Học tập đạo đức HCM

Tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 28/12/2014 00:46
Giai đoạn 2011-2013, việc huy động nguồn lực xây dựng chương trình nông thôn mới ngày càng được tăng cường và hoàn thiện. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, nguồn lực huy động được còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch phân bổ được Quốc hội thông qua cho cả giai đoạn 2011-2015. Việc tìm ra các giải pháp nhằm huy động hiệu quả nguồn lực thực hiện Chương trình nông thôn mới bởi thế đang là nhiệm vụ được đặt ra cấp thiết hiện nay. Cổng Thông tin Điện tử Bộ Tài chính trân trọng đăng bài viết của TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính xung quanh nội dung này.
Hiệu quả tích cực từ cơ chế huy động vốn linh hoạt
Những năm vừa qua, cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, những năm vừa qua bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc: Kinh tế nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới được hình thành và phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện,…
Đạt được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn thể hiện qua Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TW khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là một chương trình khung toàn diện nhất để cộng đồng chung sức xây dựng một nông thôn mới hiện đại. Trong đó, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình là một trong những vấn đề được quan tâm.
Theo Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tháng 5/2014, thực tế triển khai thực hiện Chương trình trong 3 năm (2011-2013) đã huy động được hơn 485 nghìn tỷ đồng. Trong đó, NSNN chiếm 33,4% (vốn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình chiếm 10,3% tổng vốn huy động cho Chương trình (gồm NSTW chiếm 1,1% và NSĐP các cấp là 9,2%), vốn lồng ghép 23,1%), vốn tín dụng 47,7%, vốn huy động từ các doanh nghiệp 6% và dân đóng góp chiếm 12,9%.
Điểm nổi bật là các hình thức huy động được thực hiện khá đa dạng. Cụ thể, đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách bao gồm các nguồn NSTW hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình; ngân sách tỉnh hỗ trợ (Bao gồm hỗ trợ trực tiếp từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế trong dự toán ngân sách hàng năm; hỗ trợ qua cơ chế để lại số thu tại xã để xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ qua cơ chế để lại số thu tiền sử dụng đất cho các xã xây dựng nông thôn mới…); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Nguồn vốn tín dụng được huy động chủ yếu thông qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng phát triển Việt Nam. Vốn huy động từ doanh nghiệp được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức hỗ trợ tiền mặt hoặc sản phẩm của doanh nghiệp (như xi măng, sắt thép, gạch, ngói,..), tham gia đầu tư trực tiếp. Các hình thức huy động từ cộng đồng bao gồm tiền mặt; hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất,…) ngày công lao động, và các hình thức xã hội hoá khác.
Cơ chế huy động khá linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong huy động nguồn lực. Nhiều địa phương đã vận dụng chính sách của TW để ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương như chính sách cấp xi măng để dân tự làm đường (Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình), chính sách hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay chuyển đổi cơ cấu sản xuất (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng) hoặc mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình), chính sách phát triển mỗi làng một sản phẩm (Quảng Ninh) hay xây dựng cơ chế vốn mồi nhằm lôi cuốn, kích thích nguồn vốn huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức kinh tế trên địa bàn (Đồng Nai, Thái Bình)…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương
Bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, công tác huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới hiện cũng đang còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức, như: Nguồn huy động từ doanh nghiệp còn hạn chế và có khoảng cách lớn nhất so với mục tiêu đề ra. Nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình cũng đạt thấp so với mục tiêu đề ra 17%.  Bên cạnh đó, nguồn NSTW bố trí cho Chương trình trong 3 năm qua còn chưa đảm bảo theo cam kết (mới đạt khoảng 30% so với kế hoạch phân bổ được Quốc hội thông qua cho cả giai đoạn 2011-2015), nguồn vốn hỗ trợ chuyển về còn chậm đã ảnh hưởng tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện. Cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù từng địa phương. Tại nhiều địa phương hiện mới chỉ tiến hành ghép vốn đối với các công việc, mục tiêu có cùng nội dung, trong khi điều này lại gây khó trong tổng hợp kết quả đạt được của từng dự án, chương trình từ việc ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn. Một điểm đáng quan tâm nữa là nguồn lực huy động từ dân cư có xu hướng tăng trong những năm đầu thực hiện nhưng sau đó giảm mạnh. Trong những năm đầu thực hiện, đóng góp của dân cư chủ yếu ở việc hiến đất và tài sản trên đất, nhưng những năm sau đó huy động từ dân cư sẽ giảm tương đối và chỉ tập trung ở hình thức đóng góp ngày công lao động và tiền mặt...
Trên thực tế, xây dựng và phát triển nông thôn mới là một quá trình lâu dài và cần có một chiến lược, kế hoạch huy động nguồn lực cụ thể. Theo đó, một trong những giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình là NSTW cần đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình theo cam kết cũng như đảm bảo nguồn vốn được cấp đúng thời gian để bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình; Đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân nguồn vốn TPCP thực hiện Chương trình năm 2014 theo Quyết định 195/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát lại các chương trình để tránh sự trùng lắp trong đầu tư, đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình bởi thực tế hiện nay có nhiều CTMTQG, CTMT có nội dung, hoạt động trùng lắp với CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn thu cho NSĐP thông qua việc xác định lại nguồn thu phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Luật NSNN sửa đổi và thông qua việc rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất và thu hẹp đối tượng giao đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng cần được tiến hành đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và phát triển bảo hiểm nông nghiệp; Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn thông qua tăng đầu tư từ NSNN cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn, gắn với nhu cầu thiết thực của người dân. Từ đó nâng cao khả năng kinh tế của người dân nông thôn nhằm tăng mức đóng góp trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới;thực hiện tốt Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Công văn số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 về huy động vốn góp của dân để thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, đảm bảo việc huy động vốn thực hiện Chương trình linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương; quan tâm tới vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc xây dựng công khai, kế hoạch về các dự án cụ thể theo từng năm để huy động nguồn lực cho xây dựng Chương trình nông thôn mới...
Thực tế, sau 3 năm triển khai đã cho thấy, chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương quan trọng, hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tới đây với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân cả nước, cũng như việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kể trên, chương trình xây dựng nông thôn mới chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.
Theo: mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập334
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm333
  • Hôm nay46,759
  • Tháng hiện tại822,037
  • Tổng lượt truy cập91,995,766
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây