Hội nghị diễn ra trong tình hình thị trường xuất khẩu gạo còn khó khăn. Vừa thực hiện xong kế hoạch tạm trữ gạo vụ ĐX 2012 - 2013, lúa HT 2013 sắp tới mùa thu hoạch. Bên cạnh kế hoạch dự kiến tạm trữ lúa, gạo vụ HT 2013, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp của các địa phương và các thành phần tham gia sản xuất lúa, gạo để đưa vào dự thảo qui chế mua tạm trữ thóc, gạo sớm trình Chính phủ trong thời gian tới.
ĐX vừa xong, HT ập đến
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cách đây 2 tháng 116/120 DN hoàn thành 100% kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ lúa ĐX (tính từ ngày 20/2 đến 31/3). Trong thời gian thu mua tạm trữ, giá mua lúa khô tại kho: Lúa IR50404 là 5.200 - 5.400 đồng/kg; lúa thường phơi khô mua tại ruộng 5.100 - 5.300 đồng/kg, cao hơn trước thời điểm mua tạm trữ 100 - 200 đồng/kg. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa bình quân vụ ĐX là 3.616 đồng/kg, chêch lệch giữa giá thu mua và giá thành 38 - 46%. Tuy nhiên phần chênh lệch này không phải hoàn toàn người sản xuất lúa được hưởng và không phải giống nhau ở các địa phương, vì tỷ lệ lúa gạo các DN mua trực tiếp của nông dân còn thấp và đặc thù của mỗi địa phương không giống nhau.
Ở các tỉnh Bạc Liêu giá mua lúa tại kho 5.200 - 5.400 đồng/kg; tại Cà Mau mua 5.400 - 5.420 đồng/kg, tăng trước so thời điểm tạm trữ 150 - 170 đồng/kg. Trong khi tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng mua lúa tăng lên được 100 - 200 đồng/kg và tại Kiên Giang các DN mua cao hơn 700 - 1.400 đồng/kg so với giá mua tối thiểu do tỉnh quy định là 4.500 đồng/kg. Còn tại Hậu Giang mua lúa IR 50404 là 5.000 - 5.200 đồng/kg; lúa dài 5.300 - 5.400 đồng/kg, thấp hơn so với một số địa phương khác. Mặt khác, lúa thơm tiêu thụ khó khăn ở Hậu Giang, Kiên Giang. Một số DN cho rằng do kỹ thuật canh tác chưa tốt, giống bị lẫn loại nên giá bán không khác biệt nhiều so với gạo thường. Riêng về giá thành sản xuất lúa từng địa phương cũng có sự chênh lệch cao, tại Hậu Giang cao nhất 4.474 đồng/kg trong khi Trà Vinh chỉ 3.134 đồng/kg.
Thực hiện tạm trữ lúa, gạo vụ ĐX vừa xong, đã tới vụ lúa HT có hơn 1,8 triệu ha, tổng sản lượng dự kiến khoảng 9,3 triệu tấn, tương đương 4,65 triệu tấn gạo. Trong đó có 3,1 triệu tấn gạo hàng hóa. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 8. Nối tiếp là vụ thu đông thêm 700.000 ha, giảm 23.692 ha, sản lượng ước khoảng 3,4 triệu tấn, dự kiến có thêm 641.000 tấn gạo hàng hóa.
Lựa chọn phương án
Chuẩn bị cho những vụ lúa tiếp theo, Bộ NN-PTNT vừa đưa ra dự thảo có 8 điều về qui chế mua tạm trữ thóc, gạo tại ĐBSCL. Mục đích quy chế mới nhằm duy trì giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá định hướng tại mỗi vụ thu hoạch, đảm bảo người trồng lúa có lãi, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất có hiệu quả. Trong đó điểm mới đáng chú ý là hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX, các thương nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu và các cơ quan tổ chức liên quan... có điều kiện năng lực tài chính và tự nguyện có thể tham gia thực hiện tạm trữ. Thời hạn mua tạm trữ tùy theo thực tế từng vụ, tối đa không quá 60 ngày tính từ ngày Chính phủ công bố thời điểm bắt đầu mua tạm trữ.
Tạm trữ lúa, gạo vụ HT cần đầu tư thêm lò sấy lúa
Đặc biệt tại Điều 5 về phương thức phân giao và tổ chức tạm trữ có đưa ra 3 phương án lấy ý kiến góp ý, lựa chọn. Đây là điểm mấu chốt thu hút nhiều ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các địa phương, VFA và các DN thành viên.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng: Kiên Giang có sản lượng lúa hàng năm 4,4 triệu tấn, đứng đầu các tỉnh ĐBSCL. Trong 3 - 4 năm liên tục Kiên Giang luôn xuất khẩu 1 triệu tấn/năm. Tỉnh có 5 đơn vị nằm trong tốp 10 DN xuất khẩu gạo nhưng chỉ được phân bổ tạm trữ 84.000 tấn là không hợp lý. Do đó đề nghị qui chế mới phân bổ theo chỉ tiêu sản lượng của từng địa phương và nên phân bổ cho DN thành viên VFA đóng trên địa bàn có điều kiện tài chính, kho, bãi và DN liên kết cùng nông dân thực hiện CĐML.
Tương tự, An Giang cũng là tỉnh mạnh về sản xuất lúa với sản lượng 3,9 triệu tấn/năm, có năng lực kho dự trữ 300.000 tấn. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói: An Giang có nhiều DN kinh doanh lương thực đóng trên địa bàn, trong đó có DN là thành viên VFA nên có khả năng để đảm nhận phân giao chỉ tiêu tạm trữ. Tuy nhiên VFA vẫn đóng vai trò quan trọng. Phân tích thêm, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An lập luận: Phương án giao về cho địa phương phân giao chỉ tiêu tạm trữ không khả thi, bởi UBND tỉnh không phải là chủ DN có kho thu mua. Hơn nữa đầu ra không quyết định được, tồn kho, thất thoát ai chịu?
Cơ chế phối hợp
Theo dự thảo tạm trữ thóc, gạo tại ĐBSCL, có 3 phương án lựa chọn: (1) Giao VFA làm đầu mối như hiện nay; (2) Giao UBND các tỉnh, thành làm đầu mối phân giao cho nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX trồng và sản xuất lúa, gạo, các thương nhân trong và ngoài địa bàn tỉnh; (3) Giao UBND các tỉnh, thành phố làm đầu mối phân giao và tổ chức mua tạm trữ lúa, gạo tại địa bàn trên cơ sở lượng lúa, gạo được phân bổ theo phương án 2. Nếu địa phương nào không có khả năng phân giao và tổ chức thu mua tạm trữ thì ngay khi được phân bổ, chuyển toàn bộ chỉ tiêu của địa phương cho VFA chịu trách nhiệm phân giao và tổ chức mua tạm trữ. |
Theo đa số ý kiến từ các địa phương và DN, để khắc phục hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa VFA và UBND các tỉnh. Không căn cứ vào sản lượng lúa của từng địa phương để phân bổ chỉ tiêu, vì một số địa phương tuy có sản lượng lớn nhưng số lượng DN đóng trên địa bàn ít và năng lực tiêu thụ hạn chế. Ngược lại có địa phương sản lượng lương thực không nhiều nhưng năng lực tiêu thụ rất lớn như Cần Thơ, TP.HCM. Thị trường sẽ điều tiết quan hệ cung - cầu trong toàn vùng. Về thời điểm mua tạm trữ, các địa phương kiến nghị thời điểm bắt đầu cần sớm hơn, thời gian mua tạm trữ dài hơn; đồng thời nâng mức tạm trữ vụ ĐX lên 1,5 triệu tấn để người dân trồng lúa các tỉnh ĐBSCL đều được hưởng chính sách tạm trữ của Chính phủ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Chủ trương mua tạm trữ lúa, gạo vụ ĐX 2012 - 2013 vừa qua phù hợp với tình hình chung, tạo điều kiện cho nông dân, thương nhân kinh doanh chủ động định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa, góp phần kiềm chế tình trạng sụt giảm giá. Mặt được là trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa, gạo tăng lên; mức giá mua đảm bảo nông dân có lãi, tạo điều kiện giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế ép giá và cạnh tranh phá giá. Tuy nhiên mặt tồn tại khiến dư luận, người dân quan tâm vừa qua đó là làm thế nào người nông dân trồng lúa có lợi. Hiện sự phối hợp giữa DN và địa phương chưa thật sự tốt, cách hiểu về mua tạm trữ và tạm trữ lúa gạo chưa thống nhất, trong khi tạm trữ phải là những DN, thương nhân có điều kiện.
Về ý kiến nâng kế hoạch tạm trữ vụ lúa HT lên 1,5 triệu tấn gạo, thời hạn 60 ngày từ 15/6 đến 15/8, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ đề xuất Chính phủ có quyết định phù hợp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;