Học tập đạo đức HCM

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chúng ta đã đối mặt với mọi thách thức

Thứ bảy - 29/12/2012 08:34
Công nhận 2012 là một năm có rất nhiều biến động không phải chỉ với Việt Nam mà với toàn thế giới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận lời cùng phóng viên Đại Đoàn Kết nhìn lại tổng quan tình hình đất nước trong suốt một năm qua. Cuộc trò chuyện diễn ra vào một chiều cuối năm lạnh se sắt, trong phòng khách bốn bề tràn ngập gió, không có chút ngăn cách nào với thiên nhiên ngoài kia – nơi ông có vẻ đang tận hưởng một cuộc sống thanh thản, yên bình nhưng tận trong sâu thẳm phẩm chất của một người làm chính trị khiến ông không thể thoát khỏi những day dứt thời cuộc.
 
 
" Một là lạm phát giảm xuống. Hai là xuất khẩu duy trì được 
tốc độ tăng trưởng tương đối khá trong khi thị trường thế giới 
đang biến động, mà trong đó điểm sáng này chính là nhờ nông nghiệp. "
Ảnh: Quốc Anh
 
Chưa năm nào như 2012, chúng ta cùng lúc gặp nhiều thách thức cả về kinh tế, xã hội và đối ngoại
 
Thưa ông, nhìn lại năm 2012 một cách tổng quát và toàn diện, ông đánh giá thế nào?
 
Nguyên Phó Thủ tướng
Vũ Khoan
Nhìn lại năm Nhâm Thìn thì không những nước ta mà tình hình thế giới cũng biến động rất phức tạp, thậm chí rất sâu sắc. Có những mặt nào đó năm 2012 còn có ý nghĩa đánh dấu việc thế giới đang bước vào một thời kì mới. Nước ta cũng đứng trước không ít thách thức. Theo tôi, có ba mặt thách thức, thứ nhất là kinh tế (có những thách thức rất quan trọng), thứ hai là chính trị - xã hội cũng có sự phân tâm, và thứ ba là đối ngoại. Trong năm 2012, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước. Nhưng vấn đề Biển Đông tiếp tục là vấn đề nóng trong năm nay. Có rất nhiều biểu hiện đáng lo trong quan hệ quốc tế xung quanh vấn đề Biển Đông. Có lẽ ít năm nào như năm 2012, cùng một lúc chúng ta gặp phải nhiều thách thức như vậy, cả về kinh tế, xã hội, đối ngoại... Nhưng tôi cũng không thấy bi quan, mà phải thấy rõ những điều đó để mà xử lí.
 
Nhân dân đã kì vọng nhiều hơn vào Nghị quyết Trung ương 4
 
Thưa ông, về chính trị trong năm 2012, công cuộc chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được đặt ra quyết liệt. Lần đầu tiên sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được thẳng thắn thừa  nhận đang làm uy tín của Đảng giảm sút.
 
Nhân dân và dư luận xã hội đã kì vọng rất nhiều vào Nghị quyết TƯ 4. Tôi thấy việc triển khai làm cũng tích cực, kiểm điểm từ những cấp cao nhất xuống. Nhưng nếu thăm dò dư luận nhân dân thì cũng còn nhiều  phân tâm, nhân dân mong muốn  quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Đây cũng là một tâm tư thật của tầng lớp nhân dân. Tôi không dám nói là tất cả mọi tầng lớp, ít nhất là nhiều người tôi tiếp xúc, đủ các tầng lớp khác nhau mang kì vọng nhiều hơn vào việc triển khai Nghị quyết TƯ 4.
 
Kinh tế 2012 để lại nhiều khó khăn cho năm 2013
 
Và về kinh tế, năm 2012 vẫn nằm trong chuỗi khủng hoảng kinh tế toàn diện và sâu sắc của cả thế giới. Nhưng bây giờ chúng ta nên nhìn vào sự tươi sáng trước. Vậy, theo ông, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 2012 là gì?
 
Theo tôi, chỉ có hai điểm thôi! Một là lạm phát giảm xuống. Suốt từ năm 2007 đến giờ, chúng ta vấp phải lạm phát khá cao. Chỉ riêng năm 2009, lạm phát là 6,9%, còn tất cả các năm đều 2 con số cả. Năm nay, có thể nói là đã trở về một con số (theo công bố là 6,81%). Đó là biểu hiện tương đối rõ nét. Hai là xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối khá trong khi thị trường thế giới đang biến động, mà trong đó điểm sáng này chính là nhờ nông nghiệp. 
 
- Còn lại là những khó khăn, thưa ông?
 
Đúng vậy! Những thách thức nghiêm trọng. 
 
Một là, tốc độ tăng trưởng hiện nay rất thấp. Chỉ đạt 5,03%. Nhưng cái đó cũng chưa phải vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề nghiêm trọng nhất là những vấn đề như nợ xấu ngân hàng, bộc lộ ra rất lớn so với chuẩn của ta, hơn 8,4%. Nợ công cũng tăng lên. Tồn kho rất lớn. Tồn kho có giảm đi, nhưng phải thấy là nó có hai mặt. Lượng tồn kho tỉ trọng giảm xuống nhưng nó có hai nguyên nhân (một phần do tiêu thụ khá hơn, nhưng phần khác là do doanh nghiệp dừng sản xuất vì hàng không tiêu thụ được). Sản xuất xuống. Công nghiệp đi xuống, tốc độ tăng trưởng thấp vô cùng trong nhiều năm, chỉ hơn 4% thôi. Mọi khi công nghiệp phải hơn 10% nên đầu vào thiếu.
 
Hai là xuất nhập khẩu, giá thì tăng nhưng lượng không tăng nhiều. Xuất siêu thì tôi thấy vừa mừng vừa lo. Mừng ở chỗ đỡ nhập siêu đi, nhưng rõ ràng là sản xuất không tăng nên ta nhập ít. Máy móc thiết bị nguyên vật liệu nhập khẩu ít đi. Thành ra, bên cạnh việc chuyển biến tích cực về lạm phát thì chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Nó để lại hậu quả, năm 2013 sẽ tiếp tục có nhiều thách thức.
 
Chính phủ đã kiên trì kiềm chế lạm phát nhưng còn băn khoăn ở giải pháp siết tín dụng và kích cầu
 
- Trong bức tranh kinh tế như vậy, đánh giá của riêng ông về điều hành vĩ mô trong năm qua?
 
" Đáng ra trong lúc tâm tư xã hội đang có phân tâm thì chính sách càng phải kín kẽ, chặt chẽ, làm việc gì cũng phải tính đến tâm tư của người dân. "
 - Tất nhiên trong tình hình khó khăn thế, tôi thấy Chính phủ nhất quán ở biện pháp kiềm chế lạm phát, cố để giữ ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiên định quan điểm này mặc dù sức ép cũng rất nhiều. Giữ được lạm phát thấp thế là được. Nhưng về điều hành chung tôi vẫn băn khoăn ở chỗ này, để chống lạm phát thì phải giảm tiền đi, giảm phát hành tiền và giảm tín dụng. Đấy là kinh nghiệm ngàn năm, các nước đều như thế cả. Nhưng siết đến mức nào lại là câu chuyện khác. Chủ trương là phát hành tiền chỉ 15%, còn tín dụng là 20%, nhưng trên thực tế thì tín dụng lại siết đến chỉ còn 5% thôi, đang có 5%. Siết tới mức vậy thì tự nhiên sản xuất khó khăn. Đấy là siết trên thực tế, còn có tiếp cận được vốn hay không lại là chuyện khác nữa. Tôi thấy rất băn khoăn về điều đó, linh hoạt như thế nào đây để cho sản xuất không quá tiêu điều? 
 
Cái thứ hai tôi vẫn băn khoăn là xử lí nợ xấu tốt rồi, đã có nhiều giải pháp để gỡ bất động sản, cố để cho đầu vào của các doanh nghiệp đỡ khó khăn nhưng tổng cầu sút giảm quá. Cầu không có thì có cho vốn, doanh nghiệp cũng không sản xuất. Sản xuất xong cho vào kho à? Vấn đề kích cầu mới là vấn đề chính chứ không phải kích cung. Trong khi hiện nay tôi thấy kích cung nhiều hơn là kích cầu. Kích cầu như thế nào lại là một câu chuyện để bàn, chứ kích cầu các doanh nghiệp không thôi mà người dân không tiêu dùng thì không được. Cái chính là  sức mua của người dân trong nền kinh tế thị trường. Bây giờ cầu mới là quyết định, tiêu dùng mới quyết định chứ không phải  sản xuất. Có cầu thì người ta khắc sản xuất ra để đáp ứng, nếu cầu không có sản xuất ra làm gì?
 
Đấy nói về điều hành vĩ mô thì tôi chưa thấy ánh sáng rõ lắm về chuyện kích thích tổng cầu. Chỉ có kích thích tổng cầu thì sản xuất mới lên được. Là người thường xuyên theo dõi các chính sách kinh tế, tôi thấy còn lăn tăn hai vấn đề vừa nói ở trên. Hai khâu đấy mà không xử lí thì nền kinh tế 2013 sẽ rất là khó.
 
Doanh nghiệp phá sản, hậu quả sang năm sẽ bộc lộ rõ
 
- Thưa, ông có thể phân tích kỹ hơn về những thách thức của kinh tế trong năm 2013?
 
 Thứ nhất, kinh tế thế giới thì ai cũng biết rõ rồi, rất sụt giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Các thị trường lớn trên thế giới mà chúng ta hướng tới đều rơi vào tình trạng đó cả.
 
Thứ hai, nguồn vốn đầu vào của ta giảm, cả trên mấy kênh ODA, FPI đều giảm, huy động vốn trong dân cũng giảm… Nói chung các nguồn thu giảm. Nhập khẩu mà giảm thế thì thu thuế nhập khẩu cũng giảm. Nói chung là nguồn thu tôi thấy giảm nhiều. 
 
Doanh nghiệp bị ngừng hoạt động rất lớn, hậu quả sang năm sẽ bộc lộ ra thôi. Bên cạnh đó, ta vừa phải giải quyết vấn đề ngắn hạn, lại giải quyết cả vấn đề dài hạn. Vấn đề dài hạn còn vất vả, nhưng nếu không giải quyết thì sẽ còn rất nghiêm trọng, nên vừa phải giải quyết vấn đề nóng bỏng trước mắt vừa giải quyết vấn đề lâu dài.
 
Tóm lại, năm 2013 phải nỗ lực hơn rất nhiều. Đấy là về kinh tế, năm 2012 có chuyển biến về mặt lạm phát tốt hơn nhưng còn rất nhiều thách thức, để lại cho 2013.
 
Chậm bước về tái cấu trúc  hậu quả sẽ  lớn hơn nhiều
 
Thưa ông, vấn đề dài hạn ông vừa nói đến có thể hiểu ở đây là gì?
 
Như đã nói, chúng ta phải cùng một lúc giải quyết hai nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất rất nóng bỏng, phức tạp, nhóm vấn đề thứ hai dài hạn, chính là vấn đề tái cấu trúc. Thực sự khái niệm tái cấu trúc, cách tái cấu trúc cũng còn ý kiến phân tán lắm. Hiện nay tôi chưa thấy kế hoạch tổng thể, nguồn lực tổng thể cũng chưa thấy tìm đâu ra. Nếu chậm quá đi thì  hệ quả rất lâu dài và rộng lớn, nhưng mà làm ngay một lúc e cũng lực bất tòng tâm. Nói trí tuệ chứ chưa nói nguồn lực. Hay tôi già rồi nên thấy thời gian trôi nhanh nhưng thực sự kế hoạch 5 năm chốc cái là hết! Chậm bước về tái cấu trúc thì hậu quả sẽ lại lớn hơn nhiều.
 
Tái cấu trúc hay không, không phải ở cấp vĩ mô quyết định được, Đảng, Chính phủ chỉ đưa ra được phương hướng thôi. Vai trò Nhà nước trong tái cấu trúc là tạo nên hành lang pháp lí, hành lang những đòn bảy kinh tế, nào thuế, nào lãi suất… thúc cho các doanh nghiệp người ta làm. Tôi nói doanh nghiệp là không phân biệt thành phần nào cả. Hiện nay trong kế hoạch tái cấu trúc mới chỉ thấy toàn nói chủ trương ở trên. Tôi hỏi các doanh nghiệp thì họ bảo chả biết làm thế nào, cứ thấy khẩu hiệu thế thôi, chưa thấy tín hiệu chính sách gì cả. Không ép buộc thì làm sao doanh nghiệp họ làm. Tôi cũng đã góp ý kiến  với Trung ương, rằng những kế hoạch của mình không đi vào cuộc sống vì mình cứ làm thay người dân, làm thay doanh nghiệp. 
 
Bức xúc của nhân dân bị thổi bùng thêm bởi những quyết định, chủ trương cân nhắc chưa chín
 
Ở trên ông có nói đến kì vọng của nhân dân, theo ý kiến riêng ông, trong năm 2012, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề an dân chúng ta đã làm được chưa?
 
- Kinh tế khó khăn làm cho cuộc sống vất vả hơn, tâm tư cũng ít vui vẻ hơn. Nhiều gia đình khó khăn, nhiều công nhân thất nghiệp, lương thì thấp hoặc không có lương… Lạm phát năm qua thấp nhưng đời sống khó khăn nên người dân cũng còn nhiều tâm tư. Khía cạnh thứ ba là, hình như những biểu hiện tiêu cực xã hội lại tăng lên. Bao giờ cũng thế thôi, nước nào cũng vậy thôi, kinh tế khó khăn dễ sinh ra những chuyện đó. Thế nhưng, giáo dục, y tế cũng chưa thấy chuyển biến gì nhiều. Các vấn đề an sinh cũng chưa thấy chuyển biến rõ nét, tuy là đặt ra rất quyết liệt. Thậm chí có Hội nghị TƯ riêng về giáo dục nhưng cũng chưa thấy ra được nghị quyết. Về khoa học thì cũng thấy có Nghị quyết nhưng chuyển động còn dài. 
 
Trong các vấn đề xã hội, bức xúc về đời sống khó khăn của nhân dân lại bị làm bùng thêm vì rất nhiều qui định, chủ trương của các ngành, các cấp cân nhắc chưa được chín đã đưa ra, lại càng gây thêm bức xúc. Đáng ra trong lúc này thì chính sách càng phải kín kẽ, chặt chẽ, làm việc gì cũng phải tính đến tâm tư của người dân. Thậm chí có những cái còn phải lùi lại, chưa thể làm được thì đừng vội làm. Rất nhiều thứ, nào là xe chính chủ, thu phí đường bộ, chứng minh thư cả tên cha mẹ, thu phí cả xe ngoại thành vào nội thành… cứ dồn dập đưa ra . Thậm chí có những quyết định bảo thôi cứ làm đi rồi sẽ sửa. Ra quyết định Nhà nước sao thế được? Đã làm phải tính toán rất kĩ càng. Vì sao lại làm cho tâm tư xã hội rắc rối thêm ra. Hay những cái tiêu xài quá mức về lễ hội, đoàn đi nước ngoài, lãng phí… có những chuyện rất lạ, không thể hiểu sao lại có trong lúc này. Tôi có cảm giác có nhiều cái không được cân nhắc thật kín kẽ lắm! 
 
- Tức là, thưa ông, còn có sự lúng túng trong điều hành, quản lý và ban hành chính sách của các bộ, ngành, địa phương?
 
- Đúng thế, ở đây có vấn đề cơ chế phân cấp như thế nào? Cá nhân tôi băn khoăn từ lâu. Tôi thì vẫn ủng hộ phân cấp. Nhưng Nhà nước ta là nhà nước tập quyền, nước nào cũng vậy, muốn phát triển phải tập quyền. Cách phân cấp như thế nào để không "xé” Nhà nước ra những "vương quốc nhỏ”. Bây giờ có tình trạng nợ xấu hoặc đọng nợ, bởi các địa phương chẳng có tiền lại vung các dự án nên dở dang cả, không có tiền mà trả cho các doanh nghiệp nữa, trung ương cũng không kiểm soát được. Mỗi tỉnh cứ thích làm hoành tráng, công trình nọ công trình kia, nhưng vung lên như thế đến lúc dở dang hết cả. Phân cấp  như thế nào? Hay là FDI chẳng hạn, cũng phân cấp cho các ngành, các địa phương, nhưng mà không nắm được qui hoạch tổng thể đâm ra là ai cũng sắt thép, ai cũng lọc dầu, tất cả cái gì cũng có mà chả được cái nào. Hay là ai cũng sân bay, ai cũng bến cảng. Hay bất động sản, vừa rồi tôi thấy Chính phủ họp với TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, cái điều mà tôi cũng trăn trở từ lâu, là không có qui hoạch, các khu đô thị cứ xây vung lên toàn các nhà cao cấp cả. Người cần có thì lại không có, xây cái mà không tiêu thụ được. Đều do qui hoạch thôi. Hồi tôi làm Phó Thủ tướng tôi cũng họp với Bộ Xây dựng, bảo đừng có xây nhà cao trong nội đô nữa,  sẽ kẹt đường đấy. Nói từ lâu lắm rồi nhưng mà họ vẫn thế thôi! Các bộ, ngành, các địa phương mạnh ai triển khai. Lỗi của trung ương là không nắm được.
 
 
" Bà con nông dân lại trổ tài, chứ không có nền nông nghiệp này, 
không có bà con nông dân thì tình hình còn xấu hơn nữa."
 Ảnh: HOÀNG LONG
 
Không có nông nghiệp - nông dân tình hình kinh tế - xã hội còn xấu hơn nữa
 
- Ở trên, khi phân tích về điểm sáng kinh tế trong năm 2012, ông có cho rằng xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng là nhờ nông nghiệp. Vậy là, thưa ông, nông nghiệp – nông dân luôn là điểm tựa vững chắc vào những lúc khó khăn nhất?
 
- Nông thôn Việt Nam lạ lắm. Đấy là cái hầm trú ẩn để hễ bom đạn bão bùng thì lại chạy về. Hễ khó khăn lại chạy về nông thôn là êm hết. Suy thoái ở Việt Nam có vẻ đỡ hơn là vì nông nghiệp. Hay tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cũng thế! Thất nghiệp của các nước thì thất nghiệp là thất nghiệp, còn mình thất nghiệp thì về quê chăn con gà con vịt, mấy luống rau thì cũng sống được qua ngày. Nông nghiệp của mình như là vùng đệm để trú về. Nhưng nói êm là cũng êm một cách tạm thời thôi chứ đừng lại lạm dụng quá. Phải thấy cái khó khăn của bà con nông dân là khủng khiếp. Ngày nào hai vợ chồng tôi ngồi xem tivi cũng bảo cuối cùng lại khổ bà con nông dân. Khi kinh tế phát triển họ cũng chả được hưởng bao nhiêu thành quả, còn khi khó họ lại giơ lưng ra đỡ. Xuất khẩu nông sản được là các doanh nghiệp được chứ dân được là bao.
 
Bà con nông dân lại trổ tài, chứ không có nền nông nghiệp này, không có bà con nông dân thì tình hình còn xấu hơn nữa. 
 
Năm 2013, phải giải được bài toán kích tổng cầu
 
Thưa ông, chúng ta đã nhìn lại một bức tranh tương đối tổng quan về năm 2012. Vậy còn năm 2013 đang tới mà ông có nói sẽ tiếp tục với rất nhiều thách thức, chúng ta có những kì vọng gì và sẽ phải làm gì?
 
Năm 2013, về kinh tế phải tìm cách nào đó để kích tổng cầu thì mới duy trì được sản xuất, đời sống nhân dân mới đỡ kém đi. Kích tổng cầu không có nghĩa là làm để nó lại bùng phát lại lạm phát. Bài toán kích tổng cầu rất quan trọng. Đi đôi với cái đó phải nghiến răng lại để  đổi mới hệ thống tài chính, ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Đồng thời đổi mới một cách mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhà nước. Đấy là khâu yếu của chúng ta, mà chúng ta đã chọn coi như khâu đột phá trong tái cấu trúc. 
 
Chủ trương, chính sách phải đáp ứng nguyện vọng nhân dân và hơi thở cuộc sống
 
- Thưa ông, về chính trị, năm 2013 là năm lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm?
 
Nhìn chung, 2013 là giữa nhiệm kì của Đảng rồi, nếu bình thường thì không cần, nhưng tình hình hiện nay kiểm điểm giữa nhiệm kì của Đảng nên rà soát lại các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra từ Đại hội. Khi diễn ra Đại hội XI có nhiều vấn đề chưa phát sinh, cũng chưa nhìn hết được, nên mới đề ra những kế hoạch như thế. Bây giờ tình hình khác, có khi phải ngồi lại xem như thế nào. Tình hình đã thay đổi rất nhiều nên cần có nghị quyết, quyết sách để làm cho phù hợp, một cách rất cụ thể, không được chung chung nữa.
 
Về việc chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, nên cố gắng làm được những việc cụ thể, thiết thực. Và lại kì vọng vào việc bỏ phiếu tín nhiệm! 
 
Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp là một việc lớn. Nhưng vấn đề là cách lấy ý kiến như thế nào để  phản ánh được ý kiến thực của người dân. Không  làm  hình thức, đại khái, chỗ này họp, chỗ kia họp. Đây là vấn đề rất quan trọng, tình hình đã thay đổi rất nhiều, mình không nhìn một cách sâu sắc, không đáp ứng được tình hình mới thì đừng sửa làm gì. Vấn đề là cách làm thế nào để lấy ý kiến thực của người dân và hơi thở của cuộc sống. Cuộc sống đã khác rất nhiều rồi.
 
Nhìn toàn cục thế giới để ứng xử
 
- Thưa ông, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ý kiến của ông về những thách thức trong khu vực, đặc biệt về vấn đề biển Đông, nên giải quyết như thế nào trong năm tới và những năm tiếp theo?
 
- Đối ngoại thì không có cách gì khác. Tôi thấy có hai vấn đề thôi. Một là, đã đến lúc tình hình kinh tế thế giới đã thay đổi khủng khiếp lắm! Rất nhiều cái rất mới, rất lạ. Mình nhìn nhận lại toàn cục thế giới để ứng xử. Tình hình bây giờ nảy sinh những vấn đề rất mới, rất lạ, nếu cứ xử lí như cũ thì có những việc không giải quyết được đâu. Việc thứ hai là thời sự trước mắt, là làm sao đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào kênh đàm phán. Tất nhiên không phải một mình nước ta làm được nhưng ta phải rất nỗ lực, chứ nếu cứ để tình hình như thế này thì không có lợi cho ai cả.
 
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
 
Cẩm Thúy (thực hiện)
Theo daidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập213
  • Hôm nay23,336
  • Tháng hiện tại254,040
  • Tổng lượt truy cập92,631,704
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây