nông đã vận động nhân dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Bình với 235 hộ tham gia, chiếm 82% nông dân.
Hợp tác xã có nhiệm vụ vận động nông dân xuống giống tập trung để né rầy, gieo sạ các loại giống chủ lực, chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đặc biệt là làm đầu mối để gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ. Nhờ vậy, nông dân đã dẹp bỏ tâm lý ngán ngại khi tham gia hợp tác xã và hưởng ứng ngày càng đông.
Nhận thấy được tầm quan trọng của các hợp tác xã, ông Phạm Tấn Tho – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cho biết, tỉnh đang tập trung hỗ trợ cho các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã mới thành lập với những điều kiện thuận lợi nhất, bổ sung nguồn vốn, đồng thời tạo dựng quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã để các đơn vị này phát huy được vai trò nòng cốt, thực hiện công tác kết nối giữa các xã viên với doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Vĩnh Tân cho rằng: nông nghiệp có thể làm giàu và dĩ nhiên là người nông dân cũng phải thay đổi tập quán sản xuất. Trong quá trình hội nhập và phát triển thì sản xuất nông nghiệp cũng phải hoà vào dòng chảy chung đó mà mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là một ví dụ điển hình.
Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;