Đối với chúng tôi, lớp đàn em trong ngành, bác Nguyễn Công Tạn vừa là thủ trưởng, vừa là thầy giáo, vừa là người anh. Đối với nông nghiệp, bác như vị Tư lệnh chỉ huy ngành, vừa vạch đường chiến lược, vừa dẫn đầu trong những "trận đánh" khó khăn nhất. Với bà con nông dân, bác là người trong đại gia đình, thông cảm và chí tình.
Con người ấy, vừa bay bổng ước mơ và mơ mộng với tương lai đất nước, vừa trăn trở tháo gỡ những vướng mắc kỹ thuật cụ thể để giải quyết những vấn đề của hôm nay.
Xuất thân từ tỉnh lúa Thái Bình, ông bước từng bước vững chắc trên con đường cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam bằng tấm lòng nhiệt tình và trí tuệ mở mang.
Cuộc đời ông là sự kết hợp hài hoà giữa áp dụng những trải nghiệm thực tế và áp dụng mọi kiến thức khoa học. Trải qua công tác của cán bộ ty nông nghiệp rồi đứng trên bục giảng đại học; nghiên cứu sinh khoa học rồi trực tiếp làm giám đốc một nông trường; phụ trách một cục kỹ thuật trong Bộ rồi chỉ huy một Tổng cục; từ vai trò Thứ trưởng phụ trách một lĩnh vực ngành đến đảm nhiệm công tác đảng, công tác quản lý Thủ đô; làm Bộ trưởng rồi Phó Thủ tướng, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách trên những địa bàn và lĩnh vực đầy thách thức.
Nói đến bác Tạn, là nghĩ đến lòng dũng cảm, quyết liệt vượt khó. Vóc dáng thấp đậm của người giám đốc trẻ giữa khói lửa chỉ huy anh chị em công nhân, chôn cất người chết, cứu chữa người bị thương, khôi phục sản xuất (SX) dưới bom đạn máy bay Mỹ còn mãi trong kí ức về nông trường Thanh niên Vĩnh Phú.
Hình ảnh người thủ trưởng nhoài ra khỏi chiếc xe U - oat dã chiến bụi cát vừa chạy suốt dọc đất nước, lại giơ bàn tay lấm lem dò theo biểu đồ chở giống từ miền Nam ra, chở phân từ tàu biển vào là kỉ niệm khó quên của thời kinh tế kế hoạch.
Giọt nước mắt lăn trên đôi má xạm nắng của ông Tổng cục trưởng khai hoang trên khu tạm định cư sơ sài trước cảnh đói kém, bệnh tật của nhân dân đi làm kinh tế mới Tây Nguyên làm hôm đó đoàn công tác không ai nuốt nổi miếng cơm, đến giờ lên vùng cà phê ngút ngàn, có ai còn nhớ?
Giọng nói điều hành sang sảng của đồng chí Thứ trưởng giữa Đồng Tháp Mười, chỉ huy công cuộc khai phá đất hoang, xây dựng thuỷ lợi như còn vọng lại từ những vùng lúa thẳng cánh cò bay hôm nay.
Nhắc đến bác Tạn là nhắc đến tình đồng đội, dung dị và chân thành. Ngày bao cấp anh em trong Tổng cục Khai hoang đến bữa mang cặp lồng cơm từ nhà để lên bếp điện hâm lại, cùng ăn.
Có hôm lật nắp phần cơm của Tổng cục trưởng, thấy chẳng có chút thức ăn nào. Thì ra chị nhà đi chợ bị kẻ gian lấy hết tem phiếu, thủ trưởng chưa về, mỗi người lẳng lặng xẻ vào cặp lồng sếp chút gì mình có.
Khi đó, cả nước thiếu lương thực, trên quyết định mở ra hàng loạt nông trường trồng lúa trên các vùng đất mới. Cán bộ trong Tổng cục hình thành các bộ khung chỉ huy rồi ra cảng nhận máy kéo, đến tỉnh nhận quân, lên đường khai hoang.
Chia tay anh em, thương nhau mà chẳng có gì, Thủ trưởng gói cho cái áo dệt kim bằng lụa nhân tạo, thời buổi vải vóc thiếu thốn, áo nilon mặc bền, anh em chuyền tay nhau mặc, mấy mùa lúa thấm mồ hôi và giãi nắng mưa mà không hỏng.
Nghĩ về bác Tạn, là nghĩ về một tấm gương trung thực, thẳng thắn, thấy sai mạnh dạn đấu tranh, thấy đúng tìm cách bảo vệ. Trong cơ chế quản lý chồng chéo vai trò thời kinh tế kế hoạch, ít thủ trưởng dám gánh chịu trách nhiệm cá nhân như ông.
Bác Tạn không né tránh khi phải xử lý những vấn đề nhạy cảm trong lúc lý luận phát triển còn chưa rõ ràng như xuất khẩu lúa gạo khi vừa qua khỏi ngưỡng thiếu lương thực, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và nông lâm trường quốc doanh, giao thêm quyền cho người sử dụng đất khi xây dựng Luật Đất đai,…
Trong công tác cán bộ, ông vượt qua ràng buộc của thủ tục tổ chức, mạnh dạn sử dụng những người có năng lực nhưng gặp trở ngại về lý lịch. Ngược lại, ông cũng là người kiên quyết đưa ra khỏi vị trí quản lý những cán bộ không hiệu quả, né tránh khó khăn, bất kể đó là cả những người có vị trí cao trong cấp ủy hay có quan hệ với cấp trên.
Bằng cuộc sống thực của mình, ông đã chứng minh cho phong cách của một lớp những người đảm đương trọng trách không biết đến luồn trên, nạt dưới.
Kể về bác Tạn, lại nhớ về một tấm lòng gắn bó thiết tha với nông dân. Ông vui mừng khi thấy trên các vùng kinh tế mới năm xưa nay nông dân đã làm giàu nhờ phát triển SX nông nghiệp.
Ông trăn trở trước tình trạng xã hội nông thôn xáo lộn, quan hệ gia đình, cộng đồng bị phá vỡ. Ông tức giận khi thấy đây đó người dân bị đè nén, bị áp đặt trong thu hồi đất đai, trong hợp đồng SX.
Khi còn đương chức hay lúc đã về hưu, điều gì ông nhận thấy là đúng, là phải đấu tranh cho người dân thì ông quyết làm vì lương tâm, vì tình cảm, vì trách nhiệm mà không để lấy tiếng, không phải để lấy lợi.
Làm lãnh đạo, ông vạch ra những việc chính dài hạn giúp ích cho nông dân, chủ yếu là chính sách, pháp luật cần phải xây dựng và cố hoàn tất trong nhiệm kỳ công tác.
Khi về nghỉ, thấy cần, ông đề xuất các cơ quan quản lý, trao đổi với cơ quan truyền thông, báo chí, nói chuyện, dạy bảo cho đội ngũ cán bộ trẻ, hướng dẫn giáo viên, sinh viên đại học,… ông vẫn tìm mọi cách có thể để bảo vệ, giúp đỡ cho những người nông dân của mình.
Nhớ đến bác Tạn, lại nghĩ về tinh thần sáng tạo, ý chí học hỏi say mê. Xuất phát từ lòng nhiệt tình, tinh thần vượt khó nhưng đến đích với qui luật và khoa học. Là một Thứ trưởng nổi tiếng sâu sát, trực tiếp xử lý công việc ông trở thành một Bộ trưởng rất chiến lược, rất tập trung.
Trong vườn của ông còn ấp ủ bao giống lúa, cây thuốc, khoai lang, vịt trời… có triển vọng; trên bàn viết của ông còn dở dang những đề án phát triển lâm nghiệp, mở mang thuỷ sản đầy triển vọng. Ông tin tưởng ở tương lai Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp xuất khẩu trăm tỷ đô la, ông ước mơ về một xã hội nông thôn ngày mai, nơi mà nông dân giàu có và hạnh phúc. Ước mơ ấy, niềm tin ấy và trách nhiệm ấy sẽ được những lớp người sau tiếp nối trong tương lai. |
Đi ra nước ngoài, ông nhận thấy nền kinh tế thị trường phải được điều hành bằng cơ chế thị trường, lấy chính sách tạo động lực cho mọi tác nhân trong xã hội chủ động phát triển, không cầm tay chỉ việc.
Ông giành thời gian học hỏi từ các giáo sư, sinh viên Đại học Harvard (Mỹ) về môn khoa học nghiên cứu chính sách và trở về thành lập Vụ Chính sách Nông nghiệp.
Thời gian ông làm Bộ trưởng và sau này khi nắm giữ cương vị Phó Thủ tướng là giai đoạn ngành nông nghiệp đưa ra nhiều chính sách quan trọng nhất, tạo nền tảng cho một thời kỳ phát triển nhanh.
Sử dụng ngoại ngữ thành thạo, ông là một nhà nghiên cứu say mê. Ông nhận ra sự khác biệt trong chiến lược phát triển giữa hai nước công nghiệp nhỏ, đất hẹp người đông là Hà Lan và Nhật Bản.
Nhờ đó, một nước trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu và nước kia trở thành nơi nhập khẩu lớn về nông sản, từ đó ông đề ra định hướng để Việt Nam chủ động phát triển thành một cường quốc xuất khẩu nông sản.
Còn trẻ lên đường khai hoang, mở đất, về già mở trường dạy học, phần lớn công việc mà ông dốc lòng hăng say là để đóng góp cho đời, không đòi lấy công, không mong danh vọng mà cũng chẳng ngại thất bại, không sợ điều tiếng.
Mỗi lần từ nước ngoài về là ông cố đưa về vài giống cây, con mới. Mỗi lần phát hiện ra hiểu biết gì, tổng hợp được điều mới từ thực tế, sách vở, ông lại tìm cách trao đổi, chia sẻ lại với đồng nghiệp và lớp trẻ đi sau.
Những nỗ lực không mệt mỏi ấy, kết tinh lại thành những chính sách phát triển ngành nông nghiệp mãi đánh dấu từng bước phát triển của một thời kỳ đổi mới như xây dựng hoạt động khuyến nông, chính sách đất đai, phát triển kinh tế trang trại, xuất khẩu nông sản,… tạo lập nên một đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý suốt thời kỳ sáp nhập nhiều bộ để hình thành nên bộ máy ngành nông nghiệp hoàn chỉnh hôm nay.
Nhưng có lẽ điều làm ông thú vị nhất lại là việc nhập nội đưa vào SX thành công cây mắc ca và con đà điểu, hình thành những tiểu ngành SX mới cho đất nước. Niềm tự hào nhất với ông là một phần tiền bản quyền làm giống mới của ông nhận được đã cao hơn lương hưu hằng tháng của chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đặng Kim Sơn
Theo nguồn: Nongnghiep.vn