Hiệp hội Chè việt Nam cho biết, mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chè năm 2012 của Việt Nam tăng so với năm ngoái, nhưng hiện ngành chè vẫn phải đối mặt với tình trạng sản phẩm chè có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín chè Việt Nam và nếu không giải quyết triệt để sẽ dẫn tới nguy cơ mất thị trường xuất khẩu chè.
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, sản lượng chè năm 2012 của cả nước nước đạt 150.000 tấn, tăng 15% so với năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 220 triệu USD. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới về mặt hàng chè. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là tình trạng chè sản xuất không đúng quy trình, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn cao, lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này là khó kiểm soát được quá trình sản xuất từ trồng đến chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản chè. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 300 cơ sở chế biến chè lớn nhỏ thì chỉ có 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ chế biến.
Ông Đoàn Anh Tuân cho biết: “Hiện chè Việt Nam xuất tới nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, các nước Châu Âu, họ coi trọng an toàn thực phẩm. Trong khi đó, việc kiểm soát các thuốc bảo vệ thực vật dùng trong các sản phẩm chè rất lỏng lẻo, có hiện tượng nhập lậu thuốc trong danh mục cấm vào Việt Nam để sử dụng. Người nông dân không được đào tạo hướng dẫn nên có tình trạng sử dụng thuốc phun cho lúa để phun cho chè, hoặc thời gian cách ly không được đảm bảo nên việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề nóng quyết định sự tồn tại ngành chè chúng ta”.
Nhằm khắc phục tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với sản phẩm chè, đảm bảo uy tín cho chè Việt Nam, năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè, rau củ quả; xử phạt nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm quy trình sản xuất không an toàn. Đồng thời, chú trọng thực hiện quy trình sản xuất an toàn theo chuỗi-từ trang trại tới bàn ăn và tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong năm 2013, vẫn phải nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm. Đây là nòng cốt trong công tác quản lý nhà nước. Tham mưu đẩy mạnh cơ chế giám sát cộng đồng, tức là đưa cả xã hội vào giám sát an toàn thực phẩm. Chúng tôi đề xuất tham mưu Chính phủ xây dựng mạng lưới tình nguyện viên an toàn thực phẩm, được xây dựng ở tất cả địa phương, tổ chức đoàn thể, xã hội./.