NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Tố Nga, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định để hiểu rõ hơn về thị trường giá lợn, thị trường tiêu thụ lợn tại địa phương này…
Người chăn nuôi ở Nam Định vui mừng vì giá lợn tăng |
Tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng bao nhiêu con? So với cùng kỳ năm ngoái, tăng hay giảm, thưa bà?
Qua khảo sát tại một số địa phương, tổng đàn lợn thịt trên địa bàn tỉnh khoảng 500.000 con, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Theo số liệu thống kê, thời điểm 1/4/2017, tổng đàn lợn thịt cả tỉnh là 632.407 con.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, giá bán thịt lợn hơi ngoài thị trường là bao nhiêu và tiêu thụ ra sao, thưa bà?
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, giá thịt lợn siêu nạc (chủ yếu nuôi trong các trang trại, gia trại) dao động từ 46 - 48 nghìn đồng/kg. Lợn lai khoảng 42 - 45 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ lợn thịt diễn ra bình thường; các trang trại, gia trại chăn nuôi chủ yếu bán qua thương lái; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán trực tiếp cho người giết mổ.
Thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng, do đó ở một số địa phương khác trong nước đang có dấu hiệu tái đàn trở lại. Tại Nam Định, việc tái đàn có diễn ra có rầm rộ không, thưa bà?
Cũng giống như các địa phương khác, tại Nam Định, giá lợn thịt hơi từ đầu tháng 4/2018 tăng, sang đầu tháng 5 tăng mạnh, vì vậy người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có hiện tượng tái đàn trở lại. Tuy nhiên, qua khảo sát một số trang trại và các địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện tượng tái đàn đã diễn ra nhưng không đáng kể, lý do:
Một là, tình trạng rớt giá trong chăn nuôi thời gian qua, đặc biệt chăn nuôi lợn diễn ra trong thời gian khá dài, gần 2 năm (từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2018). Trong khoảng thời gian trên, có thời điểm giá thịt lợn hơi cũng đã tăng chạm mốc 40 nghìn đồng/kg (giữa tháng 7/2017), tuy nhiên diễn ra rất ngắn, chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Vì vậy, lần này giá lợn hơi tăng và tăng nhanh, nhưng việc tái đàn diễn ra rất thận trọng, cân nhắc, trông chờ diễn biến thị trường trong thời gian tới.
Hai là, giá lợn thịt hơi tăng, cùng với đó, giá con giống cũng tăng (hiện tại, giá con giống có trọng lượng 8 - 10kg được bán với giá từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng/con, tùy từng giống) và giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng nên việc đầu tư tái đàn gặp nhiều trở ngại; đàn lợn nái giảm nhiều nên khan hiếm về con giống.
Ba là, người chăn nuôi lợn bị thua lỗ trong thời gian dài, chuồng trại bỏ trống không nuôi bị xuống cấp… việc tái đàn còn gặp khó khăn về tài chính.
Việc người chăn nuôi “đua nhau” tái đàn sẽ dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Để tránh tình trạng này, ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định đã có những khuyến cáo gì?
Ngày 16/5/2018, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định đã ban hành Công văn số 400/SNN-CNTY “V/v kiểm soát vấn đề tăng đàn lợn; phòng chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi”, trong đó nhấn mạnh: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi sát các diễn biến của thị trường thịt lợn và kịp thời thông báo tới người chăn nuôi trên địa bàn để có giải pháp điều chỉnh chăn nuôi phù hợp.
Tăng cường biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học…; việc tăng đàn lợn trong từng hộ phải được tính toán kỹ, nhất là lợn nái sinh sản, chỉ chọn nuôi những lợn nái đúng phẩm cấp giống (là những nái được sinh ra từ đàn lợn cấp ông bà), không sử dụng lợn nuôi thịt gây thành lợn nái sinh sản sẽ làm giảm năng suất, chất lượng lợn nuôi thịt dẫn đến tăng giá thành SX, chăn nuôi thua lỗ….
Áp dụng thụ tinh nhân tạo, lựa chọn tinh lợn đực giống có chất lượng cao như: PiDu, Pi75, Pietrain, Duroc, Yorkshire, Landrace… để phối giống cho đàn lợn nái tạo đàn lợn thịt có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lợn thịt. Các huyện phía nam tỉnh (Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy) duy trì đàn nái Móng Cái với tỷ lệ phù hợp để cung ứng nguồn lợn sữa xuất khẩu.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng, chống gian lận thương mại, lạm dụng kháng sinh và sử dụng chất cấm trong hoạt động SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
Người chăn nuôi thường có tư tưởng “găm hàng” để chờ tiếp tục tăng giá, dễ gây rối loạn thịt trường và thất thu khi giá cả chưa thật ổn định. Trước vấn đề này, tỉnh đã làm những gì để người chăn nuôi “xóa bỏ” tư tưởng trên, thưa bà?
Khảo sát tại Nam Định, không có hiện tượng người chăn nuôi găm hàng, đến tuổi xuất bán là bán, thậm chí chưa đến tuổi nhưng được giá họ cũng bán.
Xin cảm ơn bà!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã